Chiều 16/5, hãng trang sức lớn nhất thế giới Pandora đã khởi công nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP III (Bình Dương) với số vốn đầu tư 150 triệu USD, tức khoảng 3.800 tỷ đồng.
Tại lễ khởi công, ông Alexander Lacik, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Pandora (trụ sở tại Đan Mạch) cho biết nhà máy dự kiến vận hành từ quý I/2026, với công suất lên đến 60 triệu món đồ trang sức mỗi năm, so với tổng mức 130 triệu sản phẩm tại nhà máy ở Thái Lan hiện nay.
Hầu hết sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sẽ được xuất khẩu, bởi thị trường tiêu thụ ở Việt Nam chưa quá lớn. Trước đó, trong năm 2023, tập đoàn trang sức Đan Mạch đã bán ra 107 triệu món trang sức được sản xuất từ 3 nhà máy ở Bangkok và Lamphun, Thái Lan.
Cơ sở mới tại Bình Dương là nhà máy sản xuất thứ 4 và là nhà máy đầu tiên bên ngoài Thái Lan của Pandora, có diện tích khoảng 7,5 ha. Nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 7.000 thợ thủ công, và ông Alexander Lacik tiết lộ doanh nghiệp sẽ bắt đầu tuyển dụng từ nửa đầu năm 2025.
Trả lời Tri thức – Znews về quyết định lựa chọn Việt Nam và cụ thể là Bình Dương để đặt nhà máy, ông Alexander Lacik cho biết đã dành 2 năm ngay sau đại dịch Covid-19 để khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại 27 quốc gia khắp thế giới. Trong đó, Pandora cân nhắc 13 tiêu chí khác nhau và cuối cùng Việt Nam vươn lên dẫn đầu.
“Điều quan trọng đối với chúng tôi trước hết là khả năng tiếp cận nguồn lao động và nền văn hóa thợ bạc ở Việt Nam. Thứ hai là sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan Chính phủ cũng như sự tập trung vào phát triển bền vững. Tiêu chí thứ ba là khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng tốt. Việt Nam nói riêng đang đầu tư rất nhiều vào đường xá và tiếp cận vận tải đường biển, đường hàng không”, Chủ tịch Pandora nói rõ.
Chia sẻ thêm, ông Jeerasage Puranasamriddhi, Giám đốc Cung ứng cấp cao tại Pandora, cho biết khi đến Việt Nam, tập đoàn cũng đã nghiên cứu toàn bộ 63 tỉnh thành với 224 khu công nghiệp. Tuy nhiên, hơn 200 khu công nghiệp đã được lấp đầy 100%, vì vậy hãng chỉ có 20 sự lựa chọn và sau cùng đã quyết định xây dựng nhà máy tại Bình Dương.
Ngay bên cạnh nhà máy của Pandora, một nhà đầu tư Đan Mạch khác là Tập đoàn Lego cũng đang xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này trên thế giới, với tổng vốn đầu tư lên đến 1,3 tỷ USD.
Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, sự có mặt của cả Lego và Pandora tại Khu công nghiệp VSIP III là một trong những minh chứng về hướng đi đúng đắn của tỉnh trong việc chuyển đổi mô hình kinh tế, nhờ đó được các nhà đầu tư quốc tế lựa chọn làm điểm đến.
Ông Jacob Jensen, Bộ trưởng Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch, cũng nhấn mạnh Việt Nam đã trở thành thị trường ngày càng quan trọng đối với các nhà đầu tư Đan Mạch nhờ vào môi trường kinh doanh thuận lợi và cam kết về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy Đan Mạch hiện xếp thứ 8 trong 25 quốc gia châu Âu đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước này đã đầu tư tại 13 tỉnh, thành của Việt Nam. Trong đó Bình Dương xếp thứ hai sau Thừa Thiên Huế, với tổng vốn đầu tư hơn 77 triệu USD, thông qua 13 dự án.
Về tình hình kinh doanh của Pandora, hãng trang sức lớn nhất toàn cầu ghi nhận doanh thu 28,1 tỷ DKK (khoảng 4 tỷ USD) trong năm 2023. Đến quý đầu năm nay, tập đoàn tiếp tục thu về gần 978 triệu USD.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Bắt đầu xét xử 100 bị cáo vụ khủng bố ở Đắk Lắk
- Định giá bất động sản: Quan tâm đến dữ liệu đầu vào, thay vì loại bỏ phương pháp
- Top 10 bộ phim về thần thoại Hy Lạp hay nhất hiện nay
- Chính phủ ban hành quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
- Biến thể mới XBB.1.5 lây lan nhanh, chuyên gia khuyến cáo gì?