Tiếp sức doanh nghiệp tìm lại đà tăng trưởng

137 lượt xem - Posted on

Trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm thị trường mới, mở rộng kênh bán hàng, thay đổi để thích ứng với yêu cầu của nhà nhập khẩu, đầu tư công nghệ và xanh hóa sản xuất…

Đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, thích ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu

“Chưa bao giờ doanh nghiệp với hàng nghìn lao động phải nhận đơn hàng chỉ 500 đến 1.000 sản phẩm”, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) than thở. Bên cạnh việc đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún thì đơn giá giảm rất mạnh, nhiều đơn vị sản xuất có giá gia công giảm tới 50%.

Ở bình diện chung của ngành dệt may, 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu các doanh nghiệp trong hệ thống giảm mạnh, 18-20% so với cùng kỳ.

“Trước kia mỗi chiếc áo sơmi có giá gia công từ 1,7-1,8 USD thì nay giảm chỉ còn một nửa. Bên cạnh đó, việc chậm, hoãn thời gian nhận hàng từ phía đối tác cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp về dòng tiền, kho bãi. Khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn, các mặt hàng không đúng truyền thống, trái sở trường nhưng doanh nghiệp vẫn chấp nhận làm nhằm duy trì sản xuất, chờ đợi tín hiệu hồi phục của thị trường,” ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Ứng phó linh hoạt với diễn biến thị trường là giải pháp mà các doanh nghiệp dệt may đang đẩy mạnh.
Năm nay, Tổng Công ty Việt Thắng đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế thấp hơn từ 20-30% so với năm trước.

Ðể hoàn thành mục tiêu đề ra, đơn vị tiếp tục duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới, nhà cung ứng mới, duy trì và phát triển khách hàng cũ.

Tương tự, ông Dương Khuê, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Phong Phú cho biết đơn vị đẩy mạnh phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; tiếp tục củng cố các kênh bán hàng truyền thống, phát triển mới các kênh bán hàng kỹ thuật số; xây dựng lộ trình hợp lý hóa sản xuất theo hướng tinh gọn, phù hợp xu thế, đáp ứng yêu cầu nhanh và giảm chi phí sản xuất…

Trong lĩnh vực logistics, ông Lương Duy Hoàng, Chủ tịch Công ty CP Logistics Sao Đỏ thuộc Tập đoàn Sao Đỏ cho biết, 6 tháng đầu năm, sản lượng của doanh nghiệp sụt giảm 60-70%, nguồn hàng khan hiếm.

Do đó, công ty đang tìm ra nhiều giải pháp để vượt khó khăn. Theo đó, công ty hạn chế tối đa nguồn vay ngắn hạn, co kéo tiết giảm chi phí vận hành. Cùng với đó, tìm công việc mới, thị trường ngách. Trước đây, kho bãi của công ty chỉ chuyên làm hàng lạnh, nhận hàng tạm nhập tái xuất nhưng hiện để phát huy thêm hiệu quả, doanh nghiệp chuyển một phần sang thành kho nội địa để có cơ hội tìm thêm khách hàng tại thị trường nội địa, mở rộng thêm lĩnh vực cơ khí. Đồng thời, cho một số đơn vị khác để thuê kho bãi, để tận dụng những gì mình đang có.

“Xanh hóa”, “số hóa” quy trình sản xuất

Cùng với nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, thị trường mới, nhiều doanh nghiệp tìm ra lối thoát thông qua việc “số hóa” và “xanh hóa” quy trình sản xuất. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, May 10 cũng đã chuyển dịch sản xuất xanh khoảng 5 năm trở lại đây bằng việc đầu tư các thiết bị, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, đầu tư điện mặt trời mái nhà. “Chúng tôi ký thỏa thuận với các nhà cung ứng nguyên liệu trong nước cũng như quốc tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các sản phẩm tái chế, cũng như sợi hữu cơ để có thể đáp ứng yêu cầu về xu thế sử dụng sản phẩm xanh, nhà máy xanh, năng lượng xanh”, ông Việt thông tin.

Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, không chỉ số hóa, áp dụng công nghệ, ngành dệt may còn đòi hỏi phải phát triển xanh hóa. Hiện nay nhiều thị trường lớn như EU yêu cầu sản phẩm dệt may phải có tuổi thọ lâu dài, có thể tái chế, tái sử dụng được sản phẩm để giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm gây hiệu ứng nhà kính, giảm sử dụng nước và hóa chất độc hại. Đây là bài toán lớn đối với ngành dệt may.

Chủ tịch Vitas cho rằng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược dệt may 2030-2035 – đây là xương sống cho phát triển ngành. Bước tiếp theo là ngành dệt may và các doanh nghiệp phải có phải có chiến lược hoạch định cụ thể và giải pháp phát triển.

Ông Vũ Hồ Ninh, Giám đốc chi nhánh Bee Logistic Hải Phòng cho biết, dù chỉ tiêu tài chính của công ty trong 6 tháng năm 2023 bị sụt giảm, đại đa số doanh nghiệp giao nhận, logistic, kể cả vận tải quốc tế bị giảm doanh thu tầm 30 – 40%, thậm chí nhiều hơn.

Tuy nhiên do có sự dự đoán trước và chuẩn bị cho việc suy giảm doanh số, các doanh nghiệp đã tích cực cải thiện hệ thống nội bộ, tập trung rõ nét hơn vào các sản phẩm nòng cốt. Năm nay, doanh nghiệp chọn lọc lại sản phẩm để phát huy xây dựng cho sản phẩm tốt hơn, xác định lợi thế của mình, đầu tư kỹ về mặt con người.

Ông Vũ Hồ Ninh cho biết, từ nay cuối năm, doanh nghiệp sẽ ưu tiên hơn cải tiến công nghệ để tiết giảm chi phí. Đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong ngành để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Tin tức

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Tiếp sức doanh nghiệp tìm lại đà tăng trưởngtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *