Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 7/6 không đổi so cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 1,9 USD lên 1.963,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm về gần 1.955 USD trước khi bật trở lại lên gần 1.965 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,05 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 7/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.713 đồng/USD, giảm 7 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.230 – 23.660 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua hồi phục lên 26.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng và vượt 27.200 USD, nhưng đã bất ngờ giảm nhanh về cuối ngày tại 26.400 USD/BTC.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,39 USD (+0,54%), lên 72,13 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,40 USD (+0,52%), lên 76,69 USD/thùng.
VN-Index nhích nhẹ
Trong phiên hôm nay, với lực đỡ từ nhóm bất động sản và thép, VN-Index đã bật trở lại, duy trì phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, nhưng do lực cản từ các mã lớn ngân hàng, nên đà tăng rất hạn chế.
Trong phiên hôm nay, nhóm bất động sản nổi sóng, không chỉ các mã nhỏ EVG, QCG, TDH, mà cả các mã vốn bị xả mạnh giai đoạn trước là NVL, PDR và HPX cũng đồng loạt khoác áo tím hôm nay với lượng dư mua trần còn khá lớn, trên dưới 2 triệu đơn vị.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5,83 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 232,3 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 7/6: VN-Index tăng nhẹ 1,23 điểm (+0,11%), lên 1.109,54 điểm; HNX-Index tăng 1,61 điểm (+0,71%), lên 230,33 điểm; UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,15%), lên 84,56 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tăng điểm nhẹ trong phiên thứ Ba (6/6), nhờ một số cổ phiếu nhạy cảm về kinh tế nhích lên, khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát và cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới.
Dữ liệu lạm phát sắp được công bố dự báo sẽ cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5 giảm tốc nhẹ so với tháng 4, nhưng lạm phát lõi vẫn dai dẳng ở mức cao. Về cuộc họp của Fed, thị trường kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào giữa tháng 6 này.
Kết thúc phiên 6/6, chỉ số Dow Jones tăng 10,42 điểm (+0,03%), lên 33.573,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,06 điểm (+0,24%), lên 4.283,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 46,99 điểm (+0,36%), lên 13.276,42 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng về đợt tăng gần đây đã trở nên quá nóng.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,82% xuống 31.913,74 điểm. Chỉ số Topix mất 1,34% xuống 2.206,30 điểm.
“Các nhà đầu tư trở nên thận trọng sau đà tăng của Nikkei 225 vào thứ Ba, khiến họ phải bán cổ phiếu. Điều đó đã thúc đẩy nhiều đợt bán tháo hơn và khiến chỉ số giảm điểm”, Shoichi Arisawa, tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư tại IwaiCosmo Securities, cho biết.
Phiên này, các cổ phiếu liên quan đến chip dẫn đầu đà giảm trên Nikkei 225, với Tokyo Electron và Advantest giảm lần lượt 4,18% và 3,79%. Nhà sản xuất chip Renesas Electronics Corp mất 3,92%.
Các cổ phiếu lớn khác như Nhà sản xuất điều hòa không khí Daikin Industries mất 4,4% và Fast Retailing giảm 2,13%.
Chỉ số bluechip của chứng khoán Trung Quốc giảm, khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi dữ liệu xuất khẩu tháng 5 tồi tệ hơn dự kiến.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,08% lên 3.197,76 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,49% xuống 3.789,34 điểm.
Dữ liệu mới được công bố cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 đạt 283,5 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu cũng giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 217,69 tỷ USD.
“Nhìn về phía trước, xuất khẩu có thể sẽ giảm hơn nữa, suy thoái sản xuất toàn cầu ngày càng sâu sắc và các biện pháp trừng phạt thương mại gia tăng từ phương Tây”, các nhà phân tích của Nomura cho biết trong một lưu ý.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi tâm lý giới đầu tư tích cực kế hoạch thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong những tuần tới.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,80% lên 19.252,00 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,95% lên 6.541,16 điểm.
Chuyến thăm được Washington dự định là một bước tiến quan trọng hướng tới điều mà Tổng thống Joe Biden gọi là “tan băng” trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Đây là một dấu hiệu tích cực. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ được xoa dịu”, Dickie Wong, Giám đốc điều hành nghiên cứu tại Kingston Securities, cho biết.
Chứng khoán Hàn Quốc gần như không đổi, khi các chỉ số kinh tế yếu kém của Trung Quốc khiến tâm lý giới đầu tư thận trọng.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI kết thúc tăng 0,19 điểm, tương đương 0,01%, lên 2.615,60 điểm, sau khi tăng 0,55% trong phiên.
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm nhanh hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 5, trong khi nhập khẩu kéo dài đà giảm do triển vọng ảm đạm đối với nhu cầu toàn cầu, làm dấy lên nghi ngờ về sự phục hồi kinh tế mong manh của nền kinh tế.
“Dữ liệu xuất khẩu yếu kém của Trung Quốc đã làm suy yếu hy vọng phục hồi kinh tế của nước này trong quý II và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Hàn Quốc”, nhà phân tích Park Kwang-nam tại Mirae Asset Securities cho biết.
Kết thúc phiên 7/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 593,04 điểm (-1,82%), xuống 31.913,74 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,42 điểm (+0,08%), lên 3.197,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 152,72 điểm (+0,80%), lên 19.252,00 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 0,19 điểm (+0,00%), lên 2.615,60 điểm.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Thị trường chứng khoán xuất hiện nhiều thông tin không mong đợi, nhà đầu tư cần đặt quản trị rủi ro lên hàng đầu
- Tụt mood là gì? Tại sao trào lưu tụt mood lại hấp dẫn giới trẻ đến như vậy?
- Ngày 24/3: Có 120.000 ca mắc COVID-19 mới tại 62 tỉnh, thành
- Biển Đông sắp đón bão số 7, cơn bão Nalgae
- 4 thói quen trước khi ăn sáng giúp giảm cân hiệu quả hơn