Còn dư địa để giảm thêm lãi suất

139 lượt xem - Posted on

Chuyên gia cho rằng vẫn còn dư địa để giảm lãi suất trong thời gian tới, bởi giảm lãi suất vừa hỗ trợ DN, người dân, vừa kích cầu tín dụng, đảm bảo tăng trưởng kinh tế.

Sau 2 lần giảm lãi suất vào tháng 3 và tháng 4, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 3 đợt giảm lãi suất điều hành, một động thái quyết liệt trong nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm 0,5%/năm, xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Đáng nói, trần lãi suất huy động tiếp tục giảm. các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tiền gửi tại quỹ tín dụng nhân dân cũng giảm 0,5%/năm.

Như vậy, tổng mức giảm sau 3 lần của NHNN là 0,5 – 1,5%/năm tùy loại.

Vì sao NHNN giảm lãi suất điều hành vào thời điểm này?

Trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn vẫn đang phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, nhiều người đặt câu hỏi vì sao NHNN lại giảm lãi suất điều hành vào thời điểm này.

Còn dư địa để giảm thêm lãi suất - Ảnh 1.
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 3 đợt giảm lãi suất điều hành. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)

Giải thích cho câu hỏi trên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng và Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cũng là Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, cho biết: “Có 4 lý do chính, thứ nhất, bên ngoài thế giới, hiện nay ngân hàng các nước về cơ bản đã giảm đà tăng lãi suất. Thậm chí, một số ngân hàng trung ương dừng tăng lãi suất, vì lạm phát trên toàn cầu đang giảm nhiệt, tương đối tích cực. Thứ hai, lạm phát trong nước cũng đã và đang giảm nhiệt. Đặc biệt, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn. Cuối cùng, tỷ giá tương đối ổn định”.

Đáng chú ý, lần này NHNN không giảm trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên, trong khi rất nhiều các doanh nghiệp đang mong chờ được giảm lãi suất. Về vấn đề này, theo TS. Cấn Văn Lực, hiện nay, lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên ở mức tương đối thấp, chỉ khoảng ở mức 4,5%, đây là mức bằng với kỳ vọng lạm phát. “Nếu giảm tiếp, rõ ràng rất khó cho hệ thống ngân hàng. Thứ hai, dòng vốn chưa chắc đã chảy vào đó, vì lãi suất thấp quá, người ta sẽ phân bổ vốn vào chỗ khác”, ông Lực đánh giá.

Nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất

Thực tế, sau quyết định của NHNN, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động ở một số kỳ hạn và cho biết đang tính toán, cân đối để có thể giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất các khoản tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại nhiều ngân hàng đã giảm xuống dưới mức trần 5%/năm theo quy định, thấp nhất chỉ còn 4,1%. Các kỳ hạn khác cũng giảm từ 0,1 – 0,5%/năm tùy ngân hàng.

“Chúng tôi đã điều chỉnh giảm lãi suất 10 lần kể từ đầu năm tới nay. Tổng mức giảm lãi suất là 1,5% với các kỳ hạn chủ yếu là 6, 12, 15 tháng; 13 và 15 tháng là các kỳ hạn có mức lãi suất hợp lý, thu hút được nhiều khách hàng”, ông Tống Huy Mẫn, Giám đốc Phát triển sản phẩm huy động vốn PVcomBank, cho biết.

“Quý IV và quý I, lãi suất có thời điểm lên rất cao, nhưng sau quyết định của NHNN, lãi suất đang dần hạ nhiệt. Chỉ khi lãi suất trên thị trường hạ xuống, chi phí vốn giảm xuống, các ngân hàng thương mại mới có khả năng điều chỉnh lãi suất cho vay”, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TPBank, cho hay.

Giảm lãi suất tiền gửi là cơ sở quan trọng để giảm lãi suất cho vay, như Agribank vừa dành 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trung dài hạn cho 2 triệu khách hàng hiện hữu. Từ đầu năm, các ngân hàng cũng thực hiện nhiều đợt hạ lãi suất, cả huy động và cho vay.

“Tiếp tục giảm lãi suất lần thứ 8 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất đầu vào đã giảm tương đối so với năm 2022. Đây là điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Thực tế, lãi suất cho vay đã giảm với từng đối tượng, lĩnh vực, có đối tượng đã giảm 4% so với đầu năm, bình quân giảm 1%”, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, thông tin.

Theo NHNN, lãi suất tiền gửi mới bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm 0,18% so với cuối năm 2022, trong khi lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm khoảng 0,65%.

Mặc dù, một số ngân hàng đã đưa ra các gói cho vay ưu đãi lãi suất, tuy nhiên tính đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng mới khoảng 3%, cho thấy nhu cầu vốn còn thấp. Trong khi đó, hạ lãi suất cho vay vốn có độ trễ từ 3 – 6 tháng so với lãi suất huy động. Theo ông Lực, đợt giảm lãi suất lần này chỉ cải thiện được một phần khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, vì lãi suất cho vay đã và đang giảm nhưng có độ trễ, thông thường từ 3 – 6 tháng.

“Chính phủ và NHNN mong muốn đẩy độ trễ đó lên thì độ trễ có thể từ 1 – 3 tháng. Tuy nhiên quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay còn rất yếu. Nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng mong muốn cho vay khách hàng tốt nhưng tìm kiếm tương đối khó vì đầu ra, đơn hàng gần như rất ít. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất trong thời gian qua dẫn đến nhu cầu vay vốn tương đối thấp. Dù vậy, theo tôi, thị trường sẽ dần phục hồi từ quý III. Đơn hàng xuất hiện thì khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu tín dụng sẽ tăng dần lên”, ông Lực nói.

Cần nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Nói về khó khăn của doanh nghiệp, khảo sát, chia sẻ từ chính các doanh nghiệp đều cho thấy việc tiếp cận nguồn vốn đang là một trong những trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp. Lãi suất cho vay cao, nhiều doanh nghiệp đang phải vay ở mức trên 10%. Do vậy, các doanh nghiệp đang rất mong chờ mức giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%/năm lần này sẽ có tác động lan tỏa tích cực, hướng tới việc giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay.

Công ty Cổ phần Cơ khí Chính xác HBT Việt Nam vừa được ngân hàng thông báo sẽ được giảm thêm 0,5% lãi suất cho khoản vay ngắn hạn, bắt đầu từ tháng 6 tới. Đây đã là lần thứ 2 họ được giảm lãi suất cho vay trong năm nay.

“Chúng tôi những doanh nghiệp trẻ nên rất cần các nguồn vốn lưu động để đầu tư máy móc, tăng năng suất lao động, mua nguyên, vật liệu phục vụ khách hàng. Với số lượng vốn lớn, chúng tôi sẽ mua được nguyên vật liệu tốt với mức giá tốt hơn”, ông Dương Ngọc Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí Chính xác HBT Việt Nam, chia sẻ.

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng được ưu đãi như vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết các khoản vay cũ vẫn đang phải chịu lãi cao. Bên cạnh đó, điều quan trọng là cần mở hơn những điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn.

Còn dư địa để giảm thêm lãi suất - Ảnh 2.
Việc tiếp cận nguồn vốn đang là một trong những trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa – Ảnh: Dân trí)

“Thay vì tài sản đảm bảo có thể dùng các hợp đồng đặt hàng của các công ty, tức là nghiêng về tín chấp nhiều hơn, như vậy có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn”, ông Nguyễn Xuân Thống, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, nêu quan điểm.

“Rất cần thiết có những giải pháp để tiếp sức, đặc biệt đối với tín dụng để giúp các doanh nghiệp bất động sản được tiếp tục tiếp cận được với nguồn vốn dễ dàng hơn, lãi suất hợp lý hơn. Từ đó, họ tái khởi động, phát triển sản xuất, đặc biệt đẩy vào thị trường các dự án, sản phẩm hiện nay được đánh giá là rất thiếu và khan hiếm”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định.

“Giảm 0,3 – 0,5%/năm chỉ mang tính hình thức, giảm ở đây phải có ý nghĩa, 2 – 4% dựa trên kết quả kinh doanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dựa trên huy động đầu vào của ngân hàng”, ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và đầu tư Anh Dũng, đánh giá.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành Chỉ thị 02 yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh cho vay và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Vẫn còn dư địa giảm thêm lãi suất

Nhận định về tình hình lãi suất, ông Lực cho rằng, Việt Nam còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất. “Thứ nhất, năm nay, chúng ta không quá lo là lạm phát sẽ tăng cao, vì sức cầu vẫn còn rất yếu trong kinh tế của Việt Nam. Thứ hai, trên thế giới, lạm phát đang giảm nhiệt tương đối tích cực và tỷ giá tương đối ổn định. Ngoài ra, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bớt đi khó khăn, thách thức của năm nay, rõ ràng bài toán về giảm lãi suất vừa là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, vừa kích cầu tín dụng, kích thích đầu tư, tiêu dùng. Như vậy, chúng ta mới đảm bảo được phục hồi và tăng trưởng kinh tế tích cực hơn, tất nhiên là phải đồng bộ nhiều cái giải pháp khác. Tôi cho rằng khả năng giảm có thể ở mức khoảng 0,5 – 1,5%”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Khi mặt bằng lãi suất giảm, đa số các ngành nghề đều sẽ được hưởng lợi chung với mặt bằng chi phí vốn kỳ vọng sẽ giảm bớt, đặc biệt ở các nhóm hiện đang có vay nợ nhiều. Trong bài toán tăng trưởng, rõ ràng cần sự đồng hành của nhiều bên, các ngân hàng tiết giảm chi phí để san sẻ bớt gánh nặng với khách hàng. Từ đó, các doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng, giảm nguy cơ nợ xấu với chính các ngân hàng. Bên cạnh đó, còn là nhiều giải pháp từ các cơ quan chức năng như tiếp tục giãn và hoãn thuế cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng cởi mở hơn.

Nhiều ngân hàng thương mại đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới thấp hơn, nhưng cho biết cần có độ trễ từ 1 – 2 tháng để có thể hạ lãi suất cho vay tương xứng.

Nguồn: https://vtv.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Còn dư địa để giảm thêm lãi suấttrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *