Tiểu thương buôn bán ế ẩm, dẹp tiệm vì kẹt xe ở TPHCM

13 lượt xem - Posted on

“Nhiều người đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thuê mặt bằng tầm 3 tháng là dẹp tiệm vì ế khách do kẹt xe. Ở TPHCM, khu vực này kẹt xe chắc đứng đầu rồi”, ông Hà Tân nói.

Tiểu thương buôn bán ế ẩm, dẹp tiệm vì kẹt xe ở TPHCM

9h sáng, ông Đinh Chiến Thắng (62 tuổi), chủ một tiệm sửa xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25 (quận Bình Thạnh), ngồi uống nước trà chờ khách. Đối diện ông là 5 mặt bằng đang đóng cửa và treo bảng cho thuê. Kế đó, nhiều mặt bằng khác trong tình cảnh tương tự.

Tình trạng kẹt xe nghiêm trọng mỗi ngày tại khu vực ngã tư Hàng Xanh và xung quanh Bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, khiến người dân sống và kinh doanh nơi này chỉ biết than trời. Buôn bán ế ẩm, nhiều người phải trả mặt bằng vì không trụ nổi.

Trả mặt bằng vì… kẹt xe

Ông Thắng cho biết, người kinh doanh trả mặt bằng do làm ăn thua lỗ vì kẹt xe. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ Bạch Đằng đến quốc lộ 13 lưu thông một chiều. Khoảng 5 năm trở lại đây, nạn kẹt xe ở khu vực diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Buổi sáng, trưa cũng kẹt xe chứ không riêng chiều tối. Khi ùn tắc, ô tô xếp hàng bên trái tuyến đường, khách khó có thể tiếp cận các tiệm để mua hàng.

Những hộ ở phía bên phải tuyến đường như ông Thắng đỡ hơn, khách hàng dễ tiếp cận. “Đường một chiều đã bất lợi cho các hộ kinh doanh ở phía bên trái tuyến đường, thêm tình trạng kẹt xe như vậy, vắng khách là điều dễ hiểu. Họ thuê vài tháng là dẹp tiệm hết”, ông Thắng nói.

Tiểu thương buôn bán ế ẩm, dẹp tiệm vì kẹt xe ở TPHCM - 1
Tiểu thương buôn bán ế ẩm, dẹp tiệm vì kẹt xe ở TPHCM - 2

Ông Thắng và tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh xảy ra kẹt xe vào chiều 22/10 (Ảnh: An Huy).

Chủ tiệm sửa xe cho biết thêm, tình trạng kẹt xe ở khu vực xảy ra mỗi ngày, cao điểm theo khung giờ 10-13h và 16-20h. Mỗi lúc ùn tắc, xe máy, ô tô, xe buýt nối đuôi, nhích từng chút.

Cách đó 200m là tiệm bọc yên xe máy của ông Hà Tân (67 tuổi, quê Quảng Nam). Ông Tân cho biết, cùng một tuyến đường, nhưng giá thuê mặt bằng mỗi bên khác nhau, ví dụ: Mặt bằng ở phía bên phải đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ít nhất khoảng 15 triệu đồng/tháng; phía bên trái, mặt bằng cùng diện tích chỉ tầm 5-6 triệu đồng/tháng, nhưng ít ai thuê.

Giá cho thuê chênh lệch do tuyến đường xảy ra kẹt xe triền miên. Những cửa hàng bên trái tuyến đường luôn rơi vào cảnh ế ẩm vì phần lớn thời gian xảy ra kẹt xe, ô tô nối đuôi chắn ngang cửa.

“Nhiều người đến thuê tầm 3 tháng là dẹp tiệm vì ế khách. Tôi thuê ở đây hơn 30 năm, do làm lâu có mối nên bám trụ được. Ở TPHCM, khu vực này chắc cũng thuộc nhóm đầu về kẹt xe”, ông Tân nói.

Sâu trong hẻm 356 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25 (quận Bình Thạnh), là quán bán bánh ướt của bà Thu (45 tuổi) và chị gái. Trước đây, bà bán bánh ướt cả ngày, nhưng hiện bà chỉ bán vào buổi sáng.

Tiểu thương buôn bán ế ẩm, dẹp tiệm vì kẹt xe ở TPHCM - 3
Dòng phương tiện kẹt cứng trong hẻm 356 Xô Viết Nghệ Tĩnh giờ cao điểm (Ảnh: An Huy).

Người phụ nữ cho biết tầm 16h mỗi ngày, con hẻm rộng gần 3m chật cứng xe. Kẹt xe, bà phải nghỉ bán buổi chiều vì ế. “Hẻm 356 Xô Viết Nghệ Tĩnh thông ra đường D3, Nguyễn Gia Trí. Mỗi khi kẹt xe, người dân hay chạy vào hẻm để tìm lối đi tắt khiến nơi này kẹt cứng”, chủ quán bánh ướt kể.

Bà Nguyễn Thị Lệ (41 tuổi), chủ quán tạp hóa trên đường Ung Văn Khiêm, cũng cho biết, vào giờ cao điểm, hầu như các tuyến đường và hẻm tại khu vực đều ùn tắc. Nguyên nhân là đường nhỏ, xe đông, không thoát nhanh qua khu vực.

“Vào giờ cao điểm, CSGT và lực lượng chức năng phường 25 luôn túc trực ở các giao lộ điều tiết giao thông. Khu vực này có nhiều trường đại học, mỗi năm thu hút hàng nghìn sinh viên đến đây, cho nên tình trạng ùn tắc mỗi năm một tăng”, bà Lệ chia sẻ.

Loạt dự án kỳ vọng xóa ùn tắc

Ngày 25/10, ông Nguyễn Kiên Giang, Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM), cho biết, mặt đường tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh trung bình chỉ rộng 11m, riêng đoạn cầu Rạch Sơn bị thu hẹp còn 9,5m, tạo nút thắt cổ chai. Đặc biệt, đường có nhiều điểm xung đột tại các giao lộ Bạch Đằng, D5, hẻm 549, dẫn đến dòng xe ùn ứ kéo dài.

Dự kiến, tháng 11, Sở GTVT ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào hệ thống điều khiển đèn giao thông ở các nút giao trọng điểm, như: Ngã tư Hàng Xanh, ngã năm Đài Liệt Sĩ. Việc này nhằm tăng khả năng thoát xe tại các nút và điều tiết lưu lượng xe. Về lâu dài, ông Giang cho hay, tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh sẽ được mở rộng theo kế hoạch.

Đồng thời, Sở GTVT cũng đã bổ sung phương án nghiên cứu làm các đường trên cao, trục cửa ngõ, như: Quốc lộ 13, quốc lộ 1, quốc lộ 22, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Đinh Bộ Lĩnh vào quy hoạch chung của TP, giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050.

Theo báo cáo của Sở GTVT TPHCM, quận Bình Thạnh thường xuyên ghi nhận ùn tắc giao thông tại 3 vị trí: Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Bạch Đằng đến Ngã 5 Đài Liệt Sĩ); nút giao thông Hàng Xanh; giao lộ Đinh Bộ Lĩnh. Đây là những điểm được đánh giá có mức độ ùn tắc nghiêm trọng bậc nhất TPHCM.

Trong đó, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ Bạch Đằng đến Ngã 5 Đài Liệt Sĩ) được ghi nhận ùn tắc 615 lần trong 9 tháng; giao lộ Đinh Bộ Lĩnh xếp thứ hai với 588 lần ùn ứ và nút giao thông Hàng Xanh là 161 lần.

Trong khi đó, số lần ùn ứ xe cộ cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 566, 706, 150. Thống kê cho thấy tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh có xu hướng tăng và chưa thể kiểm soát.

Tiểu thương buôn bán ế ẩm, dẹp tiệm vì kẹt xe ở TPHCM - 4
TPHCM dự kiến làm đường trên cao tại khu vực ngã tư Hàng Xanh để giải quyết kẹt xe (Ảnh: Nam Anh).

Trước tình trạng ùn tắc, Sở GTVT đã đề xuất UBND TPHCM đưa hai dự án mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh vào danh mục các dự án giao thông vận tải trọng điểm cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024-2030.

Trong đó, dự án mở rộng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đoạn từ nút giao Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu) dài 2km sẽ được mở rộng từ 16-22m lên 30-40m, với tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật khoảng 4.500 tỷ đồng.

Dự án này cũng bao gồm xây dựng nút giao Đài Liệt Sĩ với phương án đảo xoay vòng kết hợp hầm chui, giúp cải thiện lưu thông tại khu vực.

Dự án mở rộng đường Đinh Bộ Lĩnh (đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến cầu Bình Triệu) dài 2km sẽ được mở rộng từ 21m lên 25m với tổng vốn đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng. Dự án bao gồm: Xây dựng mới cầu Bình Triệu với 6 làn xe, mỗi đơn nguyên cầu rộng 11,5m và dài 560m. Chi phí giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật dự kiến khoảng 1.400 tỷ đồng.

Đại diện Sở GTVT cho biết, nếu được UBND TPHCM chấp thuận, hai dự án này sẽ được khởi động các bước chuẩn bị đầu tư vào giai đoạn 2024-2025, dự kiến hoàn thành trước năm 2030.

Tiểu thương buôn bán ế ẩm, dẹp tiệm vì kẹt xe ở TPHCM - 5
Xe chạy cắt ngang đường từ hẻm 451 Xô Viết Nghệ Tĩnh sang đường D5 là một trong những nguyên nhân gây gián đoạn giao thông (Ảnh: An Huy).

Bên cạnh đó, Sở GTVT và Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM đã thống nhất bổ sung quy hoạch đường trên cao cho hai tuyến Đinh Bộ Lĩnh (từ nút giao Phạm Văn Đồng đến Điện Biên Phủ) và Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu 1).

Theo Sở GTVT, việc mở rộng đường theo quy hoạch có thể không giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này, do đây là trục giao thông huyết mạch của cửa ngõ Đông Bắc và kết nối trực tiếp với quốc lộ 13.

Việc xây dựng đường trên cao sẽ giúp giảm tải cho hai tuyến đường hiện hữu, đồng thời hình thành trục giao thông xuyên suốt từ quốc lộ 13 tới đại lộ Điện Biên Phủ, góp phần tăng hiệu quả đầu tư và kết nối giao thông liên vùng.

Ngoài ra, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất xây dựng đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu) dài gần 4km, nhằm tạo tuyến đường mới giảm tải áp lực giao thông tại các tuyến đường trên.

Dự án chia làm 2 đoạn, trong đó đoạn từ cầu Ba Son (quận 1) đến ranh Tân Cảng (quận Bình Thạnh) dài gần 1,95km sẽ được đầu tư mở rộng 31-35m. Đoạn từ cầu Sài Gòn đến Thanh Đa dài 1,98km dự kiến được mở rộng 20-50m. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 3.380 tỷ đồng, với thời gian triển khai giai đoạn 2024-2030.

Tiểu thương buôn bán ế ẩm, dẹp tiệm vì kẹt xe ở TPHCM - 6
Khu vực ngã tư Hàng Xanh xảy ra kẹt xe nghiêm trọng trong thời gian vừa qua (Đồ họa: An Huy).

Nguồn: dantri.com.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Tiểu thương buôn bán ế ẩm, dẹp tiệm vì kẹt xe ở TPHCMtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *