Bình Dương dốc toàn lực để thúc đẩy tăng trưởng

132 lượt xem - Posted on
6 tháng đầu năm 2023, Bình Dương chỉ có 6/20 chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt và vượt kế hoạch. Các chỉ tiêu khác như chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nhập khẩu… giảm sâu.

Dù đã có dự báo về sự chững lại nhưng mức sụt giảm này thật sự gây ra sự lo lắng cho địa phương. Hiện nay, Bình Dương đang dốc toàn lực để “lật ngược được thế trận”.

Nhiều chỉ tiêu chưa đạt

Từ đầu năm đến nay, đơn hàng của Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng, chuyên gia công và sản xuất giày dép ở TP Dĩ An, giảm tới 60% -70%. Tình hình khó khăn nên công ty cũng giảm lao động từ 1.700 người xuống còn 1.100 người và có tuần công nhân chỉ được làm 3 ngày.

Bà Vương Ngọc Lan, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng cho biết, để giữ chân công nhân có tay nghề, công ty đang cố gắng mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng.

Theo bà Lan: “Thật tình không có một đánh giá nào có thể nói chính xác, từ đây đến cuối năm 2023 vẫn rất mờ mịt chưa thấy được tia sáng nào về đơn hàng. Chúng tôi vẫn cố gắng đi ra ngoài kiếm những đơn hàng gia công về để công nhân có việc làm. Đơn hàng gia công giá không cao nhưng vẫn chấp nhận lỗ để có việc làm cho công nhân”.

Đây cũng là thực trạng của hàng chục ngàn doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, da giày, gỗ ở Bình Dương. Mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng vẫn “lực bất tòng tâm”.

Khó khăn của doanh nghiệp đã kéo theo các chỉ tiêu kinh tế của “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương sụt giảm.

Trong 6 tháng qua, tổng sản phẩm GRDP Bình Dương chỉ tăng 3,76%, trong khi đó cùng kỳ năm 2022 đạt 6,86%. Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,65%, cùng kỳ năm 2022 là 8,35%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15 tỷ USD, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,78 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đang phối hợp Bộ Công thương và các cơ quan thanh toán thương mại tại nước ngoài thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài để mở rộng giao thương, mở rộng thị trường. Từ đó, các doanh nghiệp có thể liên kết các đơn hàng xuất khẩu mới, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, giảm hàng tồn kho. Sở cũng khuyến khích doanh nghiệp đa dạng sản phẩm để có thêm thị trường xuất khẩu.

“Doanh nghiệp cần đa dạng sản phẩm để xuất khẩu thêm. Doanh nghiệp cũng nên tăng cường liên kết ngành để hình thành chuỗi cung ứng để sản xuất khép kín, phát triển sản xuất xanh, chuyển đổi số, tăng nội địa hóa nhằm đáp ứng được quy chuẩn, tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường có thế mạnh cạnh tranh” – bà Hà nhấn mạnh.

Gỡ vướng để tăng trưởng

Để đạt các mục tiêu đặt ra trong năm 2023, lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhận định, khó khăn của doanh nghiệp là của mình nên đã thành lập Tổ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Từ các cuộc họp, những khó khăn, vướng mắc đã được đưa ra để mổ xẻ tìm giải pháp tháo gỡ.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng chiến tranh Nga- Ukraine, lạm phát thì một lí do khiến “bức tranh” sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kém sinh động là tỉnh còn chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính công. Thực tế này do cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong giải quyết công việc.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu từng cấp, từng ngành, cán bộ, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc khắc phục việc chậm trả hồ sơ của người dân và doanh nghiệp. Nếu những vướng mắc không sớm được gỡ bỏ thì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tiếp tục đình trệ, kéo theo các chỉ số tăng trưởng kinh tế của tỉnh sẽ đi xuống.

Theo ông Lợi: “Dự báo sát tình hình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả cao nhất. Tiếp tục quan tâm, đồng hành, hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp bằng từng việc làm cụ thể. Đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thủ tục hành chính, đất đai, xây dựng, lao động, tín dụng…”.

Hiện các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Các địa phương đang quán triệt cán bộ phải nâng cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong khả năng; đồng thời tăng cường đối thoại, hướng dẫn doanh nghiệp các quy định mới liên quan đến phòng cháy chữa cháy, thuế, thủ tục hải quan…

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, những khó khăn của doanh nghiệp đều được đơn vị ghi nhận. Những vấn đề giải quyết được ngay sẽ nhanh chóng thực hiện, cái nào vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp trên.

“Để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian sắp tới, Cục Hải quan Bình Dương sẽ bám sát vào cải cách hiện đại hóa mà Tổng cục đã phê duyệt cho Cục đến năm 2025. Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi số ngành Hải quan, Cục Hải quan Bình Dương đã xây dựng kế hoạch nhằm làm sao cho thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu giúp họ yên tâm đầu tư và thực hiện thông quan hàng hóa nhanh hơn” – ông Bình cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bình Dương mới giải ngân vốn đầu tư công được 21,5% kế hoạch HĐND tỉnh giao và đạt 38,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Việc giải ngân chậm cũng kéo theo sự trì trệ của các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy nhanh tiến độ giải ngân để đảm bảo tiền không “nằm trong két sắt” và thúc đẩy sự phát triển chung.

Nguồn: https://vov.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Bình Dương dốc toàn lực để thúc đẩy tăng trưởngtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *