Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Làm sao để dòng tiền thực sự hấp dẫn?

133 lượt xem - Posted on

Theo thống kê từ NH Nhà nước, sau 3 tháng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mới có khoảng 95 tỷ đồng được giải ngân và 950 tỷ đồng được cam kết cho vay. Tiến độ này dường như còn quá chậm so với kỳ vọng. Nguyên nhân chậm trễ được giới chuyên gia nhìn nhận là đến từ nhiều phía, từ thủ tục pháp lý, quy hoạch… và cũng từ chính gói tín dụng này.

Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Làm sao để dòng tiền thực sự hấp dẫn? - Ảnh 1.
Khu NOXH Evergreen tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đang được xây dựng. Ảnh minh họa: Vân Sơn/Báo Tin tức

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu ước tính với lãi suất cho vay bình quân là 8%/năm và vay trong vòng 15 năm, người dân mua nhà ở xã hội có thể phải trả ngân hàng khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Điều này có nghĩa thu nhập của họ phải ở mức trên 15 triệu đồng/tháng mới đảm bảo vừa trả chi phí vay ngân hàng vừa trang trải cuộc sống.

Từ đó, vị chuyên gia đặt câu hỏi: “Liệu có bao nhiêu người lao động, người thu nhập thấp đạt được mức 15 triệu đồng/tháng để chi trả tiền gốc và lãi vay, hay thậm chí đối với nhiều người, mức chi trả trên còn vượt cả thu nhập của họ?”

Không riêng với người mua nhà, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, mức lãi suất hiện tại, các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội cũng chưa mấy mặn mà. Lý do ông đưa ra là vì mỗi dự án cần khoảng 5 năm để hoàn thành, lợi nhuận thu về chỉ ở mức 10% trong khi lãi suất vay ngân hàng đã hơn 8%/năm thì doanh nghiệp rất khó làm.

Dù vậy, ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng luôn được các ngân hàng sẵn sàng để cho vay nhưng về bản chất, nó không giống với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từng triển khai năm 2013. “Bởi gói 30.000 tỷ đồng trước đây được cho vay từ nguồn tái cấp vốn, lãi suất cố định chỉ 5%/năm; trong khi đó, gói 120.000 tỷ đồng là nguồn vốn tự thu xếp của các ngân hàng thương mại và lãi suất cho vay đã điều chỉnh thấp hơn từ 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay thông thường. Đây là sự chia sẻ của ngành ngân hàng với doanh nghiệp và người dân”, ông Hùng cho biết.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là sự hỗ trợ của 4 ngân hàng lớn, với lãi suất đã giảm từ 1,5 – 2% so với thị trường. Ông cũng hi vọng gói này sẽ không chỉ dừng ở con số 120.000 tỷ đồng mà còn lớn hơn nữa với sự tham gia của nhiều ngân hàng khác để có thể sớm hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ.

Có thể thấy dòng vốn đã sẵn sàng nhưng làm sao để hấp dẫn doanh nghiệp hưởng ứng việc xây nhà vẫn là một bài toán không dễ và chỉ riêng nỗ lực của ngành ngân hàng là chưa đủ.

Là 1 trong 2 ngân hàng đầu tiên cho vay dự án nhà ở xã hội theo gói 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã dành 30.000 tỷ đồng, chiếm 1/4 tổng giá trị gói tín dụng, để cho vay các chủ đầu tư nhà ở xã hội và người mua nhà với lãi suất lần lượt ở mức 8,2 và 7,7%/năm.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp BIDV cho biết, ngân hàng đã phê duyệt dự án nhà ở xã hội đầu tiên với số tiền cam kết cho vay là 95 tỷ đồng và sẽ tiếp tục bám sát danh mục dự án đủ điều kiện để tiếp cận cho vay.

Theo bà Phượng, tiến độ ban hành, phê duyệt danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi và việc công bố thông tin dự án tại một số tỉnh, thành phố chưa theo mẫu của Bộ Xây dựng ban hành đang là những vướng mắc chính kéo chậm quá trình triển khai gói 120.000 tỷ đồng. Do đó, đại diện BIDV kiến nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, ban hành danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn và công bố thông tin đầy đủ theo mẫu, để từ đó ngân hàng có căn cứ tiếp cận, phê duyệt và giải ngân cho dự án.

Tương tự, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đã có dự án nhà ở xã hội đầu tiên được ký kết với mức cam kết cấp tín dụng lên tới 950 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank cho biết, ngân hàng đã chỉ đạo toàn bộ các chi nhánh trong hệ thống chủ động liên hệ UBND các tỉnh để trực tiếp tiếp cận với các dự án được UBND tỉnh công bố như tại Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Bắc Giang…

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ triển khai và giúp dòng vốn phát huy hiệu quả, ông Bách kiến nghị UBND các tỉnh cần xem xét rút ngắn thủ tục hành chính liên quan đến xét duyệt các dự án, cấp phép dự án và công khai quy hoạch, công bố quỹ đất sạch để các chủ đầu tư quan tâm nắm được thông tin, đồng thời phải có chính sách ưu đãi kêu gọi nhà đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp…

Song song với việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy trình, thủ tục pháp lý, quy hoạch quỹ đất, nhiều chuyên gia còn bàn tới việc phát triển một nguồn vốn bền vững cho lĩnh vực nhà ở xã hội.

Cụ thể, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đề xuất nên có một quỹ phát triển nhà ở xã hội; trong đó, vốn ngân sách là vốn mồi chủ lực và huy động các nguồn vốn tư nhân khác để cho vay với lãi suất bằng khoảng 50% lãi suất trên thị trường một cách công khai, minh bạch.

Còn theo ông Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Với mặt bằng lãi suất huy động như hiện nay, để hạ sâu lãi suất cho vay các dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn tự thu xếp của các ngân hàng là rất khó. Bởi vậy, một gói tín dụng từ nguồn tái cấp vốn với lãi suất 5%/năm như gói cho vay ưu đãi trước kia là rất cần thiết với người lao động.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng sáng kiến về quỹ phát triển nhà ở xã hội cũng rất phù hợp, có thể phát hành trái phiếu dài hạn để thu hút vốn cho quỹ, tạo nguồn cho vay nhà ở xã hội về lâu dài.

Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai từ đầu tháng 4/2023 theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, nhằm hỗ trợ cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo kế hoạch, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm BIDV, Agribank, Vietcombank và VietinBank, mỗi ngân hàng dành khoảng 30.000 tỷ đồng tham gia gói tín dụng trên, với lãi suất cho vay thấp hơn thị trường từ 1,5 – 2%.

Đến nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đã có 9 UBND tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia chương trình tới Ngân hàng Nhà nước với 23 dự án và 1 UBND tỉnh công bố trên Cổng thông tin điện tử (Phú Thọ) với 3 dự án. Tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này là khoảng 12.800 tỷ đồng.

Phó Thống đốc nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án có hiệu quả, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; hướng tín dụng vào đáp ứng các nhu cầu thiết thực của người dân về nhà ở. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng hoặc nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng,…

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Nguồn: https://cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: Làm sao để dòng tiền thực sự hấp dẫn?trên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *