Ngân hàng kết dư hàng triệu tỷ đồng: ‘Thúc’ dòng tiền đi vào lưu thông

102 lượt xem - Posted on

Lượng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, đạt hơn 12,6 triệu tỷ đồng. Với lượng tiền “khủng” gửi vào nằm “chết” tại nhà băng, các ngân hàng cũng đang phải “điên đầu” nghĩ cách “tiêu tiền”. Người dân vẫn ồ ạt gửi tiền bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm. Vì sao vậy?

Lượng tiền gửi ngân hàng tăng kỷ lục

Trong tháng 11/2023, các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm mạnh lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Kể từ đầu tháng 11 đến nay đã có tới 27 ngân hàng giảm lãi suất huy động là: Sacombank, NCB, VIB, BaoVietBank, Nam A Bank, VPBank, VietBank, SHB, Techcombank, Bac A Bank, KienLongBank, ACB, Dong A Bank, PG Bank, PVCombank, VietA Bank, SCB, Eximbank, OceanBank, BVBank, OCB, TPBank, CBBank, HDBank, SeABank, GPBank, Saigonbank.

Trong đó, VietBank, Dong A Bank, VIB, NCB, Techcombank, OCB, Bac A Bank, Sacombank, BaoVietBank, BVBank là những ngân hàng đã giảm lãi suất hai lần trong tháng 11 này. Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất, khi lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5%/năm. Ba ngân hàng còn lại gồm BIDV, VietinBank và Agribank lãi suất cao nhất cho kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/năm.

Tại nhiều ngân hàng cổ phần, lãi suất gửi tiết kiệm cũng giảm nhanh và nhiều ngân hàng áp dụng biểu lãi suất tương đương với các ngân hàng lớn. Cá biệt, có những ngân hàng có lãi suất thấp hơn như ACB, ABBank còn 4,7%/năm kỳ hạn 12 tháng.

Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,44 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp 11 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng là tháng tăng thấp thứ hai trong 9 tháng đầu năm (chỉ cao hơn tháng 7 – tăng 6.707 tỷ đồng). So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.

Ngân hàng kết dư hàng triệu tỷ đồng: 'Thúc' dòng tiền đi vào lưu thông - Ảnh 1.
Ngân hàng tung nhiều gói vay ưu đãi Ảnh: Như Ý

Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: Dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng. Lí do là các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản đang giảm hấp dẫn, nhiều rủi ro. “Từ giờ đến cuối năm, mặc dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, nhưng người dân vẫn chọn gửi ngân hàng bởi so sánh đây vẫn là kênh “tạm” có lợi hơn cả”, ông Hiến nhận định.

Ồ ạt giải ngân tín dụng tháng cuối năm

Với lượng tiền khủng gửi vào nhà băng, các ngân hàng cũng phải “điên đầu” nghĩ cách “tiêu tiền” khi tăng trưởng tín dụng không khả quan từ đầu năm đến nay. Theo đó, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm 2023, các ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân như tung ra các mức lãi suất cho vay với nhiều ưu đãi.

Ngân hàng BIDV cho biết, từ nay đến hết năm 2023, khách hàng cá nhân có thể vay mua nhà với lãi suất từ 7,3%/năm áp dụng trong 6 tháng đầu hoặc từ 7,8%/năm áp dụng trong 12 tháng đầu. Nếu vay tối thiểu 60 tháng có thể chọn lãi suất từ 8,3%/năm áp dụng trong 18 tháng và 24 tháng hoặc từ 9,3%/năm áp dụng trong 36 tháng đầu tiên (lãi suất ưu đãi áp dụng từ thời điểm giải ngân lần đầu).

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi cho thấy tiền gửi tiết kiệm vẫn đang tăng mạnh. Điều này nói lên rằng lãi suất dù giảm nhưng vẫn còn tương đối tốt với mức 5%/năm kỳ hạn 12 tháng. Bên cạnh đó, những kênh đầu tư khác nói chung hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Ngân hàng BVBank đưa ra gói tín dụng lãi suất chỉ từ 6,5%/năm được áp dụng cho khách hàng cá nhân vay mua sắm, tiêu dùng hoặc khách hàng vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà…

Tương tự, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác như: SHB, Sacombank, VPBank, TPBank, OCB, LPBank và ACB,… cũng đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp để kích thích nhu cầu tín dụng dịp cuối năm.

Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank cho biết, hiện lãi suất cho vay đã thấp hơn các tháng trước 2-2,5%/năm sẽ tạo dòng tiền cho doanh nghiệp, dù hoạt động cho vay của các ngân hàng cuối năm nay sẽ khó tạo ra lợi nhuận cho nhà băng, nhưng phía ngân hàng cố gắng tạo dòng vốn cho doanh nghiệp vay.

Trưởng phòng bán lẻ một ngân hàng cho biết: “Chưa bao giờ lãnh đạo ngân hàng phải họp thúc tăng trưởng tín dụng nhiều như hiện nay, gần như ngày nào cũng họp. Với mức lãi suất ưu đãi chỉ 7,5%/ năm cố định 2 năm, bên em đang rộng cửa sẵn sàng cho vay khách hàng tốt để sửa chữa nhà cửa hay mua ô tô”.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27/10/2023, tín dụng toàn ngành đối với nền kinh tế tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Như vậy, so với mức kế hoạch đặt ra vào đầu năm là 14%, thì tới thời điểm hiện tại, mức thực hiện chỉ đạt một nửa.

Là khách hàng vừa vay 200 triệu đồng mua ô tô của một ngân hàng nước ngoài, chị Ngọc Minh (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, hiện tại, thủ tục vay và giải ngân rất nhanh chỉ trong vòng 3 ngày. Thậm chí mức lãi suất cho vay thấp và nhiều ưu đãi. Cụ thể, chị Minh vay với lãi suất 7,4%/năm cố định trong vòng 3 năm. Đây là mức lãi suất thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Nguồn: https://cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Ngân hàng kết dư hàng triệu tỷ đồng: ‘Thúc’ dòng tiền đi vào lưu thôngtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *