Tín dụng chưa thoát đáy, lãi suất sẽ còn giảm thêm?

105 lượt xem - Posted on

Hàng loạt giải pháp kích thích tăng trưởng tín dụng đã được ngành ngân hàng triển khai mạnh mẽ trong 7 tháng qua, song tín dụng vẫn chưa thể phục hồi như kỳ vọng. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo tín dụng có thể đạt mức 12 – 13% như năm ngoái, chứ không đến nỗi quá thấp so với kỳ vọng, vì nhu cầu vốn cuối năm thường được cải thiện.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 6 được ghi nhận là 4,73% so với cuối năm 2022. Con số tăng trưởng này cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức thấp.

Ngân hàng tìm đủ cách, tín dụng vẫn “suy kiệt”

Theo bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, nguyên Giám đốc trường Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank, nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm là do cầu của nền kinh tế yếu, trong cả sản xuất và tiêu dùng.

Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng tín dụng khoảng 12-13%.
Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng tín dụng khoảng 12-13%.

Nhiều ý kiến lo ngại, con số tăng trưởng tín dụng tiệm cận con số thấp kỷ lục được thiết lập vào năm 2012 và có thể nếu mọi thứ không phục hồi trở lại vào cuối năm nay thì kỷ lục của năm 2012 có thể sẽ bị phá vỡ.

Bà Mùi cho rằng, lãi suất cao cũng là một khía cạnh, “điều kiện tiếp cận tín dụng khó khăn cũng chỉ là một khía cạnh. Do đó phải giải quyết vấn đề cầu của nền kinh tế, bao gồm: sản xuất, tiêu dùng… Khi đó, cầu tín dụng có khả năng tăng lên”, bà Mùi đánh giá,

Về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngoài việc 4 lần thực hiện cắt giảm lãi suất điều hành nhằm hạ mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường, kích thích người dân, doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng, nhà điều hành còn thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Một số gói cho vay ưu đãi được triển khai như: gói cho vay 120.000 tỷ đồng; gói cho vay ưu đãi doanh nghiệp thủy hải sản 15.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn bình quân thị trường từ 1-2% cũng đã chính thức được triển khai. Cùng với cơ chế cơ cấu khoản nợ (hoãn, giãn) theo Thông tư 2/2023.

Tuy vậy trên thực tế, tiến độ các gói vay thực tế quá chậm so với kỳ vọng. Sau 3 tháng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà ở dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mới có khoảng 95 tỷ đồng được giải ngân và 950 tỷ đồng cam kết cho vay.

Loạt giải pháp kích cầu tín dụng

NHNN cho biết, cơ quan này đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% thay vì mục tiêu định hướng từ đầu năm 2023 khoảng 14-15%. Vì vậy, tình trạng “cạn room” như năm 2022 không còn tiếp diễn. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng và nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp.

Giới phân tích dự báo, cả năm 2023, tăng trưởng tín dụng khoảng 12-13%. TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, NHNN đã có 4 đợt giảm lãi suất điều hành, chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng, nhưng hiện đã bão hòa nên có giảm tiếp lãi suất cũng sẽ khó kích thích kinh tế tăng trưởng thêm.

“Thực tế, lãi suất cho vay hiện nay không cao, gần trở về mức trước đại dịch Covid-19, nên lãi suất có giảm nữa thì cũng vậy thôi. Tôi muốn nhắc lại là doanh nghiệp không vay được vốn do họ không đáp ứng đủ điều kiện vay”, ông Huân nói.

Đồng thời, chuyên gia này cho rằng, ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay, bởi trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng phải kiểm soát rủi ro nợ xấu. Còn phía doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì khó tiếp cận vốn.

Các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng không dám cho vay, mà phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được dòng tiền nên ngân hàng khó cấp vốn, nếu cho vay sẽ vi phạm nguyên tắc quản lý rủi ro, kéo theo nợ xấu gia tăng.

Dù vậy, ông Huân dự báo Tăng trưởng tín dụng trong năm nay khả năng sẽ thấp hơn mức 14% mà ngành ngân hàng đặt ra, nhưng có thể đạt mức 12 – 13% như năm ngoái, chứ không đến nỗi quá thấp so với kỳ vọng, vì nhu cầu vốn cuối năm thường được cải thiện.

Bà Carolyn Turk, giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cũng cho rằng: Việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá. “Nỗ lực chuyển hướng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, như các đề án gần đây về hỗ trợ nhà ở xã hội hoặc bất động sản công nghiệp, nên được cân đối và cân nhắc nhằm đảm bảo hiệu suất phân bổ tín dụng”, giám đốc WB nhấn mạnh.

Giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh hiện nay, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đề xuất: đối với chính sách tiền tệ ngoài việc cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng… cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay; đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD yếu kém nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Các TCTD xem xét linh hoạt hơn (không hạ chuẩn) điều kiện tín dụng như là một giải pháp tăng khả năng tiếp cận.

Bên cạnh đó, gia tăng nguồn lực cho các TCTD để có thể hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, Quốc Hội, Chính phủ tiếp tục cho phép các NHTM có sở hữu Nhà nước giữ lại lợi nhuận Nhà nước hàng năm để tăng vốn, tạo điều kiện các TCTD dẫn dắt, tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém, có điều kiện tăng tín dụng, triển khai các gói hỗ trợ và giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Nguồn: https://baomoi.com

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Tín dụng chưa thoát đáy, lãi suất sẽ còn giảm thêm?trên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *