Lên đỉnh từ đầu năm 2023

Sau một tuần tăng điểm tích cực, chỉ số VN-Index đã thiết lập mức cao mới từ đầu năm 2023. Đà tăng của thị trường đi kèm với thanh khoản cải thiện, dòng tiền nội tiếp tục có xu hướng đổ vào thị trường trong bối cảnh một loạt ngân hàng thương mại thông báo hạ lãi suất tiền gửi tuần vừa qua.

Trong tuần 19-23/6, thị trường chứng khoán hồi phục sau khi tiếp nhận một nhịp điều chỉnh ngắn. Đà điều chỉnh cuối thứ 6 tuần trước đã tiếp tục lan sang đầu tuần khi kéo VN-Index giảm 9,8 điểm ngay trong phiên đầu tuần với nhiều mã trong VN30 giảm sâu như Novaland (giảm 6%), Bất động sản Phát Đạt PDR (-4,2%). Tuy nhiên, nhịp điều chỉnh không kéo dài lâu.

Trong phiên tiếp theo, chỉ số VN-Index đã bật tăng trở lại nhờ dòng tiền chực chờ bắt đáy trước đó gia nhập thị trường. Các cổ phiếu trụ thay nhau dẫn dắt chỉ số những phiên sau đó, kéo chỉ số VN-Index vượt qua vùng đỉnh ngắn hạn trước đó. Chốt tuần giao dịch, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.129,4 điểm, tăng 1,3% so với tuần trước. Đây là mức cao nhất trong vòng 9 tháng qua. Cùng với đó, chỉ số HNX-Index tăng 1,4% lên mức 231,5 điểm và chỉ số Upcome-Index tăng 1,3% lên mức 85,7 điểm.

Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 21.265 tỷ đồng (+14,9% so với tuần trước).

Trong tuần, khối ngoại đã quay lại bán ròng trên cả 3 sàn. Tuy nhiên, khối lượng đã thấp hơn đáng kể. Cụ thể, khối lượng bán ròng trên HOSE và HNX đạt 184,6 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng, thấp hơn lần lượt 46% và 81% so với lượng mua ròng tuần trước. Khối lượng bán ròng trên UPCOM đạt 13,8 tỷ đồng giảm nhẹ 6% so với tuần trước.

Động lực tăng điểm của thị trường tuần qua đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như: Tập đoàn Hòa Phát – HPG (+8,3%), Vinamilk – VNM (+4,5%) và GVR (+6,7%).

Cổ phiếu nhóm ngành xây dựng cũng góp phần thúc đẩy thị trường chung đi lên nhờ câu chuyện vốn đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân, kích thích tăng trưởng.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép tăng trưởng tích cực sau khi Hiệp hội Thép Việt Nam công bố sản lượng thép tháng 5 phục hồi đồng thời giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng trở lại.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước thông bảo giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 hôm 19/6, các cổ phiếu ngân hàng hầu hết tăng điểm như: VPBank – VPB (+3,3%), Vietinbank – CTG (+2,6%), BID (+1,4%) và Sacombank – STB (+4,5%). Tuy nhiên, Vietcombank – VCB lại bất ngờ ngược chiều thị trường, giảm 4,9%.

Thị trường chứng khoán đang hút dòng tiền nội. (Ảnh: HH)

Thận trọng khi kinh tế chưa vượt qua giai đoạn khó khăn

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Khối Phân tích, CTCP Chứng khoán VNDirect, nhìn chung xu hướng hiện tại của thị trường vẫn khá tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không nên hưng phấn “thái quá” và cần giữ cái đầu “tỉnh táo” khi thị trường đã có một nhịp tăng mạnh gần 100 điểm trong vòng một tháng vừa qua.

Theo chuyên gia VNDirect, ở vào thời điểm hiện tại, doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn chưa vượt qua được giai đoạn khó khăn và thị trường vẫn chưa xác lập điểm đảo chiều. Trong tuần tới, thị trường chứng khoán sẽ đón nhận thông tin vĩ mô quan trọng là số liệu tăng trưởng GDP quý II/2023 của Việt Nam. Nhiều dự báo cho rằng số liệu tăng trưởng GDP quý II sẽ vẫn kém khả quan do thiếu đơn hàng xuất khẩu cũng như tình trạng cắt điện luân phiên.

Đồng thời, thị trường cũng chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II với bức tranh chung vẫn nhiều gam màu xám. Lợi nhuận toàn thị trường có thể tiếp tục giảm trong quý II và kéo mặt bằng định giá của thị trường tăng lên.

Trái ngược với sự gia nhập mạnh mẽ của dòng tiền nội, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.000 tỷ đồng trong tuần qua, tập trung vào cổ phiếu Vinhomes (hơn 500 tỷ đồng), Novaland và Vinamilk. Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng Hòa Phát, Chứng khoán Vietcap, Sacombank…

Thị trường gần đây ghi nhận nhiều cổ phiếu nhỏ tăng giá mạnh. Tuy nhiên, thông tin về các vụ khởi tố/xử phạt về thao túng chứng khoán có thể khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng. Chiều 23/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã nhận được thông báo từ Cơ quan an ninh điều tra – Công an Thành phố Hà Nội về Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ)”. Đây là các cổ phiếu thuộc “họ APEC”, từng làm mưa gió trên thị trường chứng khoán trong năm 2021 với mức tăng lên tới cả chục lần.

Hầu hết các khuyến nghị cho rằng, nhà đầu có thể hạn chế mua đuổi cổ phiếu tại vùng giá cao để đề phòng những cú đảo chiều đột ngột của thị trường nếu có những thông tin bất lợi xuất hiện. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ lệ đòn bẩy cao, nên hạ bớt margin để kiểm soát rủi ro danh mục đầu tư.

Dù vậy, nhiều đánh giá cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong trung và dài hạn. Dòng vốn ngoại vẫn đang đổ vào Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Việt Nam và Hàn Quốc ký thoả thuận hợp tác quỹ xúc tiến kinh tế Hàn Quốc (EDPF) trị giá 2 tỷ USD để triển khai các dự án đầu tư phát triển có quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị của Việt Nam.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP – KBC (chuyên phát triển khu công nghiệp), đại diện doanh nghiệp này tiết lộ về một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn dự kiến thuê phần còn lại của Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh), sẽ mang vào Việt Nam hàng tỷ USD.

Gần đây, lãi suất được các ngân hàng giảm mạnh. Nhóm big 4 gồm Vietcombank, VietinBank Agribank và BIDV đều đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên giảm từ 6,8%/năm về mức 6,3%/năm. Lãi suất 1-2 tháng được Agribank hạ về 3,4%. Việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động sẽ giúp đẩy dòng tiền ra nền kinh tế, và cũng sẽ giúp chi phí vay vốn của doanh nghiệp giảm xuống.

Nguồn: https://vietnamnet.vn