Với giá dầu liên tục giảm và đang ở mức thấp nhất trong 6 tháng qua, trước cả khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra vào cuối tháng 2/2022, Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay…
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh doanh thường niên 2022 với chủ đề “Tái tạo tăng trưởng” do Forbes Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng Việt Nam sẽ kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2022 theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra từ đầu năm, ngay cả chiến sự giữa Nga và Ukraine có căng thẳng hơn.
KIỂM SOÁT LẠM PHÁT ĐẠT MỤC TIÊU DƯỚI 4%
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, áp lực lạm phát với Việt Nam hiện nay là do chi phí đẩy, chủ yếu là giá năng lượng. Do đó, nếu giá dầu thế giới không vượt 120 USD/thùng, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2022 dưới 4%.
Tuy nhiên, nếu giá dầu vượt 120 USD thì việc kiểm soát lạm phát sẽ là thách thức với Việt Nam. Khi ấy, hy vọng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng không còn, khả năng lạm phát có thể trên 4% khiến cơ quan quản lý phải dùng đến những biện pháp hạ nhiệt như giảm thuế, phí…
Phân tích về giá dầu, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng khả năng giá dầu tăng mạnh trở lại cũng không cao. “OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh) không tăng cung nhưng nhìn vào lượng dầu dự trữ, kinh tế toàn cầu suy giảm thì áp lực tăng giá dầu từ nay đến cuối năm cũng mờ nhạt”, ông Thành nói.
Trong thời gian gần đây, giá dầu thô liên tục giảm. Sáng ngày 5/8/2022, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, trước cả khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra vào cuối tháng 2/2022.
Với giá dầu ở mức 100 USD/thùng như hiện nay thì giá xăng tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn sẽ có nhiều dư địa để giảm. Theo đó, bức tranh lạm phát của Việt Nam những tháng cuối năm cũng sẽ rất khả quan.
Điểm qua xu hướng áp lực lạm phát toàn cầu, chuyên gia Fulbright chia thành 4 vùng: đỏ, nâu, vàng, xanh, trong đó vùng đỏ có mức lạm phát từ 8,6% – 9,6% gồm Mỹ và châu Âu; màu nâu từ 7% – 7,7% gồm Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ; màu vàng từ 5,6% – 6,1% gồm Hàn Quốc, Singapore và Philippines và màu xanh từ 2,4% – 4,4%. Việt Nam được xếp vào “vùng xanh” cùng với một số nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan và Indonesia.
Mặc dù vậy, theo ông Thành, việc ứng phó với lạm phát nửa cuối năm cũng cần thận trọng. Theo thống kê, CPI tháng 7 của Việt Nam tăng 0,4% so với tháng trước đó nhờ xăng dầu bán lẻ trong nước giảm khi giá dầu thô đi xuống và thuế phí được cắt giảm. Trong những tháng cuối năm, CPI sẽ tăng mạnh khi ảnh hưởng của giá dầu không còn nhiều và các mặt hàng lương thực thực phẩm tăng theo độ trễ của xăng dầu. Dự báo mức tăng sẽ dao động từ 0,4-0,7% so với tháng trước và lúc đó lạm phát Việt Nam sẽ đạt đỉnh, thậm chí CPI tháng 11 và 12 có thể tăng tới 7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Việt Nam có cách tính lạm phát bình quân khác với các nước, không phải lấy tháng này so với tháng trước. “Mức lạm phát 12 tháng của Việt Nam được chia đều nên ngay cả khi lạm phát cuối năm tăng mỗi tháng 0,7% thì lạm phát bình quân của Việt Nam vẫn ở mức 3,8%, tức vẫn dưới 4% theo chỉ tiêu cứng Quốc hội đề ra từ đầu năm”, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
KIÊN ĐỊNH VỚI “ROOM” TÍN DỤNG
Lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới khi chỉ ở mức 3,1% sau 7 tháng đầu năm. Việc Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng “màu xanh” đã minh chứng cho điều này. Chính vì vậy, Việt Nam chưa phải thắt chặt chính sách tiền tệ như nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành lưu ý bối cảnh toàn cầu trong hai năm tới 2023-2024 sẽ không khả quan khi lịch sử cho thấy các giai đoạn Mỹ và Châu Âu thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ dẫn đến khả năng suy thoái kinh tế thế giới. Nếu viễn cảnh này trở thành sự thật, kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động nên nhà điều hành phải chuẩn bị dư địa chính sách để bảo vệ tăng trưởng trong nước.
“Chúng ta luôn lo lắng sự bất ổn vĩ mô có lặp lại như hơn 10 năm trước hay không. Giai đoạn đó, chúng ta đã rút ra bài học về độ trễ của lạm phát và tăng trưởng tín dụng. Lạm phát sẽ không kiểm soát được sau khi tín dụng tăng quá mức”.
Ông Nguyễn Xuân Thành.
Tính đến ngày 20/07, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,27% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 là 6,47%. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Và mức tăng trưởng tín dụng của nhiều nhà băng đã gần chạm hạn mức được cấp.
Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022, “room” tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ còn gần 500.000 tỷ đồng trong khi trong nửa đầu năm con số này đã đạt gần 1 triệu tỷ đồng.
Với chính sách điều hành thận trọng, Ngân hàng Nhà nước hiện tại vẫn kiên định với “room” tín dụng đã đặt ra từ đầu năm là 14%, điều này là cần thiết. Tuy nhiên, trong thông điệp được các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 là sẽ nới room tín dụng cho một số ngân hàng nếu được đánh giá là cần thiết.
Do đó, theo ông Thành, tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 có thể sẽ cao hơn mục tiêu ban đầu là 14% nhưng cũng không vượt quá 15% để kiểm soát lạm phát. Điều này không chỉ giúp kiểm soát lạm phát trong năm nay mà cho các năm tiếp theo.
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Chứng khoán Mỹ xanh rực sau báo cáo việc làm, giá dầu có tuần tăng mạnh nhất gần 2 năm
- Giá vàng rớt mạnh, USD ngân hàng lên cao nhất nửa năm
- Những mốc thời gian quan trọng người dân cần nhớ khi sang tên Sổ đỏ, ai không biết cẩn thận bị phạt tiền
- Tử vi tổng quan tuổi Thân năm Giáp Thìn 2024: Tam hợp nâng đỡ, cát tinh soi rọi, giàu sang viên mãn
- Hướng dẫn 5 cách tải nhạc về máy tính, laptop đơn giản nhất 2021