Gần 1,1 triệu người di dân khỏi đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn từ năm 2009 – 2019, tương đương dân số của một tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 công bố con số gây “sốc”: gần 1,1 triệu người di dân khỏi ĐBSCL trong giai đoạn từ năm 2009 – 2019, tương đương dân số của một tỉnh Tây Nam Bộ.
Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến cảnh nhiều người dân trở về quê hương. Lúc đó, nhiều chuyên gia đã đề xuất các tỉnh cần tính toán để “tranh thủ” giữ lại nguồn nhân lực cho mình.
Vậy nhưng, khi đại dịch đã dần lùi xa, nhịp sống trở lại bình thường, người dân lại tiếp tục khăn gói dắt díu nhau lên miền Đông Nam Bộ như các thập niên trước đó.
Làng quê chỉ còn người già và trẻ em
Những ngày đầu tháng 5 nắng nóng rát mặt, mặn đã xâm nhập sâu các tỉnh duyên hải miền Tây. Gió chướng thổi mạnh đưa theo hơi nóng khiến những vườn hoa màu trở nên xác xơ, khô khốc và cảnh “xóm toàn người già và trẻ em” càng làm cho làng quê miền Tây thêm buồn.
Buồn hơn khi nhiều xóm làng đã xuất hiện thêm nhà cửa khang trang nhưng im lìm khóa cửa.
“Đi” hết rồi, chỉ lễ Tết mới có người
Ba năm trước cũng vào những ngày hạn mặn, chúng tôi đã từng về khóm Vĩnh Bình, phường 2, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cảnh tượng “xóm toàn người già và trẻ em” đã có. Nay cảnh tượng ấy vẫn không khác nhiều.
Đang giờ học, con đường bên hông chùa Sala Phô Thi đi vào khóm thi thoảng chỉ có vài đứa bé đen nhẻm chưa tới tuổi đi học, đầu trần, chân đất, nhìn người lạ như dò xét.
Nhiều ngôi nhà đã được xây mới hơn trước, nhưng không gian yên lắng của làng quê vẫn như cũ khi rất nhiều ngôi nhà khóa cửa im lìm.
“Họ về xây nhà, đóng cửa gửi cho bà con, hàng xóm rồi đi lên Bình Dương, Sài Gòn làm lại rồi” – bà Thạch Him, chủ quán nước kiêm tiệm tạp hóa đầu đường, nói ngay khi thấy chúng tôi đến hỏi thăm. Bản thân bà Him cũng từng rất nhiều năm lên TP.HCM làm việc, lâu nhất là nghề giúp việc nhà, rồi mới trở về đây. Con bà Him giờ cũng đã đi làm trong xưởng gỗ ở Bình Dương.
Ba năm trước, chúng tôi đã gặp gỡ nhiều người già ở xóm này. Con cái đi làm ăn xa, những người già trở thành vú nuôi đàn cháu ngay trong ngôi nhà mà con cái họ chắt chiu tiền gửi về xây.
Nay vài người đã mất, mấy đứa trẻ mười ba, mười bốn tuổi khi ấy giờ cũng đã theo cha mẹ lên Đồng Nai, Bình Dương. “Nhà xây lên cho to vậy rồi đóng cửa đi suốt chứ có ai mà ở. Mỗi năm chỉ có mùa Tết Nguyên đán với Tết Chol Chnam Thmay là họ về mở cửa, đông vui lại”, bà Him nói.
Ông Thạch Ngọc Quang – nguyên trưởng ấp khóm Vĩnh Bình, phường 2, thị xã Vĩnh Châu – cho biết toàn ấp có 536 hộ dân thì hiện có 54 hộ dân đi làm ăn xa cả nhà, chỉ Tết mới về. Còn tính về người, có hơn 10% người dân trong tổng số hơn 2.600 người của ấp đi Bình Dương, Đồng Nai làm ăn.
“Nếu tính theo số người lao động chính thì tỉ lệ người đi còn cao hơn nữa. Nông thôn bây giờ làm ăn khó khăn, chỉ có đi làm gỗ, may mặc, làm trong vườn chuối ở Bình Dương, Đồng Nai thì mới có tiền” – ông Quang nói.
Khu vực ấp Lai Hòa A, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng toàn là phụ nữ, trẻ em và người già ngồi tránh nắng trong các hiên nhà, rảnh rỗi nên tụ tập lại nhà bà Diệu Thị Khol Da.
Bà Da được cấp một căn nhà tình thương từ nhiều năm trước và căn nhà này cũng từng được bà đóng cửa trong nhiều năm liền khi cùng những người trong xóm lên làm việc cho một trang trại trồng chuối ở Bình Phước.
Dịch COVID-19 bị kẹt lại, người phụ nữ 62 tuổi này sau khi được giãn cách đã quyết định về lại quê ở hẳn. Nhưng gia đình người em gái bà Da có bốn người đang tuổi lao động thì quyết định tiếp tục ở lại vườn chuối để kiếm tiền.
Sau nhiều năm tích cóp, chỉ mới đầu tháng 3 vừa qua, gia đình người em mới xây được một căn nhà cấp 4 khá khang trang với chi phí hơn 300 triệu đồng và giao luôn cho bà Da trông coi để họ về nghỉ ngơi, vui chơi, cúng quải mỗi dịp lễ Tết.
“Mình cũng già rồi, về ở với đứa cháu còn nhỏ tuổi. Gia đình người em làm trên vườn chuối dành dụm được xây cái nhà vậy đó”, bà Da nói khi dẫn chúng tôi tham quan căn nhà mới xây nhưng thường xuyên khóa cửa.
