“Chợ đen” nở rộ khi vàng khan hiếm, khách chịu chi mua giá cao

30 lượt xem - Posted on

Giá vàng tăng nhanh thời gian gần đây tác động đến tâm lý nhiều người. Những ngày gần đây, người dân xếp hàng chờ mua vàng song không dễ nên đành lên chợ mạng giao dịch.

"Chợ đen" nở rộ khi vàng khan hiếm, khách chịu chi mua giá cao

Người dân than gặp khó khăn khi mua vàng tại các kênh chính thống trong nhiều tháng qua, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát thị trường vàng miếng. Không ít người đã lên chợ mạng rao mua, bán với giá cao hơn thị trường 1-3 triệu đồng mỗi lượng.

Loạn giá thị trường “chợ đen”

Một tài khoản đăng bài trên nhóm Facebook cho biết muốn bán một lượng vàng miếng SJC với giá 93 triệu đồng/lượng trong phiên 31/10, tương đương cao hơn giá niêm yết 3 triệu đồng.

Chị Minh Thu (Đống Đa, Hà Nội) quyết định rao bán 3 lượng vàng nhẫn trên mạng xã hội, thay vì mang ra tiệm như trước đây. Giá bán sẽ là mức bình quân của mua vào – bán ra tại Công ty SJC. Ví dụ, giá mua – bán của công ty này niêm yết là 87,5-89,5 triệu đồng/lượng thì mức giá được chị Minh Thu rao là 88,5 triệu đồng. Bằng cách này, chị được lợi 1 triệu đồng mỗi lượng so với bán ở tiệm, người mua cũng có giá rẻ hơn 1 triệu đồng so với mua ở cửa hàng.

Tương tự, anh Ngọc Quân (Cầu Giấy, Hà Nội) thậm chí đến tận cửa hàng vàng để chờ có người bán sẽ đưa ra mức giá mua đề xuất theo cách trên, trong bối cảnh thị trường khan hàng.

Ngay tuần trước, anh Quân nói đã chấp nhận mua một chỉ vàng nhẫn với giá hơn 9 triệu đồng trên “chợ đen” để làm quà cưới cho bạn thân do đi nhiều cửa hàng nhưng không tìm được hàng. Giá vàng ở “chợ đen” cao hơn giá niêm yết khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng, tức khoảng 200.000 đồng mỗi chỉ. Giá cao, nhưng hàng luôn có sẵn.

Khảo sát của phóng viên Dân trí cho thấy khoảng một tháng nay, ngày càng nhiều hội nhóm trao đổi vàng trên mạng xã hội xuất hiện. Thậm chí, có nhóm đã lên đến gần 70.000 thành viên. Các bài đăng mua, bán vàng miếng và vàng nhẫn trơn diễn ra sôi nổi hàng ngày, với giá bán cao hơn thị trường 1-3 triệu đồng mỗi lượng.

Một số tài khoản mạng xã hội cũng thường xuyên đăng bài chuyên thu mua vàng nhẫn các thương hiệu lớn như Bảo Tín Minh Châu, DOJI, PNJ… giá cao theo thỏa thuận, miễn là có hóa đơn. Hiện các cửa hàng vàng lớn chủ yếu mua lại sản phẩm do chính họ bán cho người dân chứ không mua từ các thương hiệu khác. Việc có hóa đơn đầy đủ giúp kim loại quý được định giá tốt hơn, dễ dàng giao dịch trên thị trường chính thức và thị trường “chợ đen”.

Chợ đen nở rộ khi vàng khan hiếm, khách chịu chi mua giá cao - 1
Người dân mua bán vàng trên chợ mạng (Ảnh chụp màn hình).

Với mặt hàng vàng miếng, việc mua trên thị trường cũng không dễ dàng. Không ít người phản ánh thủ tục mua vàng miếng tại 5 đơn vị do Ngân hàng Nhà nước ủy thác gồm Công ty SJC và 4 ngân hàng quốc doanh Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank khó hơn trước đây. Số lượng mua cũng hạn chế chỉ 1-2 lượng và áp dụng với khách đã đăng ký thành công trực tuyến. Lượt đặt mua của 4 ngân hàng thường nhanh chóng hết lượt từ sớm.

Tại SJC, vào đầu ngày, công ty cũng có bán vàng miếng lẻ cho khách vãng lai chưa đăng ký trước nhưng cũng không dễ mua được.

Còn các thương hiệu được phép kinh doanh vàng miếng khác như PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu…. gần như ngừng bán loại hình này ra thị trường nhiều tháng nay, từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp ấn định giá, vì không có nguồn. Một số thời điểm các đơn vị có vàng bán là do thu mua được từ phía người dân bán “chốt lời” vùng giá cao.

Ở TPHCM, tại cửa hàng SJC (quận 3), giao dịch vàng nhẫn không quá sôi động, đơn vị này duy trì việc bán vàng nhẫn tối đa mỗi khách 0,5 chỉ vàng nhẫn/ngày. Do cửa hàng giới hạn mỗi lần mua tối đa nửa chỉ nhẫn trơn, nhiều người cho biết phải đi mấy ngày mới mua đủ lượng mong muốn.

Ngoài Công ty SJC, phần lớn các cửa hàng của thương hiệu vàng lớn khác như DOJI, PNJ… tại TPHCM cũng thường rơi vào tình trạng “cháy” nhẫn trơn. Nhiều đơn vị gần đây thậm chí dừng việc nhận khách đặt trước.

Khánh Trang (quận 5, TPHCM) cho biết để mua được đủ 2 chỉ vàng nhẫn, cô phải rủ theo người nhà để xếp hàng cùng, cũng đi 2 ngày mới mua đủ số lượng vàng mong muốn. “Cảnh tượng chen lấn thì không có, tới quầy chỉ mất 5-10 phút là có thể mua được 0,5 chỉ, nhưng nếu muốn mua số lượng nhiều hơn thì phải đi nhiều ngày liên tiếp, hoặc gọi người thân, bạn bè đi cùng để xếp hàng mua”, Trang nói.

Giá trong nước đi lên chục ngày qua, bất chấp thị trường vàng xảy ra tình trạng khan hàng. Vàng nhẫn trơn tăng từng ngày và thiết lập các mốc kỷ lục mới, có thời điểm vượt 90 triệu đồng/lượng. Vàng miếng cũng tăng khoảng 5 triệu đồng trong 10 ngày gần đây, hiện được niêm yết tại 87,5-89,5 triệu đồng/lượng (mua – bán). Tính từ đầu năm, vàng miếng ghi nhận hiệu suất sinh lời gần 20%, trong khi vàng nhẫn lên tới 38%, cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm.

Chợ đen nở rộ khi vàng khan hiếm, khách chịu chi mua giá cao - 2
Mua vàng không dễ (Ảnh minh họa: Thành Đông).

Khó can thiệp giá vàng nhẫn

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng sẽ khó để Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào giá vàng nhẫn, vì vàng nhẫn có nhiều thương hiệu chứ không chỉ riêng một thương hiệu như vàng miếng SJC.

“Sẽ khó để can thiệp giá vàng nhẫn như vàng miếng. Phải có quy định hàm lượng bao nhiêu phần trăm trở lên là vàng nhẫn chứ hiện chưa có khái niệm cụ thể do Ngân hàng Nhà nước định nghĩa”, ông Huân nói.

Từ trước đến nay, vàng nhẫn vẫn được người dân định nghĩa như là vàng trang sức. Nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào thị trường vàng trang sức, sẽ tạo ra phản ứng trong người tiêu dùng, do đó sẽ khó can thiệp. Ông Huân đề xuất Ngân hàng Nhà nước có thể quy định hàm lượng vàng từ 75% trở lên là vàng do đơn vị này quản lý và phát hành, còn dưới hàm lượng này là vàng trang sức.

Hiện nay, giá vàng thế giới tăng cao, do đó giá vàng trong nước cũng tăng theo. Mục tiêu cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước là hạn chế khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, không thể kiểm soát giá vàng trong nước không được tăng như giá thế giới.

Hiện tại, giá vàng thế giới có thời điểm đã gần chạm ngưỡng 2.800 USD/ounce. Do đó, giá vàng trong nước cũng phải tăng theo. Thách thức hiện nay là chưa thực sự bình ổn được thị trường vàng về mặt thực tế, kể cả vàng miếng SJC.

Theo dự báo từ phần đông chuyên gia trên thế giới, giá vàng có thể lên đến 3.000 USD/ounce vào cuối năm. Ông Huân cho rằng để đạt được mốc này, giá kim loại quý cần phải điều chỉnh mạnh, có thể sang đến đầu năm sau, vì còn nhiều yếu tố bất ổn địa chính trị và cả kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới đây.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế của Học viện Tài chính, nhận định giá vàng trong nước biến động tăng lên là theo đà tăng của giá vàng thế giới.

Cụ thể, khi những bất ổn xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ; tình hình bất ổn chính trị toàn cầu tăng cao với nhiều điểm nóng xuất hiện, cũng như các nhà giao dịch đang chờ đợi dữ liệu kinh tế để có cái nhìn rõ hơn về định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm gia tăng nhu cầu đầu tư vào vàng vốn được xem là tài sản an toàn.

“Theo thống kê, giá vàng thế giới đã tăng 35% kể từ đầu năm đến nay, với đà tăng này, có thể giá vàng sẽ phá vỡ mức tăng kỷ lục năm 1979. Fed dự kiến cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm (0,25%) vào tuần tới. Do đó, các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi vào kết quả này và giá vàng sẽ ảnh hưởng bởi quyết định của Fed”, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Ở góc độ nhà đầu tư, nếu xem vàng là kênh đầu tư chủ yếu và tập trung vào vàng trong thời điểm hiện nay sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do. Nếu từ cuối năm ngoái, giá vàng thậm chí tăng tới 50% – mức tăng hiếm khi xảy ra trong lịch sử. Thời điểm vàng tạo đỉnh cũng đến gần hơn, sớm thì cuối năm nay, hoặc chậm thì nửa đầu năm sau.

Nguồn: dantri.com.vn

Bạn đang xem “Chợ đen” nở rộ khi vàng khan hiếm, khách chịu chi mua giá caotrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *