Tại gian Quan âm chùa Quán Sứ (Hà Nội) trưng bày pho tượng hoà thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người từng trụ trì ở chùa Quán Sứ. Pho tượng có kích cỡ như người thật. Dịp đầu xuân, năm mới, khi tới vãn cảnh chùa, mong cầu bình an, nhiều phật tử, khách du lịch không khỏi ngạc nhiên khi pho tượng được tạo hình chân thực, giống y chang người thật từ làn da, mái tóc, sợi gân tay, lông mày, biểu cảm…

Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, hiện là Phó Chánh Đương gia chùa Quán Sứ, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự kiêm Chánh Văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam – một trong những đệ tử xuất sắc của hoà thượng Thích Thanh Tứ cho biết, tượng được đưa về chùa vào dịp lễ Tiểu tường – một năm ngày hoà thượng viên tịch (Hòa thượng Thích Thanh Tứ viên tịch ngày 26/11/2011). Pho tượng được hình thành xuất phát từ lòng yêu quý của những đệ tử của cố hòa thượng Thích Thanh Tứ cùng tăng, ni, phật tử Thái Lan, Việt Nam.

Chính Thượng toạ Thích Thanh Tuấn đã trực tiếp sang Thái Lan 8 lần để tham gia quá trình hoàn thiện bức tượng. Theo Thượng toạ Thích Thanh Tuấn, pho tượng được phục dựng theo tỉ lệ 1:1, làm theo nguyên mẫu của hòa thượng Thích Thanh Tứ lúc sắp viên tịch. Do đó, các nghệ nhân phải trải qua nhiều bước: đắp cốt đất, phủ lớp nhựa composite bóng, đắp bằng sáp hóa học và bỏ cốt đất đi.

Những người thợ làm tượng phóng to ảnh của Hoà Thích Thanh Tứ để quan sát tỉ mỉ từng chi tiết. Một điểm độc đáo của pho tượng này là tóc thật của Hoà thượng Thích Thanh Tứ khi còn sống đã được sử dụng để gắn lên tượng sáp.

“Khi Hoà thượng Thích Thanh Tứ còn sống, chính tay tôi đã cắt tóc của Hoà thượng Thích Thanh Tứ để cất đi làm kỷ niệm. Trong quá trình làm tượng, những người thợ ở Thái Lan đã phải lấy kim để cắm từng sợi tóc thật lên bức tượng”, Thượng toạ Thích Thanh Tuấn kể.

Dù quan sát ở góc nào, tượng cũng rất giống người thật

Trong suốt quá trình làm tượng, Thượng tọa Thích Thanh Tuấn đã phải lưu trú ở Thái Lan nhiều ngày để hướng dẫn những người thợ làm đúng vị trí của từng nếp nhăn, vết đồi mồi, gân chân, gân tay… Từ khi lên ý tưởng đến lúc hoàn thành pho tượng là một năm.

Ngày đưa bức tượng từ Thái Lan về Việt Nam, do không thể vận chuyển bằng đường hàng không nên đoàn rước tượng phải di chuyển bằng ô tô qua Lào và chuyển về theo cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Thầy Thích Thanh Tuấn kể lại, khi qua cửa khẩu ở Lào, nhân viên hải quan nhìn thấy một vị hòa thượng ngồi tụng kinh trên xe nên bắt đoàn dừng lại. Họ yêu cầu lí giải, tại sao đoàn có 5 người mà chỉ có 4 hộ chiếu, yêu cầu xuất trình hộ chiếu để kiểm tra an ninh.

Sau khi thành viên trong đoàn giải thích, nhân viên hải quan sửng sốt khi biết vị hòa thượng ngồi trên xe chỉ là một bức tượng sáp.

Bàn tay trái đang lần tràng hạt của hòa thượng được khắc họa với những nét gân xanh như thật. Ngón chân, ngón tay đều có đường nét rất chân thật

Hòa thượng Thích Thanh Tứ, thế danh là Trần Văn Long, sinh năm 1927 tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, xuất gia tu hành từ năm 12 tuổi. Thấm nhuần tư tưởng “Phật pháp bất ly thế gian giác”, với truyền thống yêu nước “hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Tứ đã sớm giác ngộ, tích cực tham gia hoạt cách mạng.

Cố Đại Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ là người có nhiều đóng góp trong việc thống nhất các hệ phái, đi đến thống nhất các tổ chức Phật giáo trong cả nước vào ngày 7/11/1981. Ngài từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo hội và là đại biểu Quốc hội khóa XI và XII. Ghi nhận sự đóng góp của Hòa thượng, Nhà nước đã trao tặng Hòa thượng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh.

Chùa Quán Sứ là trụ sở của Trung ương hội Phật giáo Việt Nam, là ngôi chùa linh thiêng, cổ kính tại Hà Nội. Được xây dựng từ thế kỷ 15, chùa Quán Sứ được nhiều người tìm đến cầu bình an, may mắn vào các dịp lễ, Tết như lễ Vu Lan (Rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm), Tết Nguyên đán…

Nguồn: https://vietnamnet.vn