Nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chậm lại, khiến các nhà đầu tư kỳ vọng rằng nỗi áp lực về lạm phát đang giảm xuống.
Tạp chí Financial Times đưa tin, trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu đang chậm lại, các nhà kinh tế, thị trường tài chính và hầu hết các ngân hàng trung ương đều tin rằng sẽ không cần tăng lãi suất nữa.
Tuần này, các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, Anh, Nhật Bản và Thụy Sĩ đều quyết định giữ nguyên lãi suất. Các ngân hàng trung ương cho rằng họ cần giữ bình tĩnh để quan sát thêm tình hình, thay vì thắt chặt chính sách hơn nữa, trong khi lạm phát tiếp tục giảm ở hầu hết các quốc gia phương Tây.
Nhà kinh tế trưởng Jennifer McKeown tại công ty nghiên cứu kinh doanh Capital Economics nhận định: “Chúng ta đã đạt được cột mốc quan trọng trong chu kỳ chính sách tiền tệ toàn cầu. Chu kỳ thắt chặt tiền tệ toàn cầu đã kết thúc”.
Công ty tư vấn trên cho biết, lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020, nhiều ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới dự kiến cắt giảm lãi suất trong quý tới thay vì tiếp tục nâng lên.
Thị trường tài chính đã nhận được thông điệp rằng: các ngân hàng trung ương lớn sẽ dừng tăng lãi suất và các ngân hàng ở nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ giảm lãi suất.
Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Citi của Mỹ, tin tưởng nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần đến “điểm chuyển tiếp” với mức tăng trưởng và lạm phát thấp hơn.
Ông Sheets cho biết: “Chúng ta đang thấy bằng chứng về một giai đoạn mới được đặc trưng bởi giảm phát dần dần và tăng trưởng chậm lại”.
Bước chuyển đổi này diễn ra theo sau các báo cáo về lạm phát chậm lại ở nhiều quốc gia, cũng như việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định tốc độ tăng trưởng đã chậm lại rõ ràng, sau khi lãi suất tăng mạnh và giá dầu vọt lên gần 95 USD/thùng.
Các ngân hàng trung ương đang bắt đầu phản ứng với dữ liệu này. Nhiều nền kinh tế mới nổi đã bắt đầu cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, Ngân hàng Anh (BOE) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) quyết định giữ nguyên lãi suất khiến các nhà kinh tế bất ngờ.
Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở những nền kinh tế hàng đầu vẫn chưa sẵn sàng đề cập đến khả năng cắt giảm lãi suất. Họ đồng thời muốn giữ vững lập trường cho đến khi có thêm dấu hiệu chắc chắn rằng họ đã khôi phục được sự ổn định về giá cả.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định tăng lãi suất cho vay vào tuần trước. Nhưng nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ngân hàng này tuyên bố lãi suất đang đi đúng hướng để đánh bại lạm phát, với điều kiện chúng được duy trì trong thời gian đủ dài ở mức hiện tại. Đó là tín hiệu mạnh nhất của ngân hàng cho đến nay rằng tỷ giá khu vực đồng tiền chung eurozone có thể đã đạt đỉnh.
Các thành viên BOE đã bỏ phiếu giữ nguyên lãi suất cũng nhấn mạnh về nhu cầu cần thiết phải giữ chính sách tiền tệ ở mức “hạn chế” cho đến khi đạt được tiến bộ trong việc chống lại lạm phát, thay vì thúc đẩy thắt chặt chính sách hơn nữa.
Tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jay Powell tái khẳng định niềm tin rằng họ cần giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Tốc độ tăng trưởng đã được duy trì tốt một cách đáng ngạc nhiên ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Ông Richard Clarida, người cựu Phó chủ tịch Fed và hiện làm việc tại công ty quản lý trái phiếu Pimco, cho biết cách tiếp cận này phản ánh quyết tâm của Fed trong nỗ lực chống lạm phát. Ông nhận định các động thái tiếp theo của Fed, ECB và BOE đều sẽ phụ thuộc vào dữ liệu trước đó.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế đặt câu hỏi liệu Fed có cần phải thực hiện quyết liệt như vậy khi giá cả ở Mỹ ổn định hay không.
Ông Powell nói rõ rằng quyết định giữ lãi suất ổn định của Fed không nên được xem như là tín hiệu cho rằng họ đã đạt đến điểm cuối của chiến dịch thắt chặt.
Quyết định tạm dừng tăng lãi suất của Fed được đưa ra khi lạm phát đã giảm mạnh ở nhiều khu vực. Tại Mỹ, tốc độ tăng giá đã giảm hơn một nửa từ mức đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022 xuống còn 3,7% vào tháng trước.
Ở một số nước Baltic và Đông Âu, lạm phát giảm hơn 10 điểm phần trăm so với mức đỉnh. Trong tuần tới, dữ liệu chính thức dự kiến chỉ ra lạm phát tại khu vực eurozone đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong hai năm là 4,6% vào tháng 9, giảm từ mức 5,2% của tháng trước đó. Mức cao kỷ lục là 10,6% vào tháng 10 năm ngoái.
Cùng lúc đó, hoạt động kinh tế đã suy yếu. Các chỉ số quản lý mua hàng trong tháng 9, thước đo chính về hiệu quả kinh tế, cho thấy sự yếu kém ở Anh và khu vực eurozone, trong khi Mỹ lại ghi nhận tình trạng suy thoái hơn nữa.
Nguồn: https://baotintuc.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Thị trường bất động sản hứng khởi trở lại, có dấu hiệu thoát đáy
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: 12h40 hằng ngày tôi luôn theo dõi chứng khoán hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được rất sốt ruột
- Có nên mua đất nền khu công nghiệp hay không?
- Đề xuất không đánh thuế nếu chuyển nhượng bất động sản bị lỗ
- Những địa phương có lượng vốn FDI vượt mốc 1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm