Di dời doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp: Góp phần phát triển bền vững

116 lượt xem - Posted on

Bình Dương đang xem xét các tiêu chí xác định doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam của tỉnh chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía bắc. Việc di dời này được xem là một trong những giải pháp để tỉnh tiến tới tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, phát triển bền vững, xây dựng thành phố thông minh.

  Bình Dương đang chủ trương phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp bền vững đi đôi phát triển đô thị và xây dựng thành phố thông minh. Trong ảnh: Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (Ảnh minh họa)

Hướng tới tăng trưởng xanh

Tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thành phố thông minh – Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương. Cùng với đó, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng Bình Dương đang hướng tới.

Ngày 31-10-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3210/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương” (gọi tắt là Đề án di dời).

Đề án di dời được xem như là một chính sách có tính đột phá và có tác dụng lâu dài nhằm định hướng, phân bổ không gian phát triển công nghiệp tiến tới phát triển công nghiệp bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh.

Đề án di dời được xây dựng trong bối cảnh số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn rất lớn, chiếm trên 71% các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh (số liệu được điều tra, đánh giá vào năm 2019, khi xây dựng Đề án di dời), trong đó phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Đa phần các cơ sở này đều được xây dựng và đi vào hoạt động từ trước khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hình thành. Do đó, được phân bố không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp, nằm rải rác, xen lẫn trong các khu dân cư, đô thị, thiếu hụt các nguồn lực cần thiết để xử lý nước thải, khí thải, bảo vệ chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người dân… gây khó khăn trong việc quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị tỉnh nhà.

Xem xét các tiêu chí xác định

Tỉnh Bình Dương đang chủ trương phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp bền vững đi đôi phát triển đô thị và xây dựng thành phố thông minh, xây dựng đô thị thành nơi đáng sống. Hiện tỉnh đang triển khai kế hoạch di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm phục vụ chỉnh trang đô thị, kiểm soát các nguồn phát thải ô nhiễm trên địa bàn tỉnh.

  Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Foster VN (Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II)

Tuy vậy, theo Sở Công thương, không phải doanh nghiệp nào cũng phải di dời, chuyển đổi công năng. Để định hướng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ di dời doanh nghiệp từ các địa phương phía nam của tỉnh lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía bắc, điều tiên quyết là cần phải xây dựng được tiêu chí xác định các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp. Để xác định được các tiêu chí đòi hỏi sự tính toán kỹ càng. Hiện tỉnh đang xem xét tiêu chí để lập danh sách doanh nghiệp di dời phù hợp, đúng quy định.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án di dời, Sở Công thương đã xây dựng dự thảo Quyết định ban hành tiêu chí xác định các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam của tỉnh chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía bắc và hoàn thiện dự thảo sau khi lấy ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan (môi trường và phòng cháy chữa cháy) tổ chức khảo sát thực tế, chấm điểm tại một số doanh nghiệp để xem xét, đánh giá tính khả thi, hiện thực của các tiêu chí xác định. Khi quyết định ban hành tiêu chí được ban hành sẽ xác định được số lượng doanh nghiệp thuộc diện di dời; số lượng người lao động bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ; dự trù được kinh phí ngân sách phải chi cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Sở Công thương cho biết việc di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía bắc là một quá trình lâu dài. Trong quá trình chuẩn bị để thực hiện di dời, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án di dời sẽ có tính toán, đánh giá tác động cụ thể, xem xét từng trường hợp với tiêu chí rõ ràng. Đặc biệt, trước khi thực hiện, Ban chỉ đạo lắng nghe, đồng hành với doanh nghiệp để không làm xáo trộn sản xuất, ảnh hưởng tới công nhân và doanh nghiệp.

Bình Dương cũng đang nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, cũng như nghiên cứu hình thành các cụm công nghiệp mới cho các doanh nghiệp phải di dời. Ngoài ra, khi di dời nhà máy từ phía nam của tỉnh lên các địa phương phía bắc sẽ tính tới việc thiếu hụt lao động, chỗ ở của công nhân, cũng như thời hạn các nhà máy vẫn còn hiệu lực theo giấy phép được cơ quan Nhà nước cấp…

Dự kiến, các tiêu chí nhằm chấm thang điểm để xác định di dời các doanh nghiệp ở 4 mức: Bắt buộc di dời; thuộc diện di dời; thuộc diện phải chuyển đổi công năng; thuộc diện không di dời, chuyển đổi công năng.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương” vừa qua, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với việc xây dựng chính sách hỗ trợ và tiêu chí đánh giá mức độ di dời của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông yêu cầu cần phải rà soát cụ thể các đề xuất về chính sách hỗ trợ theo hướng ổn định việc làm cho người lao động, sản xuất của doanh nghiệp; xem xét giá đất cho thuê nhằm khuyến khích doanh nghiệp di dời; cùng với đó là chính sách nhà ở cho công nhân khi thực hiện di dời, chính sách đào tạo nghề cho người lao động, chính sách miễn, giảm phí, lệ phí cho các thủ tục hành chính khi thực hiện di dời. Sở Công thương tổng hợp các ý kiến góp ý để chỉnh sửa, bổ sung dự thảo quy định trình UBND tỉnh tiếp tục xem xét, thông qua vào kỳ họp tới. Nguồn: https://m.baobinhduong.vn/

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Di dời doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp: Góp phần phát triển bền vữngtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *