Khi Euro ngang giá USD: Euro mất giá nhiều hay USD tăng quá mạnh?

232 lượt xem - Posted on

Xu hướng mất giá trong một năm qua của đồng Euro (EUR) đã đưa đồng tiền chung châu Âu về mức ngang bằng với đồng Đôla Mỹ (USD) lần đầu tiên trong vòng 20 năm, thậm chí có lúc dưới ngang giá…

14:00 25/07/2022

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Reuters.

Hồi cuối tháng 5/2021, tỷ giá Euro/USD còn ở mức khoảng 1,22 USD đổi 1 Euro và giờ đây, tỷ giá là 1 Euro đổi  khoảng 1 USD, có thời điểm 1 Euro chỉ tương đương 0,98 USD. Một câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này là vì sao đồng Euro mất giá mạnh đến vậy, hoặc cũng có thể là vì sao USD tăng giá nhiều đến thế?

Đồng Euro giảm giá thực sự là một tin vui đối với du khách Mỹ thăm châu Âu trong mùa hè này, vì số tiền USD mà họ mang theo sẽ mua được thêm nhiều hàng hoá định giá bằng Euro, nhưng lại là một điều tồi tệ đối với người tiêu dùng châu Âu trong bối cảnh giá tiêu dùng vốn dĩ đã tăng mạnh chưa từng thấy. Việc Euro mất giá được cho là sẽ “tiếp lửa” cho lạm phát ở châu Âu, dẫn tới việc tăng lãi suất để chống lạm phát, đặt ra nguy cơ suy thoái khu vực ngày càng lớn. Châu Âu suy thoái có thể kéo cả thế giới suy thoái theo.

ĐI TÌM NGUYÊN NHÂN EURO TRƯỢT GIÁ

Euro là đồng tiền chính thức tại 19 trong số 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Các nước này – gồm Áo, Bỉ, Cyprus, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Italy, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha – hợp thành khối Eurozone.

Khi mới ra đời vào ngày 1/1/1999, tức là 6 năm sau ngày Hiệp ước Maastritch thiết lập khối EU, đồng Euro là một đồng tiền kỹ thuật số, chỉ sử dụng cho mục đích kế toán. Ba năm sau, vào năm 2002, EU phát hành Euro dưới dạng tiền xu và tiền giấy. Theo ECB, số người sử dụng đồng Euro ở châu Âu hiện nay là hơn 340 triệu người.

Với giá trị lưu hành khoảng 1,6 nghìn tỷ Euro vào thời điểm tháng 6/2022, Euro là đồng tiền dự trữ lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau đồng bạc xanh. Năm 1999, 1 Euro được định giá ít hơn 1 USD, nhưng từ năm 2003 trở đi, đồng Euro liên tục tăng giá so với USD, đạt mức cao gần 1 Euro “ăn” gần 1,6 USD vào mùa hè năm 2008. Theo dữ liệu của Fed, trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây, tỷ giá Euro/USD bình quân ở mức 1,18 USD đổi 1 Euro.

Sự ngang giá giữa hai đồng tiền xuất hiện sau khi đồng Euro trượt dốc gần 20% so với đồng USD trong vòng 14 tháng qua. Việc đồng Euro trở về ngang giá USD có thể gọi là câu chuyện về sự mất giá mạnh của đồng Euro hoặc cũng có thể gọi là câu chuyện về sự tăng giá mạnh của đồng USD. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới biến động tỷ giá giữa hai đồng tiền này trong vòng hơn 1 năm qua.

Đầu tiên phải kể đến lạm phát. Tốc độ leo thang của giá cả ở châu Âu diễn ra ngày càng mạnh, nhất là khi chiến tranh ở Ukraine gây khan hiếm nhiều hàng hoá cơ bản – đặc biệt là dầu thô và khí đốt – và khiến tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng vốn xuất hiện từ đại dịch Covid-19 càng thêm phần trầm trọng. Tháng 6 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Eurozone tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, một con số kỷ lục, và xu hướng lạm phát này được dự báo sẽ còn duy trì đến cuối năm 2022.

Nhiều người cho rằng tình hình kinh tế Mỹ và châu Âu có nhiều điểm tương đồng, xét tới việc lạm phát tháng 6 ở Mỹ cũng lên tới 9,1%, cao nhất 40 năm qua. Tuy nhiên, có một số khác biệt lớn ở đây.

Cú sốc kinh tế mà chiến tranh ở Ukraine, nhất là về giá dầu thô và khí đốt tăng cao, có ảnh hưởng đến châu Âu nhiều hơn so với Mỹ. Một số chuyên gia đã dự báo về một cuộc suy thoái sâu rộng ở châu Âu trong năm nay hoặc năm tới. Chiến tranh Nga-Ukraine là “một cú sốc chấn động đối với Eurozone, bởi phần lớn mô hình tăng trưởng của châu Âu dựa vào dòng chảy năng lượng giá rẻ từ Nga. Dòng chảy này giờ đây không còn nữa. Suy thoái và những trở ngại mang tính cấu trúc đang hiện ra”, chuyên gia kinh tế trưởng Robin Brooks của Viện Tài chính quốc tế (IFF) nhận định trên Tweet mới đây.

Theo chuyên gia Rubeela Farooqi của High Frequency Economics, kinh tế Mỹ cũng có khả năng xảy ra suy thoái, nhưng “nền kinh tế Mỹ vẫn được đánh giá là vững vàng hơn so với châu Âu”.

Vì lý do này, ECB ngày 21/7 mới bắt đầu nâng lãi suất để chống lạm phát, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, ba lần nâng lãi suất từ tháng 3 của Fed có các bước nhảy tương ứng là 0,25; 0,5; và 0,75 điểm phần trăm. Theo dự kiến, trong cuộc họp kết thúc vào ngày 27/7, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, với bước nhảy 0,75 hoặc 1 điểm phần trăm.

Khi Euro ngang giá USD: Euro mất giá nhiều hay USD tăng quá mạnh? - Ảnh 1

Việc Fed liên tục nâng lãi suất mạnh tay có  ảnh hưởng gián tiếp đến giá trị đồng Euro. Khi lãi suất ở Mỹ tăng lên, giá trị của các tài sản mang lãi suất tại Mỹ cũng tăng lên, tạo ra sức hút lớn hơn đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu. Khi nhà đầu tư chuyển đổi đồng Euro sang USD để đầu tư vào Mỹ, giá trị của đồng Euro giảm xuống. Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến cho USD tăng giá mạnh từ đầu năm tới nay, qua đó làm suy yếu đồng Euro.

Ngoài ra, đồng USD còn phát huy vai trò một an toàn được nhiều nhà đầu tư tìm đến khi thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh gần đây. Trên thực tế, chỉ số Real Broad Dollar Index của Fed, một thước đo về giá trị đã tính đến yếu tố lạm phát của đồng USD, hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi ra đời vào năm 2006.

Không chỉ tăng giá so với Euro, USD còn tăng giá so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt đã tăng hơn 11,5% nếu tính từ đầu năm và mới đây thiết lập mức cao nhất kể từ năm 2002.

TÁC ĐỘNG TỪ SỰ GIẢM GIÁ CỦA EURO

Trước hết, có thể nói rằng sự mất giá của đồng Euro mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ khi họ mua hàng châu Âu nhập khẩu vào Mỹ hoặc khi họ đi du lịch châu Âu. Một vé tàu 250 Euro hiện nay có giá 250 USD đối với một du khách Mỹ. Mùa hè năm ngoái, một chiếc vé như vậy sẽ tiêu tốn của một vị khách Mỹ thăm thú châu Âu số tiền 305 USD.

Sự mất giá của Euro về bản chất mang lại mức giảm giá khoảng 15% đối với người Mỹ mang tiền USD sang mua hàng hoá ở châu Âu, nếu so với thời điểm mùa hè năm ngoái. Chẳng hạn, vào năm 2021, số tiền 100 USD chỉ mua được 82 Euro hàng hoá, dịch vụ ở châu Âu, thì giờ đây số tiền USD tương tự mang lại sức mua 100 Euro.

Ngoài ra, đồng USD cũng có tác dụng làm giảm bớt áp lực lạm phát ở Mỹ. Theo chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics, mỗi 10% tăng giá của đồng USD so với đồng tiền các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ trong vòng một năm qua giúp lạm phát ở Mỹ giảm đi 0,4 điểm phần trăm. Tuy nhiên, lạm phát ở Mỹ không vì thế mà ngừng lập đỉnh cao mới.

