Cổ phiếu bất động sản vào sóng

167 lượt xem - Posted on

Kỳ vọng vào thị trường bất động sản sẽ trở lại sau loạt chính sách hỗ trợ, lãi suất giảm dần, nhóm cổ phiếu địa ốc và xây dựng đã nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư mua vào đón sóng.

Sau khi trải qua giai đoạn rất khó khăn từ, đặc biệt là trong năm 2022 khi lãi suất tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt khiến nhiều công ty bất động sản bị tắc thanh khoản, đứng trước nguy cơ vỡ nợ cao, từ đầu năm 2023, Chính phủ, các bộ, ngành đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ, qua đó dần tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án cụ thể và lan tỏa dần cả thị trường.

Với chuyển biến trên, nhiều nhà đầu tư tin rằng, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản và doanh nghiệp địa ốc, xây dựng đã qua, nên đã giải ngân đón sóng ở nhóm cổ phiếu bất động sản, giúp nhiều mã tăng mạnh trong 2 tháng qua, với mức tăng hơn 20% đến hơn 80%. Dù có những nhịp điều chỉnh do áp lực chốt lời ngắn hạn, nhưng đợt sóng của nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn chưa dừng lại.

Theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC, hiện tại, nhóm cổ phiếu bất động sản đã vào sóng hồi trung hạn trong xu hướng giảm dài hạn, nhưng sóng hồi thường kéo dài 3 – 6 tháng. Nhịp sóng vừa qua bắt đầu từ tháng 3/2023, nên sóng tăng có thể kéo dài sang đầu quý III/2023.

Thực tế diễn biến trên thị trường cho thấy, dù VN-Index đang gặp khó ở ngưỡng cản vùng 1.080 điểm do áp lực chốt lời ngắn hạn và nhóm bluechip vẫn án binh bất động, nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản nhỏ luôn thay nhau tạo sóng, thu hút dòng tiền. Nhiều mã cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ liên tiếp tăng trần trong nhiều phiên vừa qua như TDH, EVG, VRC, LGL, QCG… và đà tăng này tiếp tục được duy trì trong phiên cuối cùng của tháng 5 (31/5).

Trong các nhóm cổ phiếu đáng chú ý, bất động sản, xây dựng chính là nhóm cổ phiếu khởi sắc nhất cả về giá và thanh khoản. Trong số 26 mã tăng trần khi đóng cửa phiên, nhóm này chiếm tới gần 40%, trong đó có nhiều mã dù chịu áp lực chốt lời lớn, như TDH, EVG, DRH, DXS…, nhưng vẫn giữ được sắc tím khi chốt phiên.

Tuy nhiên, việc dòng tiền hướng sự chú ý vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khiến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhất là nhóm Vingroup giảm giá, làm cho VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ dù số mã tăng chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.

Chốt phiên, VN-Index giảm 2,88 điểm (-0,27%), xuống 1.075,17 điểm với 225 mã tăng, trong đó có 26 mã tăng trần; 167 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch 924,4 triệu đơn vị, giá trị 15.818,6 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng giảm nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,6 triệu đơn vị, giá trị 1.716,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu bất động sản vào sóng  ảnh 1

Nhóm bất động sản, NVL vẫn là mã có giao dịch sôi động nhất với 36,23 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng nhẹ 1,1% lên 13.500 đồng. Tiếp đến là DIG khớp 21,74 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,9% lên 21.350 đồng.

Tuy nhiên, như đã đề cập, nhóm cổ phiếu lớn thuộc họ Vingroup lại giảm khá mạnh hôm nay, trong đó VHM giảm 2,6% xuống 53.500 đồng, VRE giảm 2,2% xuống 27.100 đồng, VIC giảm 0,8% xuống 52.000 đồng.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng, chứng khoán có sự phân hóa, nhưng sắc chiếm ưu thế. Trong nhóm ngân hàng, các mã lớn đều giảm như VCB, CTG, VPB, TCB…, dù mức giảm không quá lớn. Ở chiều ngược lại, có 5 mã tăng, dẫn đầu là TPB tăng 3,7% lên 25.000 đồng, các mã còn lại ACB, SSB, VIB và BID tăng nhẹ trên dưới 0,5%. Trong đó, ACB là mã có thanh khoản tốt nhất với 29,15 triệu đơn vị.

Với nhóm chứng khoán, trong nhóm lớn, chỉ có VND tăng nhẹ 0,6% lên 17.500 đồng và có thanh khoản tốt nhất thị trường 38 triệu đơn vị, còn lại SSI giảm 0,9% xuống 23.150 đồng, khớp 18,63 triệu đơn vị; VCI và HCM cũng chìm trong sắc đỏ.

Nhóm thép cũng chung cảnh ngộ khi các mã đáng chú ý đều giảm, như HPG giảm 0,7% xuống 21.200 đồng, HSG giảm 2,8% xuống 15.400 đồng, hãm bớt so với phiên sáng, thanh khoản đạt 36,23 triệu đơn vị, đứng thứ 2 trên sàn sau VND.

Trong khi đó, trên HNX dù đà tăng được duy trì nhưng hãm bớt trong phiên chiều.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,48 điểm (+0,67%), lên 222,81 điểm với 130 mã tăng (27 mã trần), trong khi chỉ có 61 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 130,4 triệu đơn vị, giá trị 1.895,6 tỷ đồng, giảm 5% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,4 triệu đơn vị, giá trị 77 tỷ đồng.

SHS có giao dịch sôi động hơn nhiều trong phiên chiều với gấp 3 lần so với phiên sáng, nâng tổng khối lượng khớp cả ngày lên 22,38 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 1,7% xuống 11.600 đồng. Trong nhóm thanh khoản cao còn có thêm CEO giảm (-0,7%), xuống 27.000 đồng, khớp 7,48 triệu đơn vị, còn lại đều tăng, trong đó MST có sắc tím ở mức 6.200 đồng.

UPCoM có rung lắc nhẹ trong phiên chiều, nhưng vẫn giữ được đà tăng như phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,46%), lên 82,05 điểm với 205 mã tăng (37 mã tăng trần) và 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 111,8 triệu đơn vị, giá trị 1.227,9 tỷ đồng, tăng 48,7% về khối lượng và 41% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 23,9 triệu đơn vị, giá trị gần 396,5 tỷ đồng, chủ yếu diễn ra trong phiên chiều.

Các mã penny vẫn giữ được độ nóng trong phiên chiều, trong đó VHG khớp thêm gần 7 triệu đơn vị, nâng tổng khớp lên 15,43 triệu đơn vị, cao nhất UPCoM, và đóng cửa vẫn giữ được mức kịch trần 3.300 đồng (+13,8%), còn dư mua trần gần nửa triệu đơn vị. Các mã tăng trần khác khi đóng cửa phiên sáng là PXI lên 3.600 đồng, KVC lên 2.400 đồng, PXL lên 8.900 đồng và thêm PAS bứt lên với thanh khoản 3,29 triệu đơn vị, đóng cửa kịch trần 5.500 đồng. Trong khi đó, BSR lại nới đà giảm khi đóng cửa giảm 1,7% xuống 17.000 đồng, khớp 9,52 triệu đơn vị, đứng sau VHG.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm quanh mức giảm của thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index giảm 5,49 điểm (-0,51%), xuống 1.066,33 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 6 VN30F2306 giảm 5,6 điểm (-0,52%), xuống 1.062,6 điểm. Thanh khoản đạt 132.710 hợp đồng, giá trị 14.123,2 tỷ đồng, khối lượng mở 46.315 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, khác với thị trường cơ sở, sắc đỏ lại chiếm ưu thế, nguyên nhân chủ yếu do các chứng khoán cơ sở được sử dụng phát hành chứng quyền chủ yếu là các mã bluechip, trong khi đây là nhóm giảm chủ yếu trên thị trường cơ sở. Các mã tăng, giảm cũng không quá mạnh so với lịch sử biến động của sản phẩm này. Trong đó, hôm nay chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều do SSI phát hành với chứng khoán cơ sở của họ nhà Vin và đều đóng cửa giảm là CVRE2216 với thanh khoản 1,51 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7,4% xuống 250 đồng; CVHM2216 với thanh khoản 1,33 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9,1% xuống 200 đồng.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Cổ phiếu bất động sản vào sóngtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *