Ngân hàng tuần qua: Lãi suất điều hành chưa giảm, nhiều ngân hàng đã “chạy trước” giảm lãi suất tiền gửi; 2 nhà băng chuẩn bị trả cổ tức

110 lượt xem - Posted on

Ngân hàng tuần qua: Lãi suất điều hành chưa giảm, nhiều ngân hàng đã "chạy trước" giảm lãi suất tiền gửi; 2 nhà băng chuẩn bị trả cổ tức

NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ tư liên tiếp, nhiều ngân hàng “chạy trước” giảm lãi suất tiền gửi, cổ phiếu ngân hàng diễn biến sôi động,… là những tin tức đáng chú ý trong ngành ngân hàng tuần qua.

Ngân hàng giảm lãi suất điều hành lần thứ tư liên tiếp

Chiều ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo về việc cắt giảm một loạt lãi suất điều hành từ đầu tuần tới (19/6)

Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

NHNN cũng giảm mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.

Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Đồng thời, NHNN cũng hạ mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016.

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm

Như vậy, đây là lần thứ 4 liên tiếp kể từ trung tuần tháng 3 tới nay, NHNN thực hiện giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó riêng tháng 3 có 2 lần giảm lãi suất, tháng 5 có một lần (vào 25/5) và tháng 6 bắt đầu từ 19/6

Vì sao NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành?

Quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN được đưa ra sau khi Thường trực Chính phủ yêu cầu cơ quan này khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; khẩn trương có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất; trong đó giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6 năm 2023 và định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.

Nói về động thái trên, NHNN cho biết việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Qua đó NHNN tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các TCTD giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính. Quyết định của NHNN trong việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của TCTD lần này tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành của NHNN khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Nhiều ngân hàng “chạy trước” giảm lãi suất tiền gửi

Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 19/6, trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ giảm xuống còn 4,75%/năm.

Tuy nhiên từ ngày 17/6, một số ngân hàng đã điều chỉnh trước ngày quy định hiệu lực, đồng loạt giảm lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng từ 5%/năm xuống 4,75%/năm.

Cụ thể tại ABBank , lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng của ngân hàng còn 4,75%/năm. Ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn khác, trong đó 6 tháng là 8,2%/năm, 12 tháng là 8,3%/năm và cao nhất là 8,5%/năm tại kỳ hạn 18 tháng trở lên.

Tương tự, VIB cũng vừa điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng xuống mức 4,75%/năm từ hôm nay. Tuy nhiên, đáng chú ý, VIB lại tăng lãi suất các kỳ hạn dài. Trong đó lãi suất 36 tháng lại vượt 8%/năm.

Tại PVCombank , mặc dù lãi suất trước điều chỉnh cũng đã đáp ứng quy định mới, ngân hàng vẫn tiếp tục giảm lãi suất. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng chỉ còn 4,25%/năm, giảm 0,25 điểm % so với trước. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm mạnh 0,5 điểm % xuống 7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng từ 8,3% xuống 7,8%/năm. Như vậy PVCombank đã rời khỏi nhóm có lãi suất trên 8%/năm.

Oceanbank cũng cập nhật biểu lãi suất mới, trong đó lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng được điều chỉnh về 4,75%/năm như quy định. Đồng thời, ngân hàng giảm 0,1 điểm % các kỳ hạn khác, đưa lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 7,5%/năm, 12 tháng 7,7%/năm và 36 tháng xuống 8%/năm.

Đến cuối tuần qua, chỉ còn 4 trong 34 ngân hàng được khảo sát còn niêm yết mức lãi suất huy động trên 8% là ABBank (8,5%), GPBank (8,4%), VIB (8,1%) và BacABank (8,1%).

Cổ phiếu ngân hàng phân hóa, vốn hóa Vietcombank tiến sát mức 500.000 tỷ

Cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa trong tuần qua với 14/27 mã tăng, 9 mã giảm và 4 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, VCB của Vietcombank dẫn đầu tăng giá (+4,5%), đóng cửa tuần 105.000 đồng/cp, cũng là đỉnh mới của cổ phiếu này. Với mức tăng này, vốn hóa của Vietcombank đã đạt gần 500.000 tỷ đồng, bỏ xa các nhà băng khác.

Đứng sau VCB, các cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là SHB (+3,7%), STB (+3,2%), NAB (+3,1%),…Ngoài ra một số mã khác cũng tăng giá như HDB (+0,5%), CTG (+0,5%), TCB (+0,5%),…

Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu nhỏ sau khi tăng khá mạnh những tuần trước đã quay đầu điều chỉnh, như PGB (-6,6%), VBB (-3,6%), NVB (-3,2%),…

Thanh khoản khớp lệnh nhóm cổ phiếu ngân hàng đạt hơn 14.400 tỷ đồng, tương đương bình quân 2.900 tỷ đồng/phiên.

Thanh khoản toàn ngành tăng vọt trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần (16/6) với giá trị khớp lệnh tới hơn 4.700 tỷ, đây cũng là phiên chứng kiến thị giá biến động rất mạnh. Theo đó, dau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành vào trưa 16/6, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng tăng vọt vào đầu giờ chiều với giao dịch sôi động, tuy nhiên sau đó lại quay đầu đồng loạt giảm về cuối phiên và đóng cửa trong sắc đỏ.

Nhiều ngân hàng chuẩn bị chia cổ tức

VIB thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20% từ nguồn vốn chủ sở hữu là ngày 23/6/2023, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/6.

SeABank cũng cho biết ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu và nhận cổ phiếu phát hành để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu là ngày 26/6/2023. Tổng tỷ lệ phát hành là gần 20,3%. Trong đó, 14,5% nhằm trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu, 5.8% nhằm phát hành cổ phiếu thưởng.

Ngoài ra, NHNN tuần qua đã chấp thuận việc Ngân hàng SHB tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.972 tỷ đồng theo hai phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, bao gồm 2 hình thức: phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 18% từ nguồn lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ năm 2022 và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Nguồn: https://cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Ngân hàng tuần qua: Lãi suất điều hành chưa giảm, nhiều ngân hàng đã “chạy trước” giảm lãi suất tiền gửi; 2 nhà băng chuẩn bị trả cổ tứctrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *