Chính phủ đề xuất mua bán bất động sản hình thành sắp tới phải qua sàn. Ảnh minh họa: Cao Nguyên
Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) bổ sung quy định về việc bất động sản hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Điều tiết qua điều hành thực hiện các chính sách
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký tờ trình Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có 11 chương với 92 điều với nhiều điểm mới.
Điểm mới đáng chú ý, dự thảo dành 1 chương về điều tiết để bình ổn thị trường bất động sản trong các trường hợp thị trường tăng trưởng “nóng”, “đóng băng”.
Theo đó, dự thảo quy định, khi thị trường bất động sản mất cân đối cung – cầu sản phẩm bất động sản; có biến động tăng – giảm bất thường về lượng giao dịch, giá giao dịch của các loại bất động sản ảnh hưởng đến ổn định kinh tế – xã hội thì Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền quyết định biện pháp điều tiết thị trường bất động sản.
Đề xuất điều tiết thị trường bất động sản cũng được đưa ra khi xuất hiện yếu tố bất thường như thiên tai, dịch họa, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế và các yếu tố bất thường khác có thể tác động lớn đến thị trường bất động sản.
Chính phủ trong thẩm quyền được giao quyết định điều tiết thị trường bất động sản thông qua điều hành thực hiện các chính sách về: đầu tư, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản, thuế, tín dụng, tài chính, các chính sách thích hợp khác trong từng thời kỳ nhất định.
Dự thảo cũng đề xuất, Chính phủ trong thẩm quyền được giao ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện điều tiết thị trường bất động sản.
Việc điều tiết thị trường bất động sản được thực hiện theo nguyên tắc: tôn trọng các quy luật thị trường; thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan và lợi ích của Nhà nước….
Bất động sản hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn
Điểm mới nữa, dự thảo luật bổ sung quy định về việc bất động sản hình thành trong tương lai phải giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản để đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Các hành vi như: thu tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng quy định; sử dụng tiền mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai của bên mua, thuê mua trái pháp luật bị nghiêm cấm.
Theo Chính phủ, so với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, dự thảo luật sửa đổi lần này còn bổ sung quy định về nguyên tắc trong kinh doanh dịch vụ bất động sản; tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; điều kiện với người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản; thù lao môi giới bất động sản và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới.
Chính phủ cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh không rõ ràng để áp dụng đối với công trình xây dựng (căn hộ du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú…).
Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi để quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm giữa chủ đầu tư dự án bất động sản và người mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Đầu cơ bất động sản vẫn còn diễn ra khá phổ biến
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về xử lý vi phạm như tạm dừng giao dịch một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản, chấm dứt hoạt động của dự án bất động sản; đình chỉ, thu hồi Giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Chính phủ cho hay, các quy định hiện hành còn thiếu hoặc lỏng lẻo để thị trường bất động sản phát triển thiếu kiểm soát, không có quy hoạch, kế hoạch, chạy theo lợi nhuận, phong trào.
Cơ cấu sản phẩm bất động sản không phù hợp, dư thừa bất động sản thuộc phân khúc cao cấp, thiếu bất động sản thuộc phân khúc trung bình và thấp. Giá nhà ở, giá bất động sản đặc biệt là tại khu vực đô thị còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế.
“Tình trạng đầu cơ bất động sản vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở các địa phương”, tờ trình nêu, hiện chưa có cơ chế cụ thể để kiểm soát, điều tiết thị trường bất động sản; chưa quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền kiểm soát, điều tiết thị trường bất động sản của cơ quan nhà nước các cấp.
Nguồn: https://laodong.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Bình Dương tiếp tục là điểm sáng đầu tư bất động sản năm 2025
- Giá vàng nhẫn rớt mạnh
- Áp thấp nhiệt đới tiến về Đà Nẵng – Quảng Ngãi, miền Trung đối diện mưa lũ
- Bình Dương, Đồng Nai đầu tư nhiều dự án logistics
- Thị trường bất động sản quý IV/2023 khởi sắc tạo đà phục hồi