Từ tháng 2, các đơn vị quản lý cáp quang biển đã đưa ra lịch sửa chữa, dự kiến hoàn thành một phần vào tháng 3. Tuy nhiên đến giữa tháng 4, cả 5 tuyến vẫn đang tiếp tục lỗi.

Theo đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, quá trình khắc phục tuyến cáp quốc tế gặp nhiều thách thức, trong đó có việc xin phép các nước để tiếp cận vị trí cáp. Ngoài ra, không loại trừ khả năng khắc phục xong vấn đề cũ lại phát hiện lỗi mới, nên thời gian hoàn thành bị chậm.

Ảnh minh họa:VTV 
Ảnh minh họa:VTV

Việt Nam có 5 tuyến cáp quang biển đang hoạt động và đây là lần đầu cả 5 tuyến cùng gặp sự cố. Trong đó, tuyến AAE-1 bị lỗi từ ngày 24-11-2022 làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Hong Kong. Hai tuyến APG và AAG gặp sự cố vào tháng 12-2022 và tháng 1-2023, tuyến IA gặp lỗi cuối tháng 1-2023, trong khi tuyến SMW-3 là tháng 2-2023.

Các tuyến này đều thuộc sở hữu và quản lý của các liên minh, gồm nhiều doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia khác nhau. Vì vậy, các nhà mạng Việt không thể chủ động trong việc khắc phục.

Ngày 9-2, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng mở thêm dung lượng cáp quang trên đất liền, chia sẻ, ứng cứu lưu lượng dịch vụ viễn thông và Internet đi quốc tế cho nhau. Tình trạng Internet chập chờn dần được khắc phục, nhưng theo đánh giá của nhiều người dùng, chất lượng Internet chưa thể trở lại như giai đoạn bình thường.

Tại hội nghị giao ban hôm 7-4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc đến tình trạng của 5 tuyến cáp, nhấn mạnh hạ tầng nền kinh tế số không thể tiếp tục kém ổn định và thiếu bền vững như vừa qua bộc lộ. Theo ông, quản lý nhà nước tại Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng và sự bền vững của hạ tầng số quốc gia.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu Việt Nam sẽ có 10 tuyến cáp quang biển trong 2 năm tới, trong đó có 3 tuyến do doanh nghiệp trong nước làm chủ để tránh tình trạng phụ thuộc vào các liên minh.

Nguồn: https://www.qdnd.vn