Theo UBND tỉnh Bình Dương, 6 tháng đầu năm 2023, trong 20 chỉ tiêu kinh tế- xã hội có 6/20 chỉ tiêu đạt trên 50% và vượt kế hoạch năm; 5/20 chỉ tiêu đạt dưới 50%; 9/20 chỉ tiêu còn lại sẽ đánh giá vào cuối năm.

Đáng chú ý, có 1/20 chỉ tiêu giảm mạnh so với cùng kỳ là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 15 tỉ USD, giảm 17,4%.

Để kéo kim ngạch xuất khẩu tăng lên, tỉnh Bình Dương đang tích cực đẩy nhanh các dự án logistics trên địa bàn. Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương vừa phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư của dự án Cảng sông An Tây. Mục tiêu dự án phục vụ các hoạt động vận tải hàng hóa đường thủy, hình thành chuỗi dịch vụ logistics và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải.

Bình Dương đầu tư cảng sông rất lớn kết nối hầu hết các khu công nghiệp - Ảnh 1.
Vị trí cảng sông An Tây

Dự án Cảng sông An Tây nằm giáp sông Sài Gòn, phía nam xã An Tây, thị xã Bến Cát. Dự án nằm trên khu đất 100 ha, tổng mức đầu tư hơn 2.279 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2023 đến năm 2027.

Dự án gồm các hạng mục: Văn phòng; kho bãi; hạ tầng kỹ thuật; bến cảng; đường giao thông; kênh thoát nước. Công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 7 triệu tấn/năm; đội tàu có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy đến 3.000 tấn.

Dự án Cảng sông An Tây đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương, sẽ thu hút vận tải hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Tây Nguyên.

Lợi thế vị trí của Cảng sông An Tây kết nối hầu hết các khu công nghiệp, tránh được kẹt xe khu vực kết nối với TP HCM, kết nối đường sông thuận lợi với các cảng Cát Lái, Cái Mép. Đồng thời, tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, giảm chi phí Logistics, thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại địa phương trong tỉnh cũng như trong vùng Đông Nam bộ.

Nguồn: https://nld.com.vn