Thị trường bất động sản năm 2022 chia làm 2 giai đoạn nóng và lạnh. Đầu năm, thị trường diễn biến khác tích cực, thể hiện ở sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh ở nhiều phân khúc bất động sản, lực cầu khi đó cũng lên đỉnh điểm.
Tuy nhiên, những gam màu tươi sáng không duy trì được lâu, từ giữa năm, thị trường bắt đầu đảo chiều rơi vào trầm lắng với nhiều khó khăn đè nén. Hàng loạt các động thái thắt chặt về tín dụng ngân hàng, kiểm soát chặt hoạt động trái phiếu doanh nghiệp, cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào lao lý khiến tâm lý chung của thị trường có sự biến động.
Dù 2022 là một năm khó khăn của thị trường bất động sản, song ông Nguyễn Văn Đính vẫn chỉ ra những điểm sáng của nền kinh tế vĩ mô và coi đây sẽ là nền tảng, đà bật của thị trường bất động sản trong năm 2023.
Về tăng trưởng GDP, Việt Nam trong năm 2022 đạt mốc 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Trong thu hút FDI, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn trụ hạng ở vị trí thứ 2 trong các ngành thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%. Dòng vốn chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.
Thị trường M&A bất động sản ghi nhận tín hiệu tích cực khi tiếp tục tăng nhiệt với dòng vốn ngoại. Nguồn vốn của thị trường tiếp tục được bổ sung với tổng lượng kiều hối đổ về Việt Nam được dự báo vẫn tăng so với năm 2021, đạt 19 tỷ USD.
Về hành lang pháp luật, ông Đính cho biết, các vướng mắc pháp luật đang trong quá trình tháo gỡ và hoàn thiện. Cụ thể, Chính Phủ và Quốc hội đã có nhiều giải pháp rất tổng thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; dự thảo sửa đổi NĐ 65/2022/NĐ-CP của chính phủ, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 21/12/202 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng mở hơn, lộ trình phù hợp hơn; Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở… Loạt động thái này đã và đang vực dậy niềm tin cho các nhà đầu tư và người mua ở thực.
Ông Đính cho rằng, nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Tỷ lệ dân số đô thị hiện khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030, đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển dự án phù hợp với nhu cầu ở thực.
Về tài chính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, làm cơ sở để các doanh nghiệp tiếp tục phát hành trái phiếu.
Về đầu tư công, tính đến cuối năm 2022, có 12 Bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 80%, thậm chí có nơi đã giải ngân đạt đến 100%. Thông qua gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng, động lực phát triển nhà ở xã hội. Chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó nhóm dự án hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn sẽ tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị… kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng. dịch vụ, văn phòng,… đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp trong xu thế chuyển dịch các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia của thế giới. “Tất cả những yếu tố chuyển biến này sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam có sự khởi sắc trong năm 2023”, ông Đính nhấn mạnh.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông kết nối vùng
- Ngân hàng tuần qua: Lãi suất huy động và liên ngân hàng giảm mạnh, NHNN tăng cường độ hút tiền
- Giá vàng thế giới chưa có dấu hiệu ngừng tăng
- Tử vi tuổi Mùi 2024: Đi ngược thời cuộc, tiền bạc NHẢY VỌT, sự nghiệp THĂNG HOA bất chấp khó khăn chung
- Thống nhất trình Quốc hội chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank