Bình Dương: Giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản xuất

345 lượt xem - Posted on

TTĐT – ​Sáng 12-10, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về thúc đẩy triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.

​Tham dự có ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Võ Đình Phong – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Bình Dương; đại diện sở, ban ngành và các ngân hàng, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh.

Nhiều vướng mắc khi triển khai

Tại hội nghị, ông Võ Đình Phong – Giám đốc Ngân hàng NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, ngày 20/5/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP (Nghị định số 31). Đồng thời ngay trong ngày, NHNN đã ban hành ngay Thông tư số 03/2022/TT-NHNN (Thông tư số 03) hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31. Đây là chính sách sử dụng ngân sách Nhà nước có quy mô lớn triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Sau hơn 04 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt được một số kết quả bước đầu tuy nhiên còn rất khiêm tốn. Do đó, NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị này nhằm thông tin, đối thoại trực tiếp giữa NHNN và khách hàng trên địa bàn, đặc biệt là khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất; nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời xử lý, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách.

Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Võ Đình Phong phát biểu tại hội nghị

Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã ban hành các quy trình, quy định nội bộ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất đến các đối tượng khách hàng, tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn các đơn vị kinh doanh tuyên truyền đến khách hàng chính sách, điều kiện hỗ trợ khách hàng theo Nghị định số 31, Thông tư số 03.

Đến thời điểm 30/9/2022, tổng dư nợ hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 trên địa bàn tỉnh Bình Dương là 455,069 tỷ đồng, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình là 473,641 tỷ đồng. Lĩnh vực cho vay tập trung chủ yếu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi… Đối tượng được hỗ trợ lãi suất chủ yếu là doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kết quả việc triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng vẫn còn hạn chế, chưa đạt theo kỳ vọng. Đại diện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều cho rằng, một trong những vướng mắc lớn gây khó khăn trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất là tiêu chí “Có khả năng phục hồi theo đánh giá của ngân hàng thương mại”. Quy định này dẫn đến việc đánh giá nội bộ giữa các ngân hàng thương mại có sự khác biệt, có khách hàng vay vốn tại nhiều ngân hàng và có thể được xác định đáp ứng tiêu chí có khả năng phục hồi tại ngân hàng này nhưng không đáp ứng tiêu chí đánh giá tại ngân hàng khác. Các ngân hàng thắc mắc, trường hợp khách hàng được đánh giá có khả năng phục hồi tại thời điểm cho vay nhưng sau đó thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng không phục hồi thì có hay không thu hồi số tiền đã hỗ trợ lãi suất? Những khách hàng mới thành lập, ngân hàng chưa đủ cơ sở đánh giá khả năng phục hồi thì cơ sở nào để ngân hàng thực hiện cho vay?

Đại diện các ngân hàng thương mại phát biểu tại hội nghị

Ông Phạm Quang Huy – Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh tỉnh Bình Dương cho rằng, việc xác định mục đích sử dụng vốn để được hỗ trợ lãi suất cũng là một điểm khó khăn khi thực hiện chính sách, nhất là trong trường hợp khách hàng kinh doanh đa ngành nghề. Các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề như sản xuất – gia công – thương mại thường khó tách bạch được chi phí dùng riêng cho mục đích nào nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong quá trình kiểm tra sau cho vay.

Cùng với đó, đây là chương trình cho vay có nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nên các ngân hàng thương mại cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả. Các ngân hàng mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia. Về phía khách hàng doanh nghiệp cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, một số hoạt động kinh doanh gặp khó khăn nhưng không đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất như xăng dầu, lúa gạo, sắt thép, vật liệu xây dựng, bất động sản…

Tháo gỡ vướng mắc để nguồn vốn đến tay doanh nghiệp

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã nêu lên những nhu cầu thực tế cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách.

Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho rằng, theo điều kiện để hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp bị suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020, 2021 và có khả năng phục hồi trong năm 2022, 2023 thuộc đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động ổn định và tăng trưởng nhẹ trong năm 2020, 2021. Riêng năm 2022 có suy giảm nghiêm trọng, bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong các ngành xuất khẩu. Vì vậy doanh nghiệp ngành gỗ khó đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng gặp khó trong công tác hậu kiểm. Doanh nghiệp đã được duyệt hỗ trợ lãi suất và hạch toán lợi nhuận sau thuế, nếu có các đoàn thanh, kiểm tra xác định doanh nghiệp không thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì đã quyết toán xong các chi phí. Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương kiến nghị NHNN có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để các ngân hàng thương mại linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng và các ngành sản xuất khác nói chung được nhận gói hỗ trợ để phục hồi sản xuất.

Đại diện doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phát biểu tại hội nghị​

Ông Phan Cao Phúc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bình Dương cho rằng cần mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản.

Trong khi đó, bà Phan Lê Diễm Trang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương kiến nghị NHNN nghiên cứu cơ chế đặc thù và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại được chủ động xem xét cho các doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì được dòng vốn đảm bảo hoạt động vượt qua thời kỳ khó khăn và không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng. Như vậy khi vượt qua khủng hoảng cả doanh nghiệp và ngân hàng đều có chỉ số hiệu quả tốt.

Các ý kiến của doanh nghiệp đã được lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương và các ngân hàng thương mại giải đáp cụ thể tại hội nghị. Một số kiến nghị vượt thẩm quyền được được NHNN chi nhánh tỉnh tiếp thu để kiến nghị Trung ương và sẽ phản hồi nhanh nhất đến doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Dành chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh. Để đẩy nhanh triển khai chương trình hỗ trợ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tính dụng rà soát và nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của khách hàng thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ; thông báo hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục theo quy định. Rà soát các quy định, hướng dẫn, không ban hành thêm các điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của NHNN để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất; không để xảy ra trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất. Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường truyền thông, thông tin, đối thoại trực tiếp để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ cách thức tiếp cận chính sách hỗ trợ, qua đó nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc để chủ động xử lý theo thẩm quyền và kịp thời phản ánh với các sở ngành, UBND tỉnh và NHNN… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo Nghị định số 31, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ 2%/năm lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Tổng quy mô nguồn vốn hỗ trợ lên tới 40.000 tỷ đồng. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông – lâm – thuỷ sản; công nghiệp chế biến – chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình vi tính và hoạt động liên quan, dịch vụ thông tin; doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thoả thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.

Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất được ký kết thoả thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo các chính sách khác…

Theo https://www.binhduong.gov.vn/tin-tuc/2022/10/427-binh-duong-giup-doanh-nghiep-tiep-can-nguon-von-phuc-hoi-san-xua

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Bình Dương: Giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục hồi sản xuấttrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *