Tiền mặt giảm kỷ lục trong 4 năm, dòng tiền âm 591 tỷ, Vocarimex (VOC) lấy đâu 1.000 tỷ cổ tức trả cho KIDO?

125 lượt xem - Posted on

Vocarimex (VOC) kinh doanh thua lỗ, dòng tiền âm hàng trăm tỷ đồng vẫn quyết chi hơn 1.000 tỷ trả cổ tức cho Tập đoàn KIDO (Ảnh TL)

Trong giai đoạn khó khăn kinh doanh thua lỗ, dòng tiền kinh doanh âm 591 tỷ, Vocarimex (VOC) vẫn quyết trả cổ tức đặc biệt tỷ lệ 100%. Người hưởng lợi nhiều nhất chính là Tập đoàn KIDO khi nắm 87,3% vốn điều lệ tại đây.

Lần đầu tiên Vocarimex (VOC) kinh doanh thua lỗ trong 12 năm trở lại đây

Dựa trên kết quả báo cáo tài chính năm 2022, Vocarimex (VOC) hay còn gọi là Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.613,1 tỷ đồng. Doanh thu này tuy vẫn chưa hồi phục về ngưỡng bằng năm 2020 nhưng đã tăng 7,8% so với năm 2021.

Tuy vậy nhưng do giá vốn tăng cao, lợi nhuận gộp của Vocarimex đã ghi nhận âm 134,5 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong hoạt động kinh doanh, Vocarimex cũng đã ghi nhận lỗ 64,6 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc công ty đang rơi vào tình trạng càng kinh doanh càng thua lỗ sâu.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập của công ty cũng ở mức âm 45,6 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, có thể thấy rằng năm 2022 là năm đầu tiên mà Vocarimex phải ghi nhận lỗ kể từ năm 2010 trở lại đây. Vốn chủ sở hữu của công ty cũng đồng thời giảm chỉ còn 1.331,7 tỷ đồng, sụt giảm tới 12,9% so với năm 2021.

Đây cũng đồng thời là mốc thời điểm mà vốn chủ sở hữu của Vocarimex giảm mạnh nhất kể từ năm 2015 trở lại đây, đủ để thấy lượng tài sản trong vốn chủ của đơn vị này đã bị ảnh hưởng như thế nào sau kết quả kinh doanh bết bát năm 2022.

Dòng tiền kinh doanh âm 591 tỷ, nợ ngắn hạn tăng 3,4 lần chỉ trong 1 năm

Tình hình kinh doanh năm 2022 của Vocarimex còn được thể hiện rõ hơn trong bảng cân đối kế toán của đơn vị này. Theo đó thì tổng tài sản của Vocarimex trong năm 2022 ghi nhận ở mức 1.992,1 tỷ đồng, tăng 11,3% so với thời điểm đầu năm.

Đáng chú ý trong đó là dù tài sản tăng lên nhưng vốn chủ sở hữu lại giảm từ 1.529,2 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.331,7 tỷ đồng. Phần tài sản tăng thêm chiếm một phần rất lớn là do vay nợ mà có. Chỉ tiêu tài chính về nợ vay ngắn hạn của Vocarimex trong năm 2022 đã tăng một cách nhanh chóng từ 149,9 tỷ đồng đầu năm 2022 lên mức 513,1 tỷ đồng vào cuối năm.

Như vậy, có thể thấy rằng chỉ trong 1 năm, nợ vay ngắn hạn của đơn vị này cũng đã tăng tới 3,4 lần. Nợ vay dài hạn không biến động nhiều, vẫn chỉ ở mức 7 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý nữa đó là ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vocarimex cũng cho thấy tình trạng không tốt trong sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 591,5 tỷ đồng.

Chỉ tiêu về tiền và các khoản tương đương tiền trong năm 2022 cũng chỉ còn 66,5 tỷ đồng, giảm tới 278,8 tỷ đồng trong năm 2022. Đây cũng là năm mà Vocarimex có mức dự trữ tiền mặt thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Dòng tiền âm, kinh doanh thua lỗ, 1.000 tỷ đồng trả cổ tức cho KIDO lấy từ đâu?

Trong đại hội cổ đông bất thường của Vocarimex diễn ra vào ngày 5/1/2022, Vocarimex đã thông báo về phương án thoái vốn tại Công ty TNHH Calofic. Theo đó thì công ty sẽ thoái 24% cổ phần Calòic cho đối tác Siteki Investment với giá trị chuyển nhượng là gần 2.158 tỷ đồng.

Sau khi thoái vốn khỏi Calofic, Vocarimex đã dự định lên phương án trả cổ tức đặc biệt cho cổ đông với tỷ lệ lên tới 100%. Theo kết quả kinh doanh phía trên, có thể thấy rằng Vocarimex đã có một năm kinh doanh vô cùng bết bát nên nguồn tiền trả cổ tức đặc biệt này sẽ chủ yếu đến từ việc bán cổ phần tại Calofic.

Với phương án chi trả cổ tức trên, dự kiến Vocarimex phải chi 1.218 tỷ đồng trả cổ tức đặc biệt cho các cổ đông. Đáng chú ý trong đó, Tập đoàn KIDO đang sở hữu 87,3% cổ phần của Vocarimex, tương ứng với số cổ tức nhận sẽ là khoảng 1.063,3 tỷ đồng.

Một điều khá tình cờ đó là Tập đoàn KIDO (KDC) cũng từng lên phương án chi trả cổ tức đặc biệt tỷ lệ 50% cho cổ đông của mình. Với 257 triệu cổ phiếu đang phát hành, dự kiến KIDO sẽ phải chi 1.300 tỷ đồng chi trả cổ tức đặc biệt. Từ đây, có thể thấy rằng nếu 2 phương án chia cổ tức diễn ra thành công, hơn 1.000 tỷ đồng cổ tức sẽ chảy một cách gián tiếp từ Vocarimex về túi các cổ đông của Tập đoàn KIDO.

Cần phải lưu ý đó là nguồn tiền chủ yếu đến từ hoạt động thoái vốn khỏi Calofic bởi trong năm 2022, Vocarimex kinh doanh thua lỗ, dòng tiền kinh doanh cũng âm tới 591 tỷ đồng, cho thấy rằng đơn vị này đang gặp vấn đề khá lớn để duy trì dòng tiền trong kinh doanh.

Có thể thấy rằng việc chi trả cổ tức đặc biệt với tỷ lệ lớn tới 100% trong bối cảnh Vocarimex đang kinh doanh dưới giá vốn, càng bán hàng càng lỗ là một điều hết sức rủi ro. Bởi công ty sẽ bị mất đi một nguồn tiền mặt vô cùng lớn trong khi ngay trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng có thể thấy dòng tiền kinh doanh đang âm tới 591 tỷ đồng. Người cảm thấy vui nhất trong phương án chi trả cổ tức này có lẽ chỉ là các cổ đông của Tập đoàn KIDO.

Vào đầu tháng 3 vừa qua, đồng thời cả 2 phương án chia cổ tức đặc biệt này đã bị hoãn lại. Theo phía Vocarimex thông báo thì lý do là bởi công ty chưa hoàn thiện được các thủ tục liên quan. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông báo tạm hoãn và vẫn chưa có thời gian cụ thể triển khai phương án chia cổ tức tỷ lệ tới 100% này.

Nguồn: https://www.congluan.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Tiền mặt giảm kỷ lục trong 4 năm, dòng tiền âm 591 tỷ, Vocarimex (VOC) lấy đâu 1.000 tỷ cổ tức trả cho KIDO?trên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *