Giá trị tăng 7% nhờ công trình xanh
Hướng tới mục tiêu Net Zero 2050, lĩnh vực bất động sản (chiếm 39% phát thải) đang có sự chuyển dịch rõ rệt. Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ công trình xanh với 163 dự án được chứng nhận, gấp đôi 2023 và gấp 27 lần so với 2014, nâng tổng số lên 559 công trình (13,6 triệu m2 sàn) và hơn 34.000 căn hộ/nhà ở xanh.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), phát triển công trình xanh đang là chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho chủ đầu tư, đặc biệt từ nhóm người mua trẻ như Gen Z và Millennials.
Khảo sát mới đây cho thấy, 86% người tham gia quan tâm đến nhà ở xanh và 88% sẵn sàng chi trả thêm để sở hữu những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Các dự án đạt chứng nhận xanh sẽ nâng cao giá trị lâu dài cho nhà đầu tư.
“Nhu cầu cao đối với các không gian sống xanh sẽ giúp các dự án này có tốc độ bán hoặc cho thuê nhanh hơn so với các dự án truyền thống. Điều này giúp chủ đầu tư giảm thiểu thời gian trống và tối ưu hóa dòng tiền”, VARS nhận định.
Đáng chú ý, phát triển công trình xanh giúp chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn ưu đãi: tài chính khí hậu, trái phiếu xanh, hỗ trợ quốc tế, làm giảm chi phí đầu tư. Đồng thời, các dự án này còn hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các quỹ ESG.
“Bất động sản đạt chuẩn xanh giữ giá tốt hơn trên thị trường thứ cấp, đặc biệt nhà ở xanh có khả năng ổn định giá trong biến động. WorldGBC còn chỉ ra, công trình xanh có thể tăng tổng giá trị tài sản lên đến 7% trong 5 năm”, VARS cho hay.
Đầu tư vào công trình xanh mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt với chi phí vận hành thấp và thời gian thu hồi vốn nhanh. Theo IFC, chi phí đầu tư thêm cho công trình đạt chứng chỉ EDGE chỉ 2-3%, nhưng thu hồi vốn trung bình 3 năm với mức tiết kiệm năng lượng và nước tối thiểu 20%. Chứng chỉ LEED cũng cho thấy hiệu quả tương tự với chi phí tăng 1,5-8%, hoàn vốn 1,5-6 năm và tiết kiệm năng lượng đến 30-40%.
![]() |
Doanh nghiệp đề xuất xây dựng bộ tiêu chí “Nhà ở xanh Việt Nam” với các cấp độ khác nhau, dễ dàng áp dụng và đánh giá. |
Đón sóng xanh, doanh nghiệp “kêu gọi” gỡ nút thắt
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam ồ ạt chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng xanh hóa, tạo lợi thế cạnh tranh rõ rệt trên thị trường thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận như LEED, EDGE, LOTUS và BCA Green Mark vào dự án của mình.
Điển hình như Capital House với chuỗi dự án EcoHome và EcoLife đã đạt chứng chỉ EDGE và LOTUS nhờ tối ưu hóa thiết kế để tăng cường thông gió và ánh sáng tự nhiên, sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và lắp đặt hệ thống tiết kiệm năng lượng, nước. Ecopark lại nổi bật với mô hình khu đô thị sinh thái, tập trung vào việc tăng mật độ cây xanh, hồ nước và sử dụng các giải pháp năng lượng mặt trời. Phúc Khang Corporation tiên phong phát triển các căn hộ theo tiêu chuẩn LEED như dự án Diamond Lotus Riverside, chú trọng đến chất lượng không khí trong nhà và sử dụng vật liệu có hàm lượng VOC thấp.
Gần đây, liên doanh GELEX và Frasers Property Vietnam đã phát triển ba khu công nghiệp xanh đạt tiêu chuẩn LEED tại Hưng Yên, Quảng Ninh và Bắc Ninh với thiết kế tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. Tập đoàn KCN Việt Nam cũng đang phát triển KCN Deep C (Hải Phòng) theo tiêu chuẩn LEED Bạc, giúp tiết kiệm 25% năng lượng và giảm phát thải carbon. Nổi cộm trong lĩnh vực nghỉ dưỡng là dự án Forest in the Sky (Vĩnh Phúc) của Flamingo Đại Lải, đạt chứng chỉ EDGE nhờ tiết kiệm 48% năng lượng và phủ cây xanh toàn bộ mái công trình…
Nhìn chung, các doanh nghiệp đang tích hợp các yếu tố xanh từ khâu thiết kế, lựa chọn vật liệu, thi công đến vận hành, nhằm mang lại không gian sống chất lượng hơn, tiết kiệm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường. Tiềm năng rộng mở, song chi phí đầu tư cao, thiếu chuyên gia, nhận thức thị trường hạn chế và chính sách chưa đồng bộ đang là những “nút thắt” kìm hãm sự phát triển của công trình xanh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Thanh Tùng, Vân Đồn (Quảng Ninh), cho rằng, để đẩy mạnh xu hướng này, Chính phủ cần ban hành các ưu đãi tài chính cụ thể như việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3-5 năm đầu cho các dự án đạt chứng chỉ LEED Gold trở lên, tương tự như các ưu đãi cho lĩnh vực công nghệ cao.
Về tiêu chuẩn và quy trình, ông Tùng đề xuất đơn giản hóa thủ tục thẩm định và cấp phép cho các công trình xanh, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn xanh quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam, có thể tham khảo và điều chỉnh từ các tiêu chuẩn quốc tế như EDGE nhưng chú trọng hơn đến yếu tố địa phương. Ví dụ, đề xuất xây dựng bộ tiêu chí “Nhà ở xanh Việt Nam” với các cấp độ khác nhau, dễ dàng áp dụng và đánh giá.
“Với các chiến lược như vậy, các doanh nghiệp bất động sản sẽ không chỉ phát triển bền vững mà còn thu hút được khách hàng và nhà đầu tư tiềm năng”, ông Tùng nhận định.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Sẽ đánh thuế đầu cơ đất đai
- Người lính hải quân VN: Khi ý chí giữ biển, đảo đã ngấm vào máu thịt
- Bất động sản công nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng đón “đại bàng”?
- Ăn cá hay thịt tốt hơn?
- Nóng hổi hình ảnh loạt ‘bom tấn’ Apple sắp trình làng năm 2024