Biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh lây qua đường hô hấp ngay tại cửa khẩu.
Thông tin trên được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu trong công văn gửi các địa phương trong ngày 16/1 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2024.
Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Tổ chức Y tế thế giới thống kê, trong tháng 12/2023 thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/2023. Các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, hiện biến thể JN.1 gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.
Tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm COVID-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác như cúm mùa và virus hợp bào hô hấp (RSV).
Trong nước, tại khu vực miền Bắc vẫn đang trong giai đoạn mùa Đông Xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng và một số bệnh có vaccine dự phòng tiếp tục ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.
Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Để đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương sớm ban hành Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 và huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là trong dịp Tết.
Các địa phương cần chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus.
Các phòng ban liên quan chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong, tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng.
Các đơn vị triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học.
Địa phương cũng cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn triệt để trường hợp gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Nguồn: https://kenh14.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Cần làm gì khi người lạ chuyển nhầm tiền cho bạn?
- Thị trường bất động sản sẽ phục hồi từ quý 2/2024?
- Xác định giá đất ‘bỏ quên’ nhiều chi phí của doanh nghiệp
- Lời khai của người mẹ vụ bé gái 7 tuổi tử vong ở Củ Chi
- 5 loại giấy tờ cần cập nhật khi làm căn cước công dân