Tối ưu hóa lợi ích dòng vốn FDI

110 lượt xem - Posted on

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, không quá lo ngại việc thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) được áp dụng sẽ khiến Việt Nam mất đi sức hút đối với dòng vốn này.

Việc cần làm là xây dựng các chính sách mới thu hút và tối ưu hóa được lợi ích dòng vốn FDI.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn

Thu hút hiệu quả FDI thế hệ mới

Ông đánh giá thế nào về thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua?

– Đến nay đã có 141 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.Các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở toàn bộ 63 tỉnh, TP trong cả nước, nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Với việc tham gia 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế…. tạo động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Đặc biệt trong 7 tháng năm 2023, dù thu hút đầu tư nước ngoài được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra và cạnh tranh giữa các nước trong thu hút đầu tư ngày một gay gắt, song vẫn ghi nhận kết quả tích cực ở cả vốn đăng ký và giải ngân.

Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang lên kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Khi những dự án này được triển khai, “cỗ xe” tăng trưởng của Việt Nam sẽ được “tăng lực”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là những tiêu cực của FDI như chuyển giá, mở rộng nhưng vẫn báo lỗ, đầu tư núp bóng… Ví dụ, năm 2020 có hơn 16.000 DN FDI báo lỗ, chiếm 64% DN khai báo. Năm 2021, có tới 55% số DN FDI báo lỗ, tăng 11% so với năm 2020. Vì vậy rất cần áp dụng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của khu vực FDI. Bên cạnh đó, cam kết chuyển giao công nghệ phải là điều kiện bắt buộc với các dự án FDI mới.

Ông đánh giá sao khi Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao như công nghiệp hỗ trợ, các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Hiện nay, Việt Nam có những điểm mạnh gì trong thu hút FDI? Và cần tối ưu hóa lợi ích từ FDI thế hệ mới thế nào?

– Chiến lược tập trung hơn vào thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao là hướng đi hoàn toàn đúng đắn và đáng hoan nghênh.

Đầu tư chất lượng cao bao trùm nhiều lĩnh vực như chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, hệ sinh thái xe điện và các sản phẩm/dịch vụ hỗ trợ, logistics và kho bãi, trung tâm dữ liệu, ngành hàng tiêu dùng nhanh, thương mại điện tử, cũng như giáo dục bậc cao. Đây là những ngành có giá trị gia tăng giúp đưa tăng trưởng của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Việt Nam có một số điểm mạnh trong thu hút FDI, mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm như: tình hình an ninh, chính trị ổn định; vị trí địa lý thuận lợi lực lượng lao động dồi dào; hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào kinh tế thế giới với nhiều FTA thế hệ mới; nền kinh tế mới nổi năng động, tăng trưởng nhanh…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng may mắn sở hữu những điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp lĩnh vực năng lượng tái tạo hoạt động thành công.

Dù vậy, các thách thức nội tại khi nền kinh tế chuyển sang thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới nhưng thể chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn chỉnh, thực thi thể chế chưa nghiêm…

Muốn DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ở phân khúc công nghệ cao hơn thì cần phải chuẩn bị sẵn tất cả những vấn đề về hạ tầng như: hạ tầng xã hội, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực. Một điều rất quan trọng là phải xây dựng những DN trong nước có đủ năng lực để có thể sẵn sàng tham gia vào chuỗi giá trị của các DN FDI, khuyến khích các DN trong nước phát triển, để có thể “bắt tay bình đẳng” với các DN FDI.

Thuế tối thiểu toàn cầu: tìm cách giữ chân “đại bàng”

Trong các cuộc tham vấn ý kiến các nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh, đặc biệt là trước quy định thuế TTTC sắp được áp dụng. Thông tin đáng chú ý, tại cuộc họp chuyên đề về pháp luật do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vào ngày 26/7, Chính phủ thống nhất sẽ trình Quốc hội các dự thảo nghị quyết về áp dụng thuế TTTC và cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế?

– Theo số liệu quyết toán thuế thu nhập DN năm 2022, khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế TTTC nếu chính sách này được áp dụng từ năm 2024. Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế TTTC từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính trên 14.600 tỷ đồng.

Nếu Việt Nam không áp dụng thuế TTTC từ năm 2024 mà các nước khác áp dụng, phần thuế chênh lệch năm 2024 ước trên 14.600 tỷ đồng sẽ được nộp về quốc gia có công ty mẹ.

Do đó, việc áp dụng thuế TTTC từ năm 2024 không chỉ giúp Việt Nam tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước từ phần thu thuế bổ sung mà còn giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Dù vậy, thuế TTTC sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó
Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế. Việc áp dụng thuế TTTC 15% sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu thu hút vốn FDI, bởi chính sách ưu đãi thuế mà các “ông lớn” FDI đang được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn nữa.

Điển hình là các DN trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron… Tuy chỉ chiếm khoảng 1% số dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam, đạt khoảng 131,3 tỷ USD. Và với việc áp thuế TTTC, những “ông lớn” FDI này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế TTTC là cần thiết nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại
Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo ông cần nghiên cứu những giải pháp gì để thay thế?

– Bộ KH&ĐT đề xuất xây dựng nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư, áp dụng với những DN công nghệ cao, DN có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm, DN đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng…

Theo đó, sẽ thí điểm hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao… Các chính sách cần đủ hấp dẫn và tương xứng với kỳ vọng của nhà đầu tư.

Phải cải cách môi trường kinh doanh ở mức đổi mới, quyết tâm hơn và phạm vi cải cách rộng hơn, đặt trong bối cảnh phải tốt hơn quốc gia khác để thu hút dòng vốn FDI. Chẳng hạn, môi trường đầu tư kinh doanh phải thuận lợi hơn, an toàn hơn, chi phí kinh doanh rẻ hơn, hiệu quả hơn và hợp lý hơn, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó là phát huy các yếu tố khác như thị trường tiềm năng, nâng cao chất lượng lao động, các hạ tầng về kinh tế – xã hội. Cơ sở hạ tầng kết nối phải đồng bộ, bao gồm giao thông, viễn thông và năng lượng là yếu tố quan trọng trong việc thu hút FDI…
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn

Các khoản hỗ trợ này sẽ được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của DN hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách Nhà nước, như một số quốc gia trong khu vực đang áp dụng.

Mức hỗ trợ đầu tư cụ thể được thực hiện trên cơ sở Nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư. Chính phủ sẽ quy định chi tiết mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục áp dụng các hình thức hỗ trợ…

Tôi cho rằng đây đều là những vấn đề cần thiết. Tuy vậy, khi Việt Nam triển khai thuế tối thiểu nội địa thì có thể dành phần thuế thu thêm đó để phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ, giúp DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị của chính các tập đoàn đa quốc gia đó.

Đơn cử như Thái Lan đang dự kiến phân bổ 50 – 70% số thuế tối thiểu toàn cầu cho quỹ nâng cao năng lực cạnh tranh của Ủy ban đầu tư. Tôi nghĩ kinh nghiệm này của Thái Lan cũng rất tốt.

Hoặc một số thị trường mới nổi trong khu vực được cho là đang nghiên cứu các hỗ trợ thay thế nhằm bù đắp gánh nặng từ việc đóng thuế ở mức cao hơn của các công ty. Điển hình như một số khoản thu thuế bổ sung sẽ được chuyển vào quỹ hỗ trợ kinh doanh để trợ cấp chi phí sản xuất của các công ty đó. Các khoản trợ cấp này có thể là giá điện, chi phí xây dựng nhà máy mới, hỗ trợ nhà ở cho công nhân…

Ông dự đoán sao về dòng vốn FDI thời gian tới? Việt Nam cần phát huy các lợi thế riêng gì và cần thay đổi thế nào để thích ứng với bối cảnh hội nhập sâu với kinh tế thế giới, khi những lợi thế không còn được như trước?

– Đúng vậy, ngoài các ưu đãi thuế, theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác, yếu tố quan trọng trong quyết định rót vốn đầu tư là sự ổn định chính trị, môi trường kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động (chất lượng và tiền lương) và cơ sở hạ tầng…

Khi ưu đãi thuế mất đi thì để thu hút đầu tư FDI, Việt Nam phải cải thiện rất nhiều đến môi trường đầu tư kinh doanh. Lúc này, Việt Nam cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi phù hợp với quy định pháp luật liên quan. Đồng thời cần sớm rà soát, cập nhật và điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, sửa Luật Thuế thu nhập DN, Luật Đầu tư để luật hóa cam kết này sớm ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cũng như phù hợp với quy định trong hiệp định mà Việt Nam đã cam kết trước khi hiệp định có hiệu lực,

Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư đang phải cân nhắc khá kỹ trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Ngoài câu chuyện xu hướng sụt giảm chung của toàn cầu, thì các vấn đề như thủ tục rườm rà, cấp phép chậm… cũng đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn. Nhưng trong dài hạn, Việt Nam vẫn là một quốc gia có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư.

Theo Báo Mới

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Tối ưu hóa lợi ích dòng vốn FDItrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *