Sau phẩn thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa đối với các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát, sẽ đến lượt các thành viên khác thuộc HĐXX, VKSND TP HCM (giữ quyền công tố và kiểm sát phiên xử), luật sư tham gia.
Trong 4 ngày diễn ra phiên xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát (tính từ ngày 5-3), TAND TP HCM đã thẩm vấn 77/86 bị cáo có mặt tại phiên xét xử (5 bị cáo đang bị truy nã, 2 bị cáo xin vắng mặt).
Như vậy, chỉ còn 2 bị cáo chưa được thẩm vấn là Trương Mỹ Lan (SN 1956) và bị cáo Nguyễn Cao Trí (SN 1970; Chủ tịch HĐQT Công ty Capella).
Hôm nay, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản thẩm vấn các bị cáo này, sau đó sẽ đến lượt các thành viên khác thuộc HĐXX, VKSND TP HCM (giữ quyền công tố và kiểm sát phiên xử), luật sư tham gia
77 bị cáo đã bị thẩm vấn gồm các cựu lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng SCB qua các thời kỳ, cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ, cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước và các cựu lãnh đạo, nhân viên các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Các bị cáo này đều thừa nhận hành vi giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô số tiền hơn 304.000 tỉ đồng của Ngân hàng SCB như cáo trạng truy tố.
Trong đó, một số cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB khai khi nhận thấy các sai phạm tồn tại ở ngân hàng, họ phải làm đơn xin nghỉ việc nhiều lần trong thời gian dài mới được chấp nhận.
Điển hình, bị cáo Nguyễn Huỳnh Lan Chi (cựu trưởng Phòng tái thẩm định Ngân hàng SCB) khai khi theo dõi và nhận thấy dư nợ của Ngân hàng SCB tăng liên tục, bị cáo nhận thức được cần xem xét lại các hồ sơ vay. Không được đồng thuận nên từ năm 2017, bị cáo đã 2 lần làm đơn xin nghỉ việc. Từ tháng 2-2018, bị cáo đã kiên quyết không ký bất kỳ giấy tờ gì. Đến tháng 8-2018, bị cáo được xem xét cho nghỉ việc.
Bị cáo Võ Triệu Lân (SN 1968; cựu giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Chợ Lớn) khai trên tinh thần cùng tập thể tham gia tái cơ cấu Ngân hàng SCB, bị cáo nỗ lực cống hiến. Tuy nhiên, khi nhận thấy các khoản vay trình bị cáo ký chỉ là hợp thức hồ sơ giải ngân để người vay sử dụng trái phương án vay vốn, từ năm 2015, bị cáo này đã không đồng ý ký bất kỳ giấy tờ gì. Nhưng đến tháng 10-2023, bị cáo mới được thôi việc.
Tuy nhiên, theo kết luận của cơ quan chức năng, những lần ký hợp thức hoá hồ sơ (tính từ 17-7-2013 đến 29-10-2015) bị cáo Lân đã ký 35 tờ trình tái thẩm định đồng ý cho 18 khách hàng là các cá nhân Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 35 khoản tại Ngân hàng SCB. Đến khi bị khởi tố, các khoản vay này có tổng dư nợ lên tới 12.700 tỉ đồng.
Một số người được bị cáo Trương Mỹ Lan thưởng lễ, Tết từ vài tỉ đến hơn 20 tỉ đồng khai chỉ nghĩ “làm tốt nên được chủ thưởng”.
Đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí, trước đó, chủ tọa phiên xử đã chấp nhận đề nghị của bị cáo Nguyễn Cao Trí và luật sư về việc cho bị cáo này vắng mặt tại các phiên toà không liên quan đến nội dung của bị cáo này.
Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, bị cáo Nguyễn Cao Trí đã thỏa thuận và nhiều lần nhận số tiền hơn 1.000 tỉ đồng của bà Trương Mỹ Lan cho 3 mục đích: Chuyển nhượng 31,22% vốn điều lệ Công ty Cổ phần cao su công nghiệp do bị cáo Trí sở hữu; Chuyển nhượng vốn điều lệ Công ty Cổ phần Sài Gòn Đại Ninh; Đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Bà Trương Mỹ Lan nhờ Hồ Quốc Minh đứng tên hộ các cổ phần này, trị giá hơn 1.000 tỉ đồng. Khi biết bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ngày 7-10-2022, bị cáo Trí đã chỉ đạo Bùi Anh Tuấn soạn thảo các văn bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp; điều chỉnh giá và thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang.
Ngày 23-10-2022, Nguyễn Cao Trí hẹn gặp Hồ Quốc Minh tại quán cà phê trong Sân bay Tân Sơn Nhất yêu cầu Minh ký hồ sơ thanh lý hợp đồng nêu trên nhằm chiếm đoạt số tiền 1.000 tỉ đồng. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra từ ngày 26-12-2022 đến ngày 15-1-2023, bị cáo Nguyễn Cao Trí không thừa nhận đã nhận 1.000 tỉ đồng của bà Trương Mỹ Lan. Người này cũng khai việc gặp Hồ Quốc Minh là tình cờ, không giao giấy tờ, tài liệu cho Minh ký.
Sau đó, mặc dù đã có Bản kết luận giám định số 20/KL-KTHS ngày 6-1-2023 của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xác định chữ viết của Nguyễn Cao Trí trong các tài liệu do Trí lập để theo dõi, xác nhận số tiền đã nhận của Trương Mỹ Lan do Cơ quan điều tra thu giữ nhưng bị cáo Nguyễn Cao Trí vẫn không thừa nhận việc đã nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Trí cho rằng bà Lan vu khống, bôi nhọ danh dự của bị cáo. Tuy nhiên, quá trình truy tố, bị cáo Trí đã thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo. Tính đến trước khi phiên xét xử diễn ra, bị cáo và gia đình đã nộp hơn 657 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Vợ chồng Trương Mỹ Lan – Chu Lập Cơ muốn nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án
Trong ngày 7-3, HĐXX lần lượt nhận được đơn của vợ chồng bị cáo Trương Mỹ Lan – Chu Lập Cơ về việc đề nghị uỷ quyền cho con gái Chu Duyệt Phấn và cháu trai thu hồi các khoản nợ bên ngoài để thu hồi tài sản, nộp khắc phục hậu quả vụ án.
Chủ tọa phiên tòa cho biết quan điểm của HĐXX là khuyến khích các bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án. Do đó, nguyện vọng trong đơn được chấp nhận. Đồng thời, HĐXX cho biết nếu các bị cáo cần, HĐXX sẽ tạo điều kiện giúp đỡ thu hồi nợ khi các bị cáo cung cấp đầy đủ danh sách, địa chỉ… người vay nợ.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Nguồn gốc, ý nghĩa
- Giám đốc điều hành TikTok trước lệnh cấm của Mỹ: ‘Chúng tôi sẽ không đi đâu cả’
- Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 9/4
- Vàng nhẫn giao dịch sát 77 triệu đồng/lượng, vàng miếng tiến tới gần 92,5 triệu đồng/lượng
- Vì sao Pharmacity càng mở cửa hàng càng lỗ, còn Long Châu thì ngược lại?