Tâm điểm ngành ngân hàng tuần qua là Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng chủ trì.
“Hội nghị Diên Hồng” bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn tăng trưởng tín dụng
Sáng 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gọi Hội nghị này như “Hội nghị Diên Hồng về tín dụng” cho đất nước, nhằm bàn việc tìm ra những giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng khẳng định, ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của quốc gia. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế. Thủ tướng cho rằng, trong bài học xây dựng đất nước có bài học đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi người, mỗi chủ thể phải cùng có trách nhiệm, đóng góp để tạo thành sức mạnh.
Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Tuy nhiên trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi “một chiều” thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp bất động sản cần cơ cấu lại phân khúc thị trường hợp lý và hạ giá thành sản phẩm. Đối với ngành Ngân hàng, Thủ tướng cho rằng, chính sách phải hết sức linh hoạt, không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng cần có sự linh hoạt.
NHNN được giao 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn tăng trưởng tín dụng
Để tiếp tục triển khai hiệu quả, thiết thực, quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, đẩy mạnh nguồn vốn ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế, Thủ tướng đã giao NHNN 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ hai, thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; nâng cao chất lượng tín dụng và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, sát tình hình hơn nữa (nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay…) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn; đồng thời, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay; đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng trong các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Thứ tư, nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng và lãi suất bình quân cho vay của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
Thứ năm, tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Thứ sáu, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung/kéo dài thời gian thực hiện đối với các Thông tư số 02/2023, Thông tư số 03/2023 và Thông tư số 06/2023 và Thông tư số 10/2023 nhằm phù hợp với tình hình thực tế, ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Đặc biệt lưu ý tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Thứ bảy, triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. Tiếp tục kiểm soát tốt ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, cho vay chéo dẫn đến mất an toàn hệ thống.
Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, chuyển đổi số, đặc biệt an toàn mạng, chống xâm nhập hệ thống lấy tiền trong tài khoản của ngân hàng.
Thứ chín, phối hợp Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững (nhất là Nghị định 08/2023/NĐ-CP, lưu ý đề xuất về Nghị định này khi hết hiệu lực vào cuối tháng này). Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm trong tình trạng người dân đến gửi tiền tại ngân hàng thì được môi giới mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với lãi suất cao hơn; các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này.
Thứ mười, phối hợp Bộ Xây dựng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng: Chấm dứt tuồn vốn rẻ cho vay sân sau
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các tổ chức tín dụng cần bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp. Công bố công khai lãi suất bình quân của ngân hàng.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số doanh nghiệp, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc thuộc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo hướng dẫn của NHNN. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ xấu.
Phó Thống đốc: Sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay và không có chuyện phải xin room tín dụng
Báo cáo tại hội nghị, Phó Thống đốc cho biết, mặc dù triển khai nhiều giải pháp và đã đóng góp tích cực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng đặt ra. Đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm. Phó Thống đốc đã chỉ ra một số nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc khẳng định, trong thời gian tới, dứt khoát không có chuyện ngân hàng phải xin room tín dụng. NHNN sẽ chủ động triển khai phân bổ hạn mức tín dụng một cách hợp lý nhất dựa trên nhiều yếu tố.
Về định hướng điều hành chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, bám sát diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ nay đến cuối năm, NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời điều hòa tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu hạn mức, đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian tới; Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; Đẩy mạnh công tác đối thoại, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp; Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,…
Thống đốc: NHNN sẽ xem xét kéo dài Thông tư 02 về giãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cân nhắc việc bỏ room tín dụng
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn, vừa phải giải quyết những vấn đề nội tại của Ngành nhưng vẫn phải ứng phó nhanh nhạy trước bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, kinh tế có độ mở cửa lớn.
Trên cơ sở các ý kiến đại biểu tại Hội nghị, theo Thống đốc tổng hợp gồm có 3 nhóm vấn đề: tiếp cận vốn (điều kiện vay vốn); tài sản bảo đảm và cơ cấu lại khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Thống đốc cho biết, tính đến tháng 10/2023, theo báo cáo doanh số cho vay của hệ thống đạt 17,6 triệu tỷ đồng như vậy cao hơn cả năm 2021 (17,4 triệu tỷ đồng). Chỉ còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2023, khả năng con số này có thể đạt trên 19 triệu tỷ đồng. Đây là con số lớn nhưng tăng trưởng tín dụng 9,15%, chứng tỏ hệ thống ngân hàng vẫn cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, vòng quay vốn diễn ra bình thường. Điều này cho thấy mắc ở đây tín dụng cho vay trung, dài hạn khó khăn. Khó khăn chủ yếu do yếu tố khách quan.
Trong phần đánh giá tín dụng của các nước trên thế giới cũng đều tăng chậm không riêng Việt Nam do tổng cầu thế giới giảm. Cũng như các nước trên thế giới, đối với bài toán vốn trung, dài hạn tại Việt Nam cũng cần thận trọng làm sao huy động vốn ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, đảm bảo khả năng chi trả khi người dân rút tiền.
Đối với tín dụng bất động sản,Thống đốc khẳng định, NHNN chưa bao giờ cấm cho vay lĩnh vực này, mà chỉ đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro ở đây là lo rủi ro kỳ hạn.
