Một loạt dự án văn hóa, thể thao ở TPHCM vẫn nằm trên giấy sau nhiều năm quy hoạch. Những công trình này đang chờ được “thay áo mới” để giúp thành phố sớm hoàn thiện hạ tầng, có thể tổ chức những sự kiện lớn.
Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (phường An Phú, TP Thủ Đức) có chủ trương đầu tư từ năm 1994.
Theo quy hoạch, dự án có quy mô 466ha, gồm các công trình thể thao đạt chuẩn Olympic như sân vận động 50.000 chỗ dành cho bóng đá và điền kinh, nhà thi đấu thể thao tổng hợp… để có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn.
Công trình hạ tầng giao thông được xây dựng là đường Liên Phường dẫn ra đường Võ Nguyên Giáp, Mai Chí Thọ, kết nối cao tốc TPHCM – Dầu Giây.
Sau hơn 30 năm, khu vực này vẫn là bãi đất trống với hệ thống đường sá xuống cấp, một vài ngôi nhà lụp xụp.
Một trong những dự án của Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc là Saigon Sport City – một khu đô thị thể thao phức hợp có quy mô 64ha.
Được khởi công từ cuối năm 2019 và dự kiến hoàn thiện năm 2027, đến nay, Saigon Sport City mới chỉ có khu nhà mẫu được hoàn thành.
Vừa qua, TPHCM giới thiệu 16 dự án tại Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, với tổng vốn khoảng 21.000 tỷ đồng, để các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án thực hiện.
Người dân ở khu vực này cũng mong muốn các dự án sớm được triển khai để họ có ổn định cuộc sống, thoát cảnh tạm bợ.
Trong khi đó, Dự án 651 Trần Hưng Đạo, quận 5 tọa lạc ngay tại trung tâm TPHCM.
Năm 2017, UBND TPHCM đã duyệt đề xuất đầu tư ở đây khu phức hợp trung tâm văn hóa thiếu nhi đa năng và rạp chiếu phim theo hình thức hợp đồng BOT, với tổng vốn khoảng 164 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến nay, khu vực này bị để hoang hóa, xuống cấp, bên ngoài dán thông báo công trình có nguy cơ mất an toàn.
Ngoài dự án này, thành phố vừa kêu gọi đầu tư các công trình như xây dựng mới Nhà hát Gia Định với 250 tỷ đồng, xây dựng mới Trung tâm Văn hóa thành phố với 295 tỷ đồng…
Nằm ở khu đất “vàng” mặt tiền đường trung tâm thành phố gồm Pasteur – Nguyễn Đình Chiểu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Võ Văn Tần (quận 3), nhà thi đấu Phan Đình Phùng từng là địa điểm gắn liền với các hoạt động văn hóa, thể thao quen thuộc của người dân TPHCM.
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2008 và được triển khai từ tháng 3/2010, với mức đầu tư 988 tỷ đồng. Đến năm 2013, công trình đội giá lên 1.352,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 26/4 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo dừng dự án BT nhà thi đấu Phan Đình Phùng sau 16 năm triển khai.
Được xây dựng từ năm 1929 và khánh thành năm 1931, sân vận động Thống Nhất là một trong những sân vận động lâu đời nhất Việt Nam, với sức chứa 20.000 chỗ ngồi. Nhưng hiện nay, nhiều hạng mục của sân đã bị xuống cấp.
Trước tình trạng này, Ban Dân dụng công nghiệp đã kiến nghị Sở Xây dựng TPHCM sớm sửa chữa sân và các khán đài.
Theo kế hoạch, tháng 1/2025, sân vận động sẽ được bàn giao mặt bằng để sửa chữa. Thời gian hoàn thành được dự kiến vào cuối năm 2025 để kịp phục vụ Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 10 năm 2026. Tổng kinh phí cải tạo, nâng cấp sân vận động Thống Nhất là hơn 149 tỷ đồng.
Bên cạnh các dự án kêu gọi đầu tư mới, TPHCM cũng đang đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch có quy mô 1.700 chỗ ngồi, bên hông cầu Ba Son, rộng 10.030m2 và công viên cây xanh xung quanh rộng hơn 10.000m2… Dự án này đã được thông qua chủ trương đầu tư với tổng vốn 1.988 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công.
Nguồn: vietnamnet.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Xác định nguyên nhân ban đầu vụ cô gái 21 tuổi bị sát hại tại chung cư mini ở Hà Nội
- 10 cách khắc phục, sửa lỗi máy tính không vào được mạng
- Giá vàng hôm nay (19-5): Lao dốc không phanh
- Lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục xuống mức thấp kỷ lục
- Đất nền đã qua đợt giảm mạnh, đã đến lúc nhà đầu tư xuống tiền trở lại?