VN-Index giằng co với thanh khoản thấp, cổ phiếu thủy sản lại ‘cháy hàng’

95 lượt xem - Posted on

Trên nền thanh khoản thấp do cung cạn và cầu yếu, VN-Index giao dịch giằng co quanh ngưỡng tham chiếu. Dòng tiền ưu tiên mua vào các cổ phiếu thủy sản, phân bón hóa chất, đầu tư công…

Giao dịch sàn HoSE phiên 2/10.
Giao dịch sàn HoSE phiên 2/10.

Kết phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.155,25 điểm, tăng 1,1 điểm so với kết phiên cuối tuần trước. HNX-Index tăng 0,37 điểm còn UPCoM giảm 0,09 điểm. Thanh khoản sụt giảm mạnh khi tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường chỉ đạt hơn 12.500 tỷ đồng.

Khối ngoại cũng giao dịch hạn chế hơn với hơn 1.400 tỷ đồng và mua ròng 177 tỷ đồng trên sàn HoSE. SSI được mua ròng mạnh nhất 84 tỷ đồng. Kế đến là DXG 50 tỷ đồng, DGC 44 tỷ đồng, VRE 40 tỷ đồng, VNM, VCG, VIX trên 20 tỷ đồng.

Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất VPB với giá trị 34 tỷ đồng. VIC cũng bị bán ròng 23 tỷ đồng; VCI, GDM, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, E1VFVN30, VHC trên 10 tỷ đồng…

Bộ ba cổ phiếu nhóm Vingroup có tác động tích cực nhất đến thị trường, với VHM tăng 0,6%, VIC tăng 0,1% và VRE tăng 2,9%. Trong báo cáo thị trường tuần 2-6/10, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo chỉ số VN-Diamond Index sẽ thêm mới cổ phiếu VRE trong kỳ cơ cấu ngày 21/10 tới, do đã đáp ứng một số tiêu chí và để đảm bảo tính đa dạng khi có 1 nhóm ngành bị áp dụng ngưỡng giới hạn tỷ trọng vốn hóa 40%.

BSC dự kiến các quỹ ETF tham chiếu theo bộ chỉ số VN-Diamond Index sẽ mua mới 13,4 triệu cổ phiếu của Vincom Retail, nâng tỷ trọng từ 0% lên 1,77%.

Tăng mạnh nhất trong nhóm VN30 là GVR +4,6%. Chiều tăng còn có VNM +1,9%, POW +1,3%, MSN +1,4%, SSI +0,9%… Chiều giảm có BID, BCM, CTG, GAS, HDB, HPG, MWG, SHB, TCB, TPB, VCB, VJC. Mức giảm mạnh nhất thuộc về TPB -2%.

Xét về nhóm ngành, nhóm thủy sản tăng mạnh nhất, với ANV và FMC tăng trần, CMX tăng 5,9%, IDI tăng 4,8%, ACL tăng 4,4%, VHC tăng 2,7%. Nhóm này diễn biến tích cực ngay sau thông tin sáng về tình hình xuất khẩu.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 862 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Đáng chú ý là sự hồi phục của mặt hàng cá tra với mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính tới hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên tín hiệu tích cực là tăng dần những tháng gần đây.

Nhóm hóa chất phân bón cũng được dòng tiền chú ý, với DCM tăng hơn 3%, DPM tăng 2,4%, DGC tăng nhẹ 0,2%.

Với các nhóm ngành trụ cột, nhóm chứng khoán, bất động sản, xây dựng tăng nhẹ trong khi ngân hàng giảm. Tại nhóm chứng khoán, lực kéo đến từ SSI, VND, VIX, HCM, SHS – tăng trên dưới 1%; ngược lại MBS và BSI giảm hơn 3%, CTS và FTS giảm khoảng 2%, EVS, TVS, ORS, VFS đều giảm giá.

Nhóm bất động sản ngoài bộ ba nhóm Vingroup thì nhiều mã cũng kết phiên trong sắc xanh, tuy nhiên đa số chỉ tăng trên dưới 1%, như KBC, PDR, VPI, DXG, TCH, SJS, DXS, HDC, HDG, CEO… Ngược lại, mã gây ảnh hưởng nhất đến nhóm là NVL -1,3%, BCM, KDH, NLG giảm dưới 1%.

Nhóm ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh từ VCB -1,1%, TPB -2%, TCB -1,5%, HDB -1,4%, BID -0,9%… Chiều tăng có ACB, ABB, BVB, MBB, MSB, OCB, STB, VIB, VPB. Trong đó, tăng tốt nhất là OCB và MSB +1,8%.

Phạm Ngọc – Theo Báo Mới

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem VN-Index giằng co với thanh khoản thấp, cổ phiếu thủy sản lại ‘cháy hàng’trên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *