Điểm sáng giao dịch của phiên ngày 12/12 không xuất hiện nhiều. Chỉ số VN-Index chỉ ưu tiên những dao động đi ngang trong biên độ hẹp.
Định vị thị trường
Trong phiên giao dịch ngày 12/12, Chỉ số chứng khoán Hong Kong tăng mạnh nhất trong khu vực trước khi cuộc họp 2 ngày của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào ngày thứ Năm tới đây.
Các chỉ số NIKKEI 225 (+0,16%), SHCMP (+0,4%), KOSPI (+0,39%), TWSE (+0,19%), cũng đều có sắc xanh. Được biết, giới đầu tư vẫn giữ kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất 5,25% – 5,5%.
Chỉ số VN-Index tiếp tục có những rung lắc nhẹ nhưng chốt phiên cũng có sự tương đồng với xu hướng khu vực, khi tăng 0,19% lên 1.127,63 điểm.
Chất xúc tác
Nhà đầu tư trong nước có sự thận trọng nhất định do thị trường cần đánh giá tác động của hoạt động cơ cấu ETFs lẫn kết quả cuộc họp của Fed trong tuần này.
Ngoài ra, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam trong 2 ngày 12 – 13/12 cũng đang thu hút sự chú ý với chủ đề về hợp tác kinh tế.
Khớp lệnh của HOSE có phiên thứ 3 liên tiếp ở dưới mức bình quân 20 phiên, giảm 13% so với phiên hôm qua. Đóng góp của nhà đầu tư trong nước vào giao dịch 2 chiều đạt 92%.
Còn khối ngoại chỉ chiếm chưa đến 8% và vẫn tiếp tục bán ròng hơn 300 tỷ đồng. Các mã FUEVFVND (-105,5 tỷ đồng), MSN (-64,26 tỷ đồng), VNM (-61 tỷ đồng), VCB (-38 tỷ đồng), đứng đầu trong top bán ròng.
Vận động thị trường
Dù những mã bị khối ngoại bán ròng đều là những chứng khoán có ảnh hưởng nhưng tác động lên thị giá không quá rõ rệt.
FUEVFVND (+0,27%) vẫn tăng nhẹ, trong khi VNM (-0,86%), MSN (-1,93%), VCB (0%) đều không giảm mạnh.
Các mã FPT (+1,9%), HPG (+1,6%), cùng một loạt các cổ phiếu ngân hàng như BID (+1,2%), CTG (+0,6%), MBB (+0,6%), TCB (+0,6%), STB (+0,5%), ACB (+0,4%), HDB (+0,3%) vẫn hoàn toàn đủ khả năng triệt tiêu áp lực được tạo ra.
VN30 được kéo lên về cuối phiên, qua đó giúp VN-Index cũng đóng cửa trong sắc xanh.
Việc các cổ phiếu ngân hàng có sự đồng lòng trong chuyển động là trường hợp không thường xuyên xảy ra. Dù vậy, rất khó để đưa ra sự xác nhận xu hướng của nhóm này khi không có một mã nào lọt vào top 5 giao dịch của HOSE.
Các cổ phiếu được khớp lệnh mạnh nhất của HOSE lần lượt là HPG (886 tỷ đồng), SSI (403 tỷ đồng), FPT (393 tỷ đồng), VND (359 tỷ đồng), PDR (352 tỷ đồng).
Với nhóm thép, HPG đã cho thấy có dòng tiền quay lại khá tích cực nhưng vận động của cổ phiếu này vẫn đang chủ yếu là nỗ lực hấp thụ lại lực bán chốt lời sau khi đã vươn lên mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây.
Phản ứng của NKG (+0,4%), HSG (+0,2%) cũng tương tự với HPG và chỉ có trường hợp cá biệt là POM (+7%) với phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp.
Ngoài ngân hàng và thép, thị trường không có thêm những nhóm ngành thực sự tạo được sự chú ý. Dòng tiền hạn hẹp xuất phát từ tâm lý thận trọng đã cản bước khá nhiều cổ phiếu.
Độ rộng của HOSE đạt 38,5% mã giảm so với 43% mã tăng. Tổng giao dịch đã bao gồm cả thỏa thuận chỉ đạt gần 14.000 tỷ đồng.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index lại có sự trái chiều về giao dịch. Thay vì tìm kiếm các cơ hội ở các cổ phiếu Midcap và Penny, nhà đầu tư giao dịch khá trầm lắng.
HNX-Index tăng 0,15%, còn UPCoM-Index giảm 0,15%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt chưa đến 2.000 tỷ đồng.
Nguồn tapchitaichinh.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Khu Đông Hà Nội có giá bất động sản tăng “nóng” gấp 3 – 4 lần chỉ trong vòng 2 năm
- Tỷ giá USD trung tâm lần đầu tiên vượt mốc 24.000 đồng, lên cao nhất lịch sử
- Thị trường cần chú ý 5 dấu hiệu quan trọng của nền kinh tế số 1 thế giới, dự kiến mang ‘tin vui’ cho cả nhà đầu tư và người dân trong năm 2024
- Top 10 website chuyển văn bản thành giọng nói online tốt nhất 2021
- Trung Quốc có thể là quốc gia đầu tiên sản xuất thành công oxy từ đất Mặt Trăng!