Đề xuất cho doanh nghiệp mua bán điện sạch trực tiếp từ nhà máy

145 lượt xem - Posted on

Bộ Công Thương vừa có báo cáo Thủ tướng về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Dự án điện mặt trời, điện gió được bán điện trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất - Ảnh: N.HIỂN

Dự án điện mặt trời, điện gió được bán điện trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất – Ảnh: N.HIỂN

Mua bán điện trực tiếp vẫn quy định trường hợp bán điện qua EVN?

Theo đó, dự thảo quy định về cơ chế DPPA sẽ áp dụng cho các đối tượng bao gồm: các đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió, điện mặt trời đấu nối vào hệ thống điện quốc gia và có công suất đặt từ 10MW trở lên; các khách hàng lớn tham gia cơ chế DPPA là các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp 22kV trở lên; các đơn vị điện lực gồm EVN và đơn vị điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện và đơn vị bán lẻ điện.

Để thực hiện cơ chế DPPA, Bộ Công Thương đưa ra hai trường hợp gồm mua bán điện giữa đơn vị phát điện, khách hàng thông qua đường dây kết nối trực tiếp; hoặc mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia.

Với việc mua bán điện giữa đơn vị phát điện và doanh nghiệp sản xuất thông qua đường dây kết nối trực tiếp, đơn vị phát điện có trách nhiệm thực hiện đầy đủ việc đầu tư xây dựng dự án điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực.

Đơn vị phát điện cũng phải có trách nhiệm thực hiện quy định về cấp phép hoạt động điện lực theo quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Các bên cũng sẽ phải có trách nhiệm thực hiện các quy định trong mua bán điện, giá bán điện theo quy định tại Luật Điện lực và quy định về giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.

Đối với trường hợp này, nguyên tắc giao dịch sẽ áp dụng theo các quy định của Luật Giá. Khi Luật Giá và các văn bản hướng dẫn chưa có hiệu lực, sẽ áp dụng theo giá bán lẻ điện theo quy định của quyết định 24 của Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Đến khi Luật Giá có hiệu lực, giá điện sẽ phản ánh đúng và đầy đủ các khoản chi phí trên thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá dịch vụ…

Đối với trường hợp thứ hai là mua bán điện qua hệ thống lưới điện quốc gia, các đơn vị sẽ giao dịch theo nguyên tắc: Đơn vị phát điện kết nối với lưới điện quốc gia và bán điện năng của nhà máy điện lên thị trường điện giao ngay tại thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Khuyến khích mua bán điện trực tiếp để tự sản tự tiêu

Trong trường hợp này, đơn vị phát điện ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo mẫu do Bộ Công Thương ban hành để tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh và bán điện của nhà máy lên thị trường điện giao ngay. Đơn vị phát điện có trách nhiệm đăng ký tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh, công bố công suất nhà máy điện…

Ngoài ra, các khách hàng cũng được ký kết trực tiếp hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch với đơn vị phát điện.

Trong hợp đồng này, các bên sẽ cam kết về việc thanh toán khoản chênh lệch giữa giá thị trường điện giao ngay và giá cam kết tại hợp đồng cho một mức sản lượng điện cụ thể trong từng chu kỳ giao dịch trong trương lai.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho hay để tạo thuận lợi trong triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, cần thiết phải xây dựng và ban hành nghị định của Chính phủ để hướng dẫn chi tiết. Do tính cấp thiết, nên bộ kiến nghị Chính phủ xây dựng nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Bộ Công Thương khẳng định sẽ thúc đẩy các đơn vị triển khai cơ chế DPPA trên cơ sở mua bán điện trực tiếp qua đường dây tư nhân riêng để kết nối trực tiếp với nhau, nhằm ưu tiên triển khai dự án điện tự sản, tự tiêu.

Nguồn: https://tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Đề xuất cho doanh nghiệp mua bán điện sạch trực tiếp từ nhà máytrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *