Giao dịch chứng khoán phiên chiều 22/6: Tài chính nổi sóng, dầu khí “trói chân” thị trường

244 lượt xem - Posted on
Thị trường phiên chiều nay (22/6) có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành dẫn dắt. Trong khi tài chính, đặc biệt là chứng khoán nổi sóng lớn, thì nhóm dầu, phân bón tiếp tục bị chốt lời nên giảm sàn la liệt.

Trong phiên sáng, thị trường mở cửa với đà tăng khá tốt với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán và ngân hàng, nhưng áp lực đè nặng nhóm dầu khí, phân bón, cùng một số mã bluechip như VCB, VNM, VHM, VIC, MSN khiến VN-Index quay đầu giảm, dù số mã tăng chiếm ưu thế hơn.

Bước vào phiên chiều, đà giảm của nhóm bluechip này khiến VN-Index nới rộng đà giảm, nhưng đà giảm không quá sâu, vừa qua dải dưới bollinger band đã nhanh chóng hồi trở lại khi dòng tiền chảy mạnh vào nhóm công ty chứng khoán, ngân hàng, thép, rồi lan ra nhiều nhóm cổ phiếu nhỏ khác, giúp sắc tím lan rộng trên bảng điện tử.

Tuy nhiên, VN-Index không thể có được sắc xanh khi đóng cửa do lực bán mạnh tiếp diễn ở các nhóm cổ phiếu tăng mạnh trước đó như dầu khí, phân bón, điện khiến nhóm này nhiều mã giảm sàn như GAS, PVD, PET, DPM, DCM, BFC, POW, PC1, NT2, GEG.

Trong khi nhóm ngân hàng dù đa số tăng giá, chỉ có duy nhất 1 sắc đỏ, nhưng lại là mã vốn hóa nhất thị trường VCB với mức giảm 2,2% xuống 76.000 đồng.

Chốt phiên, VN-Index giảm 3,20 điểm (-0,27%), xuống 1.169,27 điểm với 295 mã tăng (59 mã trần), 181 mã giảm (40 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 592,5 triệu đơn vị, giá trị 13.313,7 tỷ đồng, giảm 14,8% về khối lượng và giảm 15,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 63,3 triệu đơn vị, giá trị 1.401 tỷ đồng.

Như đã đề cập, thị trường phiên hôm nay có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm dẫn dắt. Nhóm ngân hàng ngoại trừ mã đầu ngành VCB giảm, HDB đứng giá, còn lại đều tăng, trong đó có tới 4 mã tăng trần là STB lên 20.500 đồng, MSB lên 16.050 đồng, VIB lên 19.250 đồng và LPB lên 12.700 đồng, các mã còn lại cũng tăng khá mạnh. Trong đó, MBB là mã có thanh khoản nhất với 10,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,5% lên 23.450 đồng; tiếp đó là STB với 9,7 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán sắc tím gần như phủ khắp, chỉ còn 3 sắc xanh tại VDS, AGR và TVS nhưng cũng có mức tăng mạnh, còn lại đều tăng kịch trần, trong đó VND là mã có thanh khoản tốt nhất và đứng thứ 2 thị trường với 25,6 triệu đơn vị. Tiếp đến là SSI khớp 11,9 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới hơn 3,8 triệu đơn vị.

Nhóm thép cũng trở lại với sắc tím tại HSG lên 15.100 đồng và TNI lên 3.470 đồng. Trong khi đó, HPG dù không có sắc tím, nhưng cũng hồi mạnh 3,4% lên 21.500 đồng, TLH tăng 4,3% lên 8.320 đồng, NKG tăng 5,4% lên 16.500 đồng…

Sự tích cực của nhóm tài chính, thép đã làn tỏa sang các nhóm khác, nhất là các mã có tính thị trường, giúp sắc tím xuất hiện hàng loạt ở nhóm FLC, Louis, hay HQC, DIG, LDG, GEX, SJF…

Trong khi đó, nhóm dầu khí tiếp tục bị chốt lời, GAS và PVD bị đẩy xuống mức kịch sàn 111.200 đồng và 16.100 đồng. Nhóm phân bón cũng không có gì tích cực hơn phiên sáng khi đồng loạt nằm sàn, ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 và thứ 4 liên tiếp với DPM và DCM.

Nhóm điện, POW sau khi tăng mạnh cũng đã chịu áp lực chốt lời và ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp xuống 13.000 đồng, khớp lớn nhất sàn với 37,4 triệu đơn vị và còn dư bán sàn gần 3 triệu đơn vị. Kéo theo đó là nhiều mã khác giảm sàn theo là NT2, PC1, GEG.

Trong khi đó, trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán cũng tỏa sáng, tiếp sức cho thị trường duy trì đà hồi phục tích cực trong phiên chiều.

Đóng cửa, HNX-Index tăng 4,77 điểm (+1,8%) lên 269,39 điểm với 147 mã tăng và 62 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 69,46 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt hơn 1.282 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 139,23 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 vẫn tích cực với số mã tăng (19 mã), gấp hơn 2 lần số mã giảm (8 mã), trong đó nhiều mã kết phiên trong sắc tím như CEO, L14, TVC, L18 và hầu hết các mã đều tăng hơn 1%.

Trái lại, cổ phiếu PVS dù thoát sắc xanh mắt mèo nhưng vẫn là mã giảm sâu nhất trong rổ bluechip khi để mất 8,9%, đóng cửa đứng tại mức giá 22.500 đồng/CP; cổ phiếu TAR bất ngờ lao dốc về cuối phiên khi giảm 8% xuống mức 24.000 đồng/CP…

Bên cạnh nhóm cổ phiếu bluechip, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có phiên giao dịch khởi sắc. Trong đó, thành viên nhà FLC là KLF cũng kết phiên tại mức giá trần 3.000 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5 khi khớp hơn 3,54 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, nhóm chứng khoán diễn biến tích cực, bên cạnh TVC, APS, VIG tăng trần; các mã khác cũng tăng mạnh mẽ như MBS tăng 8,4%, SHS tăng 5,3%, BVS tăng 3%, ART tăng 7,1%…

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng hồi phục mạnh với hàng loạt mã khoe sắc tím như CEO, IDJ, L14, VC7…

Trái lại, nhóm cổ phiếu họ P kém khả quan. Bên cạnh PVS giảm mạnh, cổ phiếu PVC giảm 6,1% xuống mức 15.500 đồng/CP…

Trên UPCoM, thị trường cũng duy trì sắc xanh trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,6 điểm (+0,71%) lên 85,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 51,55 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.109 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 12,22 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 188,9 tỷ đồng.

Cùng trong diễn biến chung của họ dầu khí, cổ phiếu BSR tiếp tục có phiên giảm mạnh. Kết phiên, BSR giảm 12% xuống mức 25.600 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn duy trì sự sôi động khi đạt hơn 27,4 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch khởi sắc với ABB tăng 2%, BVB tăng 1,6%, VAB tăng 1,1%, NAB tăng 3,9%…

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng tăng mạnh như AAS tăng 8,2%, TCI tăng 3,8%, SBS tăng 5,2%.

Ở nhóm vừa và nhỏ, cổ phiếu VHG là điểm sáng khi đóng cửa tại mức giá trần 3.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch chỉ thua BSR khi khớp gần 3,26 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều giảm điểm, trong đó hợp đồng VN30F2206 đáo hạn hôm nay giảm 12 điểm (-1%) xuống 1.216 điểm, khớp lệnh 404.680 đơn vị, khối lượng mở gần 41.050 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, diễn biến phân hóa, trong đó mã CTCB2112 giao dịch sôi động nhất với gần 1,96 triệu đơn vị, đóng cửa đứng tại mức tham chiếu 10 đồng/CQ.

Tiếp theo đó, CFPT2203 khớp hơn 1,85 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 36,4% xuống mức 2.800 đồng/CQ.

Bạn đang xem Giao dịch chứng khoán phiên chiều 22/6: Tài chính nổi sóng, dầu khí “trói chân” thị trườngtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *