Nền kinh tế Mỹ ghi nhận số việc làm mới tháng 10 giảm. Thông tin này có thể giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm bớt áp lực trong cuộc chiến chống lạm phát.
Theo báo cáo mới ra ngày 3/11 của Bộ Lao động Mỹ, việc làm phi nông nghiệp tháng 10 tăng 150.000, thấp hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế là 170.000 việc làm mới. Con số này cũng thấp hơn một nửa so với số việc làm mới trong tháng 9 là 336.000.
Năm 2023, thị trường lao động đã hạ nhiệt đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Thị trường việc làm từng nóng đỏ trong giai đoạn sau đại dịch, vì các nhà tuyển dụng nhanh chóng tạo ra hàng triệu việc làm mới để đáp ứng nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng. Đến nay, mức tăng trưởng việc làm tháng 10 ghi dấu mức tăng thấp thứ hai kể từ năm 2020.
Thước đo chính cho lạm phát là thu nhập bình quân mỗi giờ tăng 0,2% trong tháng 10, thấp hơn mức dự báo là 0,3%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,9%, cao hơn dự đoán rằng con số này sẽ duy trì ở mức gần thấp nhất lịch sử là 3,8%.
Thị trường chứng khoán phản ứng tích cực với báo cáo này. Tính đến 20h35 theo giờ Hà Nội, Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 151 điểm, tương đương 0,4%. Trong khi đó, Nasdaq Composite tăng 0,5% và S&P 500 tăng 0,6%.
Từ góc độ ngành nghề, chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực dẫn đầu với 58.000 việc làm mới. Những ngành tăng nhiều nhất bao gồm việc trong lĩnh vực công (51.000), xây dựng (23.000), hỗ trợ xã hội (19.000). Giải trí và khách sạn, vốn là lĩnh vực tạo việc làm hàng đầu, cũng tăng thêm 19.000 việc làm.
Giáo sư kinh tế Justin Bloesch tại Đại học Cornell cho biết: “Đây vẫn là một trong những thị trường lao động tốt nhất mà chúng tôi từng chứng kiến trong 30 năm qua. Nhưng chắc chắn là thị trường đã hạ nhiệt so với năm ngoái”.
Làn sóng đình công đang dâng cao trên khắp nước Mỹ. 45.000 công nhân ô tô đình công vào tháng 10. Mức tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực sản xuất giảm 35.000 việc làm mới. Vận tải và kho bãi giảm 12.000 việc làm mới trong khi các ngành liên quan đến thông tin giảm 9.000 việc làm.
Mặc dù đã hạ nhiệt đáng kể, thị trường việc làm bền bỉ đang thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng cao bất ngờ. GDP Mỹ quý 3 đạt 4,9%, phần lớn là do người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu. Tiền lương đang tăng lên, trong khi lạm phát dần hạ nhiệt những tháng gần đây. Kết quả là người Mỹ tiếp tục dốc hầu bao.
Đầu năm nay, thị trường vẫn còn lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Nhiều chuyên gia, bao gồm cả Chủ tịch FED, bày tỏ lo ngại rằng quyết tâm giảm nhiệt lạm phát của ngân hàng trung ương sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm ở nhiều lĩnh vực và nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra, ít nhất là cho đến hiện tại. Trong cuộc họp chính sách mới nhất, Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố rằng ông sẽ giữ nguyên lãi suất trong thời điểm hiện tại, đồng thời coi khả năng phục hồi của thị trường lao động là một kết quả “bất thường trong lịch sử và rất đáng hoan nghênh”.
Nhà kinh tế học Bloesch phân tích rằng vì tương lai phía trước chưa chắc chắn, các doanh nghiệp phải giữ chân người lao động thay vì sa thải. Trong khi đó, tổng số việc làm mới được tạo ra thu hút nhiều người lao động quay trở lại thị trường. Tỷ lệ người trưởng thành trong độ tuổi lao động (25-54 tuổi) đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ.
Tham khảo CNBC, Washington Post
Nguồn: https://cafef.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Chủ tịch FED Jerome Powell lên tiếng: Sẽ “mất nhiều thời gian hơn dự kiến” để đạt mục tiêu lạm phát và cắt giảm lãi suất
- Dự án 1,3 tỉ USD sau 1 năm khởi công tạo ra hàng nghìn việc làm
- Làm 30 phút/ngày kiếm hơn 4,4 tỷ/năm, người đàn ông 32 tuổi tiết lộ bí quyết làm giàu ‘ngon ơ’ chỉ bằng một thứ
- Thị trường bất động sản đang dần “ấm” lên?
- Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5 – 2%