Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội rằng tiền ảo ở Việt Nam chưa được công nhận nhưng thực tế vẫn có giao dịch, nên cần nghiên cứu có chế tài để phòng, chống rửa tiền.
Chiều 24/10, thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) băn khoăn khi dự thảo không đề cập đến tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Hiện chúng ta chưa công nhận nhưng thực tế vẫn có giao dịch và nếu không quan tâm sẽ tạo ra kẽ hở cho tội phạm rửa tiền.
“Lý do trình dự án luật là tiền ảo chưa được chấp nhận nên luật này chưa đề cập, tuy nhiên theo tôi cần nghiên cứu quy định. Người ta chuyển tiền bằng cách dùng tiền thật mua tiền ảo rồi ra nước ngoài bán tiền ảo lấy tiền thật mà Nhà nước không quản lý là không được” – ông Vận nêu quan điểm và đề nghị nên đề cập trong luật này để quản lý.
Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cũng lưu ý, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ thì thực tế còn rất nhiều loại giao dịch khác. “Tôi đề nghị bổ sung thêm một loại nữa là tiền ảo. Tiền ảo hiện nay pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận, đồng ý, nhưng thực tế có giao dịch rất nhiều. Và cũng rất nhiều người tham gia hoạt động đó là sàn tiền ảo, như vậy đây là nơi có thể trở thành điểm rửa tiền nhiều nhất” – ông Sinh nói.
Ngoài tiền ảo, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, dự luật chưa cập nhật được các vấn đề về tài sản số, tài sản ảo. “Tôi mua bức tranh 20.000 USD, ông họa sĩ không gửi bức tranh cho tôi mà gửi tài sản được số hóa, mã hóa cho tôi. Cái này cũng giống như tiền ảo và bức tranh này chỉ tôi sở hữu thôi. Đây là một loại mới bắt đầu phát triển, nó có thể giá trị rất cao, người ta có thể dùng nó để rửa tiền”, đại biểu Nghĩa nói và cho rằng, nếu chỉ đề cập tiền ảo, tiền kỹ thuật số cũng chưa bao quát hết. Từ đó, ông Nghĩa cho rằng, khi chưa cập nhật được các vấn kinh tế số, tài chính số trên thế giới thì nên nghiên cứu kỹ để đảm bảo được mục tiêu phòng, chống rửa tiền.
Trong khi đó, theo đại biểu Trình Lam Sinh, việc rửa tiền hiện nay không chỉ lưu thông qua tiền tệ, vàng bạc và các loại tiền khác trong hệ thống ngân hàng mà còn thông qua hoạt động mua bán bất động sản. Tuy nhiên, dự thảo luật mới chỉ quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng, nên ông Sinh đề nghị bổ sung trách nhiệm Bộ TN&MT và cơ quan trực thuộc để nâng cao trách nhiệm cũng như phối hợp trong phòng, chống rửa tiền chặt chẽ hơn.
Cũng nhấn mạnh tiền ảo nhưng thành giá trị thật và thực tế đang được giao dịch, đại biểu Phạm Đình Toản (đoàn Hưng Yên) cho rằng, dự thảo cần có câu “quét” về nội dung này.
Phát biểu thảo luận về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính (đoàn Cần Thơ) cũng đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu rằng, dù tiền ảo ở Việt Nam chưa được công nhận nhưng thực tế vẫn có giao dịch, vẫn được sử dụng, do đó cần nghiên cứu có chế tài.
“Cũng rất sốt ruột chỗ này. Mình chưa công nhận nhưng trên thực tế có giao dịch. Khi chưa được pháp luật công nhận thì phải có cách xử lý thế nào cho phù hợp” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu và đề nghị nên giao Chính phủ quy định để đáp ứng với thực tế hiện nay.
Theo Kinhtedothi
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Hàng thông trăm tuổi đẹp như phim ngôn tình ở cao nguyên Gia Lai
- Từ đầu tuần tới nay, 4 ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiết kiệm
- Chuyện “lạ” đang diễn ra trên thị trường bất động sản: Bất chấp trầm lắng, đất nền tại một số khu vực vẫn tăng giá
- Chủ tịch FED Jerome Powell bất ngờ đưa ra nhận định mới về chính sách lãi suất: Vàng thế giới lập tức lập kỷ lục
- Hướng dẫn 5 cách xóa mật khẩu máy tính Windows 10/8.1/7