Nhưng mặt khác, Mỹ là một đối tác thương mại lớn của châu Âu, sự mất giá của Euro sẽ làm cho hàng Mỹ trở nên đắt đỏ hơn ở thị trường châu Âu. Ưu thế duy trì của đồng USD so với Euro có thể dẫn tới mất cân đối thương mại gia tăng và làm hao hụt sản lượng kinh tế của doanh nghiệp Mỹ. Các công ty Mỹ bán hàng sang châu Âu và nhận thanh toán bằng Euro, hoặc kinh doanh tại châu Âu và được trả bằng Euro, sẽ chứng kiến lợi nhuận suy giảm khi đưa về nước và chuyển đổi sang USD.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp châu Âu hưởng lợi khi chuyển đổi từ USD sang Euro số lợi nhuận thu được ở Mỹ và hàng hóa châu Âu xuất khẩu sang Mỹ cũng có lợi thế cạnh tranh tốt hơn.

Đối với người tiêu dùng châu Âu, lạm phát cao cộng thêm đồng nội tệ mất giá khiến chi phí sinh hoạt càng đội lên cao. Cùng với đó, nguy cơ suy thoái kinh tế khiến việc nâng lãi suất để chống lạm phát trở thành một “liều thuốc” với nhiều tác dụng phụ không mong muốn mà ECB bắt buộc phải “kê đơn”.

Lãi suất tăng khiến nguy cơ suy thoái kinh tế châu Âu càng lớn hơn, nhất là trong trường hợp các nước trong khu vực này phải chia khẩu phần khí đốt – một “cơn ác mộng” sẽ trở thành hiện thực nếu Nga vì một lý do nào đó đột ngột cắt dòng chảy khí đốt sang thị trường này. Tình hình ở Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone, u ám đến nỗi Bộ trưởng Bộ Kinh tế nước này Robert Habeck hồi tháng 6 cảnh báo rằng nếu Nga cắt cung cấp khí đốt, đó có thể là “khoảnh khắc Lehman Brothers” đối với nước Đức – một sự so sánh với vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ hồi năm 2008 châm ngòi cho khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế của Berenberg ước tính rằng việc giá khí đốt tăng cao sẽ khiến hóa đơn khí đốt của Eurozone tăng thêm 220 tỷ Euro, tương đương khoảng 224 tỷ USD trong vòng 12 tháng, tương đương với 1,5% sản lượng kinh tế của toàn khu vực. “Thực sự, đây là một đám mây đen phủ bóng lên tài sản ở khu vực châu Âu ở thời điểm hiện tại. Châu Âu đang ở trong một cuộc khủng hoảng khí đốt có thể leo thang cao hơn, và một cuộc suy thoái kinh tế đang cận kề”, chiến lược gia trưởng Jim Reid của Deutsche Bank viết trong một báo cáo.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng cảnh báo rằng điều kiện kinh doanh tại 19 nước thành viên Eurozone đã “xấu đi nhiều” trong những tháng gần đây. “Chúng ta đang ở trong vùng biển động. Năm 2022 là một năm khó khăn, nhưng năm 2023 có lẽ còn khó khăn hơn”, bà Georgieva nói với hãng tin Reuters.

Việc châu Âu suy thoái có thể kéo theo một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra cảnh báo như vậy trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects) hồi tháng 6. Trong báo cáo này, Chủ tịch WB David Malpass nói rằng “nếu một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu được ngăn chặn, thì ảnh hưởng của tình trạng “stagflation (lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng èo uột) vẫn có thể kéo dài nhiều năm, trừ phi nguồn cung bắt đầu có sự cải thiện quan trọng”.

Ngoài ra, một ảnh hưởng không thể kể đến từ sự giảm giá của đồng Euro chính là ảnh hưởng về tâm lý. Sự nổi lên của đồng Euro như một đối thủ cạnh tranh với đồng USD vốn  là một dự án chính trị quan trọng đối với EU.

Bạn đang xem Khi Euro ngang giá USD: Euro mất giá nhiều hay USD tăng quá mạnh?trên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *