Dịch vụ logistics phát triển mạnh ở  TP Dĩ An.

Trên cơ sở nhận thức lý luận, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Dương đã tập trung chuyển đổi mô hình phát triển, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp kém phát triển, dựa nhiều vào thành phần kinh tế có vốn nhà nước sang nền kinh tế nhiều thành phần, lấy kinh tế nhà nước làm lực lượng dẫn dắt, đi đầu và kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài làm động lực chính trong phát triển công nghiệp – đô thị – dịch vụ.

Ngay từ khi tách tỉnh vào năm 1997, Bình Dương đã chọn mô hình công nghiệp – đô thị – dịch vụ để làm “bàn đạp” cho sự phát triển. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương giao Tổng Công ty Becamex IDC (là doanh nghiệp nhà nước lớn nhất tỉnh) hợp tác với Tập đoàn Sembcorp Industrial Parks của Singapore để hình thành nên mô hình VSIP. Mô hình này được Trung ương đánh giá cao, đã và đang lan tỏa ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Song song với phát triển kinh tế, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng chăm lo, phát triển mọi mặt đời sống văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao mức sống, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn.

Trong hơn 25 năm qua, Bình Dương đã có bước chuyển mình ấn tượng, đã tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời lấy doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò dẫn dắt.

Cơ cấu kinh tế Bình Dương chuyển dịch rất nhanh theo hướng hiện đại; mô hình tăng trưởng kinh tế ngày càng dựa nhiều vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Bình Dương đã đặt người dân làm trung tâm, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, trong khi chính quyền tiếp tục kiến tạo cho sự phát triển xuyên suốt…

Kết quả phát triển kinh tế của Bình Dương trong những năm qua đã được thể hiện qua những con số vô cùng ấn tượng. Cụ thể, tính đến năm 2022, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh gấp hơn 117 lần so với năm 1997. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá so sánh giai đoạn 1997 – 2022 đạt 10,74%/năm.

Bình Dương cũng nằm trong top đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với gần 4.200 dự án, vốn đăng ký hơn 40 tỷ USD; hơn 64.970 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 29,5 tỷ USD; 222 tổ hợp tác và 237 hợp tác xã. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bình Dương cũng cao nhất nước. Địa phương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương và đứng thứ 3 về thu ngân sách nội địa.

Các Khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Trong ảnh: Một góc  Khu công nghiệp VSIP 2.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương nhiều thế hệ đã nhận thức phát triển kinh tế làm sao phải vì hạnh phúc của nhân dân và không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, động lực và mục tiêu của phát triển kinh tế. Phát triển làm sao để người dân phải được hưởng thụ.

Bình Dương hôm nay được nhắc tới như một “hiện tượng” kinh tế công nghiệp của cả nước, là điểm sáng trong “tứ giác kinh tế” ở phía Nam. Để đạt được điều đó, Bình Dương đã thực hiện nhiều chủ trương đột phá trong cải cách hành chính. Đây cũng là địa phương đầu tiên đề xuất xây dựng mô hình một cửa tại Việt Nam và sớm có mô hình Ban Quản lý Khu công nghiệp, đầu mối giải quyết tất cả giấy tờ cho doanh nghiệp.

Được biết, Bình Dương đang định hướng phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường dựa trên ba trụ cột cơ bản: Chính quyền kiến tạo – Nhân dân đồng hành – Doanh nghiệp hành động. Để làm được điều này, Bình Dương đang hình thành các khu công nghiệp xanh nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư “sạch”.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực đó, tuy nhiên, trong quá trình phát triển Bình Dương vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần tiếp tục được tháo gỡ trong thời gian tới. Trong đó, địa phương kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện khung chính sách về khuyến khích xã hội hóa theo hướng rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách; điều chỉnh tăng biên chế cho tỉnh Bình Dương.

Cùng với đó, hiện nay Bình Dương cùng với các tỉnh miền Đông Nam bộ sẽ quy hoạch vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ cho cả vùng. Vùng này có lợi thế về tiếp cận với quốc tế, lợi thế giao thông, vùng năng động sáng tạo, đóng góp ngân sách 45%, cho nên phải đầu tư cho vùng này những công trình, dự án lớn. Đầu tư cho vùng nhằm đẩy những vùng có lợi thế so sánh để phát triển, trên cơ sở đó điều tiết cả nước./.

Nguồn: https://dangcongsan.vn