Cổ phiếu bất động sản đang trên đà lấy lại vị thế?

104 lượt xem - Posted on

Liên tục ghi nhận đà tăng nóng sau hàng loạt những thông tin hỗ trợ, cổ phiếu bất động sản đang được kỳ vọng trở lại “thời hoàng kim”. Tuy nhiên, do dòng tiền vào nhóm này vẫn chưa bền, nhà đầu tư vẫn nên kiên nhẫn với chiến lược “dài hơi”.

Tuần tư 31/7 – 4/8, VN-Index tăng 1,5% so với tuần trước đó, lên 1.226 điểm, đạt đỉnh 10 tháng với thanh khoản tăng mạnh khi giá trị giao dịch trung bình một phiên trên HoSE đạt 22.829 tỷ đồng, tăng 11,2% so với tuần trước đó, tăng 28,4% so với trung bình 5 tuần và tăng 65% so với trung bình 20 tuần.

Tâm điểm thị trường

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục trở thành tâm điểm với tỷ trọng giá trị giao dịch đạt 26,34%, cao nhất toàn thị trường khi có tới 9/10 mã giao dịch mạnh nhất và tăng điểm trong tuần gồm: NVL (Novaland), VIC (Vingroup), DIG (DIC Corp), PDR (Phát Đạt), DXG (Đất Xanh), VHM (Vinhomes), TCH (Tài chính Hoàng Huy), NLG (Nam Long Group), CEO (C.E.O).

Nổi bật nhất là cổ phiếu VIC. Đây là mã tăng mạnh nhất tuần với mức tăng 20,78%. Chỉ sau 7 phiên giao dịch, VIC đã tăng gần 22% thị giá, leo lên mức cao nhất trong 8 tháng kể từ cuối tháng 12 năm ngoái. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 42.600 tỷ đồng sau một tuần, lên vượt 237.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thanh khoản của VIC cũng cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước. Riêng trong phiên 4/8, VIC còn khớp lệnh lên đến 21,2 triệu đơn vị, con số cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2007.

-8244-1691403323.jpg

Cổ phiếu bất động sản liên tục ghi nhận đà tăng nóng sau hàng loạt những thông tin hỗ trợ. 

Có thể thấy, sự bùng nổ mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu bất động sản trong tuần qua diễn ra sau những thông tin hỗ trợ từ Hội nghị của Chính phủ về đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản diễn ra vào giữa tuần trước. Một số thông điệp, giải pháp đã được đưa ra, đặc biệt là vấn đề tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản.

Ngược thời gian, hơn một năm qua là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009, kéo theo đó là câu chuyện ảm đạm của các “cổ đất”. Từ bế tắc về vốn, trái phiếu đến vấn đề kinh tế suy yếu, đầu ra thiếu thanh khoản, cũng như các vướng mắc pháp lý đã nhấn chìm nhóm cổ phiếu này, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán chung điều chỉnh.

Theo đó, nhiều cổ phiếu bất động sản đã để mất từ 60 – 70% thị giá, trong đó có cả cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn như NVL, PDR, DXG, DXS (Dịch vụ bất động sản Đất Xanh), AGG (Bất động sản An Gia), LDG (Đầu tư LDG), TDH (Thuduc House), HPX (Hải Phát), CEO. Ngay cả nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp như IDC (IDICO), KBC (Đô thị Kinh Bắc), SNZ (Sonadezi), BCM (Đầu tư và phát triển công nghiệp) cũng chung cảnh ngộ, dù lĩnh vực này được đánh giá là ít rủi ro, bởi hoạt động kinh doanh theo dạng khoán hợp đồng với các nhà sản xuất.

Tuy nhiên, sau đợt giảm liên tục và có phần mạnh hơn thị trường chung, cổ phiếu địa ốc đã có những nhịp hồi khá tốt từ cuối tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2023 nhờ một số thông tin hỗ trợ từ chính sách tạo đòn bẩy.

Vẫn cần chiến lược “dài hơi”

Nhìn chung, cổ phiếu bất động sản đã ghi nhận nhiều đợt sóng tăng giá từ đầu năm đến nay. Dù vậy, thực tế dòng tiền vào nhóm cổ phiếu này chưa bền, bởi chủ yếu đến từ tâm lý kỳ vọng sau những chính sách tích cực. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu bất động sản là những bước đi “dài hơi” chứ không phải chỉ là đầu cơ sau những tin tức.

Trong báo cáo phân tích, SSI Research đã nâng đánh giá ngành bất động sản từ kém khả quan lên trung lập, bởi nhận định thị trường đang có sự cải thiện. Các chủ đầu tư ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề trái phiếu, sở hữu quỹ đất tốt, có khả năng phát triển và bán hàng mạnh mẽ sẽ vượt qua được những “cơn gió ngược” phía trước và được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng, lãi suất cho vay cần giảm thêm để kích thích nhu cầu mua nhà, chính sách hỗ trợ cần thời gian để thực sự tác động lên thị trường, đặc biệt là tháo gỡ những nút thắt trong quá trình cấp phép dự án. Đáng lưu ý, rủi ro vỡ nợ vẫn có thể xảy ra với những chủ đầu tư không thể thương lượng được với trái chủ để giãn thời hạn thanh toán, hoặc không thể cân đối dòng tiền để trả nợ.

Theo TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DGCapital, thị trường bất động sản vẫn đang khó khăn nhưng lãi suất giảm, chính sách tài khóa mở rộng và những hỗ trợ kinh tế khác sẽ giúp bất động sản và xây dựng hồi phục. Với nhóm cổ phiếu bất động sản thì sự phục hồi thời gian qua là do nhà đầu tư kỳ vọng tương lai.

Do phản ứng nhanh hơn thị trường chung nên khi thị trường có dấu hiệu “ấm” lại thì cổ phiếu bất động sản đã thu hút được dòng tiền.

“Nhà đầu tư nên lựa chọn xu hướng đầu tư trung và dài hạn với nhóm cổ phiếu ngành bất động sản vì hiện nay vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản đã được “rã đông” hay chưa, bởi thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn về pháp lý chưa được giải quyết triệt để.

Các chính sách được ban hành vừa qua có thể tháo gỡ một phần nút thắt, tuy nhiên cần những giải pháp đồng bộ hơn về cả quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để thị trường bất động sản phục hồi”, TS Nguyễn Duy Phương đưa ra quan điểm.

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group từng chia sẻ, dù đối diện với nhiều khó khăn, nhưng nhìn xa hơn thì thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng nhờ dân số trẻ, tỷ lệ đô thị hóa cao, thu nhập người dân cải thiện… Khó khăn đang giảm bớt nhờ các động thái chính sách của Chính phủ. Theo đó, nhà đầu tư nên “kiên nhẫn” với “cổ đất”.

Nguồn: https://vnbusiness.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Cổ phiếu bất động sản đang trên đà lấy lại vị thế?trên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *