Bốn bài học từ khủng hoảng ngân hàng toàn cầu

173 lượt xem - Posted on
Các can thiệp kịp thời đã ngăn chặn thành công cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện có nguy cơ xảy ra sau sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng hơn một tháng trước. Có 4 bài học quan trọng có thể rút ra.

Các cuộc khủng hoảng đều khác nhau

Cuộc khủng hoảng hiện nay không bắt nguồn từ rủi ro tín dụng, mà chính rủi ro lãi suất khiến các ngân hàng lao dốc trong tháng 3/2023. Trong thời gian dài, lãi suất ở mức cực thấp, các ngân hàng đã tích lũy trái phiếu dài hạn để tạo ra thu nhập. Họ chú ý đến chất lượng tín dụng, nhưng không dự cảm được danh mục đầu tư trái phiếu phải chịu tổn thất to lớn, nếu các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ.

Các nhà hoạch định chính sách thông báo rằng, lãi suất sẽ tăng nhanh chóng, nhưng một số tổ chức chỉ đơn giản là chưa chuẩn bị sẵn sàng cho môi trường lãi suất cao hơn.

Trong Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu được công bố ngày 11/4/2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính: “Tác động của các khoản lỗ chưa thực hiện trong các danh mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đối với ngân hàng loại trung bình ở châu Âu, Nhật Bản và các thị trường mới nổi có thể sẽ chỉ ở mức vừa phải, mặc dù tác động đối với một số ngân hàng khác có thể rõ ràng hơn”.

Ngân hàng số kéo theo hệ quả không lường trước: gia tăng nguy cơ xáo trộn ngân hàng

Điều này được thể hiện rất rõ bởi các vấn đề của ngành ngân hàng gần đây càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của mạng xã hội và ngân hàng kỹ thuật số. Tin đồn lan truyền với tốc độ ngang tốc độ cháy rừng trên mạng xã hội khiến khách hàng lo lắng rút tiền gửi với ước tính có thể trị giá hàng tỷ USD, chỉ bằng một vài thao tác trên điện thoại thông minh.

Sự hoảng loạn dữ dội đến mức khách hàng đã rút 42 tỷ USD khỏi SVB (Mỹ) ngày 9/3, khiến ngân hàng này không thể ứng phó. Credit Suisse (Thụy Sỹ) cũng trải qua một đợt sụt giảm tiền gửi khổng lồ. Các cơ quan quản lý phải sẵn sàng hành động nhanh chóng và dứt khoát để khôi phục niềm tin của thị trường, ngăn chặn sự hoảng loạn lan rộng.

Việt Nam đã trở thành một ví dụ tiêu biểu về cách xử lý các cơn khủng hoảng tiền gửi. Tháng 10/2022, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã phải đối mặt với làn sóng rút tiền ồ ạt. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã can thiệp và xử lý tình huống, cam kết với người gửi tiền rằng, tiền tiết kiệm của họ được đảm bảo và nhanh chóng khôi phục lại trật tự thị trường. Giải pháp can thiệp nhanh chóng này chứng tỏ rằng, NHNN đã chuẩn bị tốt để kiềm chế những làn sóng hoảng loạn bất ngờ, mang lại sự trấn an rất cần thiết cho khách hàng và nhà đầu tư.

Sẵn sàng chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra do lạm phát tăng bất ngờ

Tại Việt Nam, tốc độ lạm phát đã giảm bớt, chỉ còn 3,55% trong tháng 3/2023, thấp hơn nhiều so với dự báo của NHNN là 4,5%. Điều này khuyến khích NHNN hạ lãi suất tái cấp vốn chuẩn xuống 50 điểm cơ bản, từ 6% xuống 5,5% vào ngày 31/3. Đây là lần giảm lãi suất thứ hai chỉ trong một tháng.

Tuy nhiên, việc lạm phát tăng bất ngờ vẫn là một mối đe dọa. Căng thẳng địa chính trị có thể khiến giá hàng hóa tăng vọt một lần nữa, dẫn đến lạm phát tăng đột biến. Rất may, các ngân hàng trung ương đều đã biết cách đối phó với những thách thức trên để giảm thiểu các tác động xấu này.

Trong quá khứ, các ngân hàng trung ương thường cắt giảm lãi suất để giải quyết tình trạng hỗn loạn ngân hàng, từ đó hy sinh mục tiêu giảm lạm phát, nhưng giờ không làm như vậy nữa. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cố gắng tăng lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 16/3, bất chấp tình trạng hỗn loạn ngân hàng. Vài ngày sau, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng mục tiêu lãi suất quỹ lên thêm 25 điểm cơ bản, bỏ qua những lo ngại về ảnh hưởng lên hệ thống ngân hàng.

NHNN nên xem xét phát triển các giải pháp tương tự, bao gồm các công cụ mới để hỗ trợ các ngân hàng, đồng thời ứng phó với lạm phát.

Các ngân hàng vẫn quá mong manh, không ổn định

Các cơ quan giám sát đã làm rất nhiều việc để tăng cường giám sát ngân hàng, như yêu cầu ngân hàng dự trữ nhiều vốn hơn, bộ đệm thanh khoản lớn hơn và kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Các cơ quan giám sát ngân hàng cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng để can thiệp nhanh chóng nhằm bảo vệ người gửi tiền, bảo lãnh cho các cổ đông và áp đặt yêu cầu sáp nhập với các tổ chức khác. Tất cả chỉ trong vòng vài ngày và có thể hoạt động trở lại chỉ sau một kỳ nghỉ cuối tuần ngắn ngủi.

Việt Nam đã trở thành một ví dụ tiêu biểu về cách xử lý các cơn khủng hoảng tiền gửi.

Tuy nhiên, các sự kiện xảy ra trong tháng 3 vừa qua cho thấy nguy cơ khủng hoảng ngân hàng vẫn có thể xảy ra, với tác động gây rối loạn sự thịnh vượng bền vững của các quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang phấn đấu cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh và cân bằng như Việt Nam.

Mặc dù các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc trung gian tiết kiệm và đầu tư, nhưng không cung cấp sự bảo vệ đầy đủ cho các khoản tiết kiệm của công dân. Quá nhiều ngân hàng vẫn bị tình trạng quản lý yếu kém và sẽ phải chấp nhận rủi ro quá mức khi sử dụng tiền gửi của khách hàng cho các mục đích đầu tư.

Do đó, đã đến lúc xem xét một hệ thống tài chính mới có thể cung cấp các dịch vụ ngân hàng đơn giản hơn, nhưng thận trọng hơn, ổn định hơn cho các khoản thanh toán thương mại và bảo vệ tiền tiết kiệm của người gửi, tách biệt với các thị trường tài chính dễ biến động, dễ rủi ro hơn.

Nguồn: https://baodautu.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Bốn bài học từ khủng hoảng ngân hàng toàn cầutrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *