TP HCM xứng đáng có cơ chế đột phá (*): Động lực tích cực cho cả vùng kinh tế

140 lượt xem - Posted on

Với cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tin rằng TP HCM sẽ đi trước mở đường, đảm nhận vai trò dẫn dắt các vùng phụ cận và cả nước.

Ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:

TP HCM sẽ là đầu tàu đa chức năng

TP HCM có vị trí quan trọng, là động lực, đầu tàu dẫn dắt với vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo… của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Ðồng thời, TP HCM có nguồn nhân lực chất lượng cao, là thị trường tiêu thụ lớn, cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

TP HCM xứng đáng có cơ chế đột phá (*): Động lực tích cực cho cả vùng kinh tế - Ảnh 1.

Ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ

Với cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tin rằng TP HCM sẽ là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường, đảm nhận vai trò dẫn dắt các vùng phụ cận và của cả nước. Tìm hướng đi mới, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, biến tiềm năng thành khả năng, tạo đột phá mới, phát triển kinh tế – xã hội, TP HCM sẽ trở thành đô thị văn minh, hiện đại trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trong những năm qua, TP Cần Thơ và TP HCM đã liên kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư – thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin – truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội… Để tăng cường việc liên kết hợp tác này trong thời gian tới, vừa qua UBND TP Cần Thơ đã có văn bản gửi giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban ngành và chủ tịch UBND quận, huyện về việc triển khai thực hiện nội dung “Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP HCM với TP Cần Thơ”.

Trong đó, UBND TP Cần Thơ giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải TP HCM và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất dự án đường sắt TP HCM – Cần Thơ; đề xuất, triển khai dự án giao thông thủy kết nối TP HCM- ĐBSCL. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Sở Du lịch TP HCM cùng đơn vị liên quan triển khai các nội dung tại thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển du lịch giữa 2 địa phương và toàn vùng. Ngoài ra, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ… cũng khẩn trương triển khai các nội dung tại thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường kết nối giữa 2 thành phố.

TP HCM xứng đáng có cơ chế đột phá (*): Động lực tích cực cho cả vùng kinh tế - Ảnh 2.

Sự phát triển của TP HCM sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Với vai trò là trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ rất tin tưởng nghị quyết (NQ) mới sẽ tạo động lực cao hơn nữa trong việc tăng cường hợp tác giữa TP Cần Thơ và TP HCM để tạo động lực phát triển không chỉ riêng cho 2 thành phố mà còn cho cả vùng ĐBSCL cũng như đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Ông VÕ VĂN MINH, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:

Cơ hội cho cả vùng

Với NQ về cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho TP HCM, tin chắc sẽ tạo sự linh động cho TP HCM trong việc kết nối vùng. Bởi khi trao cho TP HCM các cơ chế đặc thù, đột phá, nhất là về các dự án giao thông đầu tư công thì đây không chỉ là cơ chế riêng cho TP HCM phát triển, mà qua đó còn có tác động tích cực, thúc đẩy kết nối phát triển vùng và các địa phương lân cận, trong đó có Bình Dương.

TP HCM xứng đáng có cơ chế đột phá (*): Động lực tích cực cho cả vùng kinh tế - Ảnh 3.

Ông VÕ VĂN MINH, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Đối với các thủ tục hành chính, trước đây liên quan đến 2 địa phương thì phải làm các bước thủ tục xin cơ quan trung ương; nay với NQ mới, TP HCM sẽ hỗ trợ được cho Bình Dương. Lấy ví dụ Bình Dương đang thực hiện 2 dự án đầu tư nhưng liên quan đến đất của TP HCM, đó là dự án giao thông kết nối liền mạch nút giao Sóng Thần (TP Dĩ An) đến đường Phạm Văn Đồng (TP HCM) do Bình Dương đang thực hiện. Trong 4 góc đường, có 1/4 góc đường là đất của TP HCM, Bình Dương thực hiện phải làm các thủ tục xin trung ương. Một khi NQ mới được thông qua, TP HCM sẽ hỗ trợ phần bồi thường ở phía TP HCM, tạo thuận lợi trong đầu tư.

NQ mới có nhiều nội dung nhưng tinh thần chính là tạo cơ chế thuận lợi cho TP HCM phát triển. Nếu TP HCM thực hiện thuận lợi thì qua thực tiễn TP HCM sẽ nhân rộng cho các địa phương trong cả nước, trong đó có Bình Dương, để có thể chế thuận lợi hơn, với mục tiêu không ngừng phát triển kinh tế – xã hội.

Ông VÕ TẤN ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:

Rất cần ngay nghị quyết

Vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạt nhân là đô thị đặc biệt TP HCM, nơi đóng góp rất lớn về ngân sách. Sự phát triển của TP HCM cũng sẽ là phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước; những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội không chỉ cho TP HCM mà còn cho cả nước.

TP HCM xứng đáng có cơ chế đột phá (*): Động lực tích cực cho cả vùng kinh tế - Ảnh 4.

Ông VÕ TẤN ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Có cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh sẽ giúp TP HCM phát huy được tính năng động của mình. Hơn nữa, khi có cơ chế, chính sách vượt trội sẽ bỏ được những quy định chồng chéo gây sức ì cho sự phát triển; TP HCM cũng sẽ dễ dàng huy động được nguồn lực xã hội để phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, NQ mới sẽ đặt nền tảng để trung ương đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương sau này.

Vì những lý do đó, đã đến lúc không chỉ là vấn đề tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn sự vụ cụ thể của TP HCM mà cần có chính sách vượt trội cho thành phố để tạo động lực phát triển mới cho giai đoạn mới và tương lai. Chỉ như thế TP HCM mới phát huy được vai trò đầu tàu của mình và có sức mạnh cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.

Nỗ lực đưa nghị quyết vào thực tiễn

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, nếu được Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 khóa XV thông qua NQ về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, dự kiến ngày 10-7, kỳ họp giữa năm của HĐND TP HCM khai mạc, HĐND thành phố sẽ thông qua một số NQ để triển khai thực hiện NQ mới.

“Sau đó, HĐND thành phố sẽ tổ chức một kỳ họp chuyên đề vào tháng 9 và kỳ họp cuối năm để tiếp tục thông qua các NQ triển khai thực hiện NQ mới. Chúng tôi mong muốn qua 3 kỳ họp, tất cả các nội dung của NQ mới thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố sẽ được thông qua hết, để thành phố có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện trong thực tế.

HĐND thành phố sẽ nỗ lực hết mình để cùng TP HCM sớm đưa NQ vào thực tiễn. HĐND TP HCM sẽ thông qua các NQ để lãnh đạo việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù càng sớm càng tốt. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát, đồng hành, đôn đốc UBND thành phố, các sở, ngành sớm tham mưu, hoàn chỉnh quá trình triển khai thực hiện” – ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.Để NQ đi vào cuộc sống nhanh nhất, Chủ tịch UBND thành phố đã ký quyết định giao cụ thể các đầu việc cho ban, ngành chuẩn bị cho sự chuyển động của NQ mới. Thành ủy TP HCM cũng có kế hoạch vào ngày 7-7 sẽ chính thức triển khai NQ này cho toàn Đảng bộ TP HCM.

Mở ra cơ hội lớn

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, thời gian thực hiện NQ của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM trong vòng 5 năm như đề xuất của Chính phủ hay kéo dài hơn là điều đáng quan tâm. Trước đó, NQ 54 của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP HCM được thực hiện trong 5 năm. Với thời gian 5 năm, có nhiều mục tiêu chưa đạt được, một số cơ chế, chính sách chưa phát huy hiệu quả. “Từ kinh nghiệm sau quá trình thực hiện NQ 54, tôi cho rằng NQ mới cần thực hiện từ thời điểm được Quốc hội thông qua cho đến năm 2030, tầm nhìn dài hạn hơn”- ĐBQH Hà Sỹ Đồng nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – cho rằng cần nghiên cứu, hướng tới xây dựng luật về phát triển TP HCM. Hiện chúng ta đã có Luật Thủ đô, ông Hạ cho rằng đây là cơ sở thuận lợi để nghiên cứu. Theo ông, các thành phố trực thuộc trung ương đều đã có giai đoạn thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù. Trên cơ sở đó, có thể tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm hướng tới xây dựng luật dành cho thành phố trực thuộc trung ương, trong đó có TP HCM. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh việc các địa phương thời gian qua đã thí điểm các cơ chế, chính sách là yếu tố quan trọng, là cơ sở để nghiên cứu xây dựng luật. Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, từ thực tiễn triển khai các NQ của Quốc hội thí điểm các cơ chế, chính sách ở các địa phương, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng đã đến lúc bắt tay xây dựng Luật Đô thị đặc biệt.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, cho biết cơ bản thống nhất các chính sách thí điểm cho TP HCM. “Tôi tin rằng chính sách trong NQ có tác động lan tỏa rất lớn, vì khi kinh tế TP HCM phát triển, thu ngân sách lớn, cả nước được hưởng lợi từ chính sách này” – bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân khẳng định.

Để bảo đảm nguồn lực tài chính cho TP HCM thực hiện các chính sách, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Quốc hội bổ sung quy định “giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách nhà nước TP HCM đến năm 2025 và tiếp tục tăng phù hợp trong các năm tiếp theo” như NQ 31 của Bộ Chính trị đã đề cập. Ngoài ra, cần bổ sung chính sách thí điểm cho bộ máy của cả hệ thống chính trị trên địa bàn TP HCM chứ không chỉ là bộ máy chính quyền địa phương, cũng như mở rộng thẩm quyền cho Chủ tịch UBND TP HCM theo hướng toàn diện trong các chính sách thí điểm – nhất là trong công tác đầu tư tài chính, cán bộ, thí điểm người đứng đầu có quyền quyết định các chức danh cấp phó và bộ máy tham mưu, giúp việc cho mình để bảo đảm quản lý, điều hành đô thị kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, bổ sung cơ chế mạnh mẽ để HĐND thành phố quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy số lượng và chính sách người làm việc trong hệ thống các cơ quan nhà nước, nhất là công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Tôi tin rằng NQ sửa đổi lần này sẽ mở ra cơ hội lớn để TP HCM “cất cánh” vươn tầm khu vực và quốc tế trong tương lai gần. Sau NQ này, tôi kiến nghị Quốc hội cần sớm có NQ tương tự cho các vùng và luật cho các đô thị đặc biệt. Có như vậy mới tạo ra được không gian phát triển mới, điều phối, liên kết chặt chẽ hơn trong phát triển vùng, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước” – bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân gửi gắm.

Nguồn: https://cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem TP HCM xứng đáng có cơ chế đột phá (*): Động lực tích cực cho cả vùng kinh tếtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *