Ngoại trưởng Nga chỉ trích hội nghị về Ukraine tại Thụy Sĩ là động thái áp đặt tối hậu thư với Moscow.
“Hội nghị từ lâu đã trở thành nơi thảo luận của tất cả những người đang cố gắng đánh bại Nga trên chiến trường trong khi vẫn giữ các biện pháp ngoại giao, theo cách nói của họ. Nhưng những biện pháp ngoại giao này cũng như hội nghị ở Thụy Sĩ không phải là ngoại lệ, mà là sự tiếp nối của tiến trình Copenhagen. Họ tập trung vào việc đưa ra tối hậu thư cho Nga”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố hôm 13/5.
Ông Lavrov đề cập đến việc Ngoại trưởng Thụy Sĩ Inazio Cassis đã đề nghị tổ chức một cuộc gặp bên lề cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Palestine ngay từ tháng 1 tại New York.
“Ngoại trưởng Cassis nói với tôi rằng họ đang lên kế hoạch cho một hội nghị như vậy và chúng tôi không nên lo lắng rằng chúng tôi sẽ không được mời đến đó, bởi vì trước tiên họ sẽ thảo luận vấn đề này với nhau, rồi sau đó họ sẽ gọi cho chúng tôi”, ông Lavrov nói thêm.
“Chúng tôi giống như một học sinh hư. Các giáo viên họp lại, họ đuổi chúng tôi ra, họ tự quyết định mọi việc, sau đó họ gọi chúng tôi vào và công bố tội trạng. Các ông không thể nói chuyện với bất cứ ai theo kiểu như vậy, đặc biệt là chúng tôi (Nga). Tôi đã giải thích tất cả những điều này cho ông ấy (Ngoại trưởng) Cassis một cách thẳng thắn”, nhà ngoại giao Nga chia sẻ.
“Ông ấy nói rằng: “Chúng tôi đang tập hợp lại và tôi xác nhận rằng việc thảo luận bất cứ điều gì mà không có Nga là vô nghĩa”. Nếu vô nghĩa, tại sao các ông lại tụ tập?”, ông Lavrov đặt câu hỏi.
“(Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky đã nói điều mà phía Thụy Sĩ đã nói riêng với tôi, rằng trước tiên chúng ta nên thành lập một liên minh và củng cố công thức này, sau đó trình bày nó với Nga. Vì vậy, vấn đề không phải là đàm phán. Ngay cả khi họ mời chúng tôi ngay bây giờ, chúng tôi vẫn chỉ được mời để thảo luận về công thức (hòa bình) của ông Zelensky”, ông Lavrov lưu ý.
Theo Ngoại trưởng Nga, “Trung Quốc đã đề xuất (sáng kiến) toàn diện nhất, nhằm xem xét các nguyên nhân gốc rễ và nỗ lực loại bỏ các nguyên nhân đó; còn những vấn đề khác tập trung vào các khía cạnh nhân đạo, trao đổi tù nhân, thi thể, tiếp cận các tổ chức nhân đạo”.
Mặc dù Bắc Kinh chưa công khai cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Nga, nhưng tình báo phương Tây cho rằng Trung Quốc đã cung cấp cho Nga một lượng lớn hàng hóa có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự.
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ thông báo, nước này đã mời hơn 160 phái đoàn đến dự hội nghị hòa bình về Ukraine, bao gồm các nước G7, G20 và BRICS. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa được mời “tính đến thời điểm hiện tại”.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, mục đích của hội nghị ngày 15-16/6 tại Burgenstock nhằm “đưa tiến trình hòa bình trong tương lai đến gần hơn và phát triển các bước đi thực tế hướng tới điều đó”.
Công thức hòa bình của Kiev kêu gọi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, cũng như thành lập một tòa án để truy tố các quan chức hàng đầu của Nga vì phát động cuộc chiến. Nga đã bác bỏ đề xuất này vì cho rằng “xa rời thực tế”.
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận “thực tế mới về lãnh thổ”. Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25%, đưa chi phí đi vay lên cao nhất trong hơn 22 năm
- Những chính sách mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
- Cơ hội cho nhà đầu tư trước khi sang chu kỳ bất động sản mới
- Vốn FDI vào Bình Dương tiếp tục tăng
- Xét xử đại án Việt Á trong 20 ngày