Theo Thống đốc, nếu ngân hàng tập trung cho vay dài hạn đến khi người dân rút tiền lại phải đối mặt rủi ro thanh khoản. Các ngân hàng cân đối tính khả thi dự án, khả năng thu hồi nợ cũng như giải quyết vấn đề vướng mắc pháp lý để cho vay khách hàng. Vấn đề cốt lõi đối với thị trường bất động sản hiện tại là phải tháo gỡ pháp lý. Khi pháp lý thông suốt chắc chắn lập tức tín dụng lập khơi thông. Do đó, bên cạnh sự đồng hành, quyết liệt triển khai giải pháp của ngành Ngân hàng, Thống đốc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cũng quan tâm tháo gỡ khó khăn vấn đề pháp lý.
Về tài sản đảm bảo, Thống đốc cho biết, trong hoạt động cấp tín dụng không có quy định nào bắt buộc các TCTD cho vay khách hàng phải có TSĐB mà có thể vay không có TSĐB thế chấp, còn việc định giá TSĐB để cho vay bao nhiêu thuộc thẩm quyền của TCTD. Thống đốc đề nghị các ngân hàng ghi nhận ý kiến đề xuất làm sao trong quá trình cho vay vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo chặt chẽ.Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, để tạo điều kiện, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, song song giải pháp của ngành Ngân hàng, Thống đốc đề nghị cần đẩy mạnh vai trò, giải pháp từ các Quỹ như Quỹ Hỗ trợ DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV…
Thống đốc cũng thông tin thêm, về hành lang pháp lý, NHNN đang rà soát sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật và vẫn dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn nhưng phải quản lý chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. Đối với đề nghị kéo dài thời gian Thông tư 02, Thống đốc cho biết, NHNN sẽ xem xét đánh giá nghiên cứu đề xuất trên. Đối với vấn đề điều hành tăng trưởng tín dụng, Thống đốc cho biết, NHNN xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình điều hành chỉ tiêu room tín dụng những mặt được cũng như chưa được. Trong thời gian tới, việc có tiếp tục duy trì room tín dụng hay không hoặc có lộ trình như thế nào… sẽ trên tinh thần khắc phục hạn chế tạo điều kiện đảm bảo tiêu chí kiểm soát được rủi ro tín dụng.Còn một số ý kiến liên quan đến TCTD thủ tục cho vay, định giá TSĐB, cho vay tín chấp, giảm lãi suất… NHNN đề nghị TCTD cố gắng nhất có thể để tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
NHNN đã bơm trả toàn bộ số tiền hút qua tín phiếu
Trong tuần qua, các lô tín phiếu cuối cùng do NHNN phát hành vào tháng 11 đã đáo hạn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến nay đã bơm trả cho hệ thống ngân hàng toàn bộ số tiền đã hút về qua kênh tín phiếu, đưa lượng lưu hành về mức 0.
Trước đó, NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào hôm 21/9, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Động thái phát hành tín phiếu của NHNN được cho là nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Sau 35 phiên phát hành liên tiếp với tổng quy mô 360.345 tỷ đồng, NHNN đã dừng hoạt động chào bán tín phiếu từ ngày 9/11 và bơm trả lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn.
Lượng lớn tín phiếu đáo hạn đã góp phần hỗ trợ đà giảm của lãi suất liên ngân hàng trong những tuần qua.
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực
Tuần giao dịch vừa qua (4-8/12/2023) là một tuần tích cực với nhóm cổ phiếu ngân hàng khi ghi nhận 23/27 mã tăng giá. Chỉ 2 mã không thay đổi so với cuối tuần trước và 2 mã giảm giá.
Cụ thể, LPB là mã tăng tốt nhất tuần với mức +6,9%, đạt 16.350 đồng/cp, qua trở lại vùng giá thời điểm đầu tháng 9.
Trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, BID của BIDV tăng mạnh nhất với mức tăng 6,3%. Cổ phiếu này diễn biến tích cực sau khi chốt danh sách cổ đông vào cuối tháng 11 để thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 12,69%. Đóng cửa tuần này, giá cổ phiếu BID ở mức 41.900 đồng/cp, cao nhất kể từ 15/9 đến nay. Hiện BID là mã có thị giá cao thứ hai trong nhóm ngân hàng, vốn hoá cũng đứng thứ 2 thị trường, đạt hơn 211 nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu TCB của Techcombank cũng tăng 4% trong tuần qua và trở lại trên mốc 30.000 đồng/cp sau hơn 2 tuần. Hiện vốn hoá TCB ở mức hơn 105 nghìn tỷ đồng, không còn nằm trong top 10 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và thấp hơn khá nhiều so với VPB của VPBank (hơn 155 nghìn tỷ), CTG của VietinBank (hơn 129 nghìn tỷ).
Một số mã khác cũng tăng trên 4% như OCB (5,6%) và EIB của Eximbank (4,4%). Cổ phiếu OCB diễn biến tích cực với thanh khoản cũng tăng mạnh, ghi nhận giá trị khớp lệnh tuần qua đạt 189 tỷ đồng, gấp 3 lần tuần trước đó.
Nguồn: https://cafef.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Hai ngân hàng lớn sẽ tiếp tục giảm lãi suất huy động từ ngày mai 12/6
- Cách phát Wifi từ Máy tính & Laptop Win 10/8.1/7
- Thị trường đón nhận phiên “bùng nổ theo đà”, nhà đầu tư nên hành động như thế nào?
- Miệt mài tăng điểm 8 phiên liên tiếp, VN-Index có thể đi lên đến bao giờ?
- Chọn vị trí để kinh doanh nhà trọ cho thuê