Thực trạng hiện nay con em nông dân đi làm ăn xa ngoài tỉnh rất nhiều. Chúng ta đang thay đổi cơ cấu kinh tế hướng đến nông dân ly nông chứ không ly hương.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nông dân không những ly nông mà còn ly hương. Đất đai, ruộng vườn, đầm tôm bỏ hoang không được đầu tư kinh doanh sản xuất tạo ra giá trị. Người dân có đất mà vẫn đi nơi khác làm thuê, làm công, rất đau lòng.
Ông Nguyễn Tiến Hải (bí thư Tỉnh ủy Cà Mau)
Việc đi làm ăn xa của người dân ở đây là xu hướng tất yếu hơn cả chục năm qua, khi người dân đa số chỉ quen với việc trồng hoa màu chứ không có một nghề chuyên biệt. Mấy đợt kinh tế xuống, các tỉnh miền Đông cũng thiếu việc làm, họ lại trở về.
Khi nghe ai đó trong khóm nói có việc thì lại kéo nhau đi. Thành ra người dân thường đi làm ăn xa theo từng cụm. Thấy họ đi làm ăn xa mà tích cóp, xây nhà cửa khang trang như vậy thì chứng tỏ họ rất gắn bó với quê hương và không có ý định lập nghiệp ở xứ người đâu.
Ông Hồ Thanh Hùng (nguyên chủ tịch UBND xã Lai Hòa, hiện là chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng)
Đến vụ mùa cũng không có người
Lai Hòa là xã của Sóc Trăng giáp tỉnh Bạc Liêu, kinh tế mấy năm vừa qua cũng khá ổn định khi chuyển mô hình từ trồng lúa sang nuôi tôm.
“Sau dịch, có khoảng 5.000 người của xã làm ăn xa trở về. Một vài người theo học nuôi tôm, nhưng họ chủ yếu nuôi nhỏ lẻ nên cũng không mấy khấm khá.
Gặp khi khó khăn, họ lại treo ao đi lên các tỉnh miền Đông kiếm việc làm tiếp, vì vậy cả xã giờ có 3.600ha tôm nhưng chủ yếu là các chủ ở nơi khác, kéo theo anh em, thợ riêng của họ về làm. Còn người dân ở xã lại đi làm xa”, ông Hồ Thanh Hùng – nguyên chủ tịch UBND xã Lai Hòa (hiện là chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu) – thông tin.
Cũng như Sóc Trăng, tình hình người lao động ở Cà Mau phải rời quê đi làm ăn xa tương tự khi ngành chức năng tỉnh này cho biết hiện tỉnh có khoảng 200.000 lao động phải xa quê làm ăn tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Trong số này có nhiều người không có đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định tại địa phương.
Chúng tôi đến xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời – nơi đa số người dân có đất sản xuất nhưng tình trạng vắng bóng lao động, muốn thuê mướn người làm trong mùa vụ cũng không có.
Đi dọc con lộ bê tông bị sụp lún, sạt lở ở ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải sẽ không khó bắt gặp những căn nhà đóng cửa, vắng bóng người. Hỏi thăm từ những nhà lân cận thì được biết do làm ăn không hiệu quả, con cái lớn nhưng lại không được học nhiều nên cả nhà cùng kéo nhau lên các tỉnh vùng trên để lao động kiếm sống.
“Tụi nhỏ mới lớn lên đâu chịu nổi cái cảnh sống ở quê kiếm được vài triệu đồng sau mỗi mùa gặt. Vậy nên tụi nó kéo nhau đi làm ăn xa để có tiền và cũng để có cơ hội gặp bạn bè để dựng vợ gả chồng.
Người lớn tuổi trong nhà cũng đi theo tụi nhỏ để lên đó làm bảo vệ, hoặc giữ cháu để cho tụi nhỏ đi làm. Bởi vậy xóm này giờ vắng lắm, không có nhiều người trẻ đâu” – ông Lý Minh Tiến, xã Khánh Hải, nói.
Ở lại với đồng ruộng, nghèo vẫn hoàn nghèo
Chúng tôi trở lại nhà anh Phan Văn Tạc, ở bên kênh Bà Môn sâu trong ấp 7 An Điền Lớn, xã An Hiệp, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) và ngạc nhiên khi thấy gian nhà gỗ trước kia chỉ còn là một khoảnh sân trống để phơi rơm.
Chúng tôi biết gia đình anh Tạc vào mùa hạn mặn nứt nẻ năm 2016, khi báo Tuổi Trẻ có chương trình tặng bồn chứa nước cho bà con vùng này. Người dân đến nay vẫn còn dùng nước mưa, cái nhà tạm của vợ chồng anh Tạc ngoài bồn nước do báo Tuổi Trẻ tặng khi đó còn thêm nhiều bồn xi măng để trữ nước.
Anh Tạc tuy vẫn còn dáng dấp khỏe mạnh của một nông dân nhưng trông có vẻ già đi nhiều so với tuổi 51. Anh nói: “Kèo cột mục nát hết, tui phải nhờ hàng xóm đến dỡ nhà, lựa lại mấy trụ bạch đàn còn dùng được làm lại một ngôi nhà tạm phía sau để ở”.
Vợ chồng anh Tạc có hai con một gái một trai, vốn nổi tiếng giỏi mần ruộng trong vùng. “Hồi xưa làm ba vụ, tui mần dữ lắm. Ngoài gần 4 sào ruộng của gia đình, còn mướn thêm hơn 4ha để mần nhưng bị hạn mặn năm 2016 mất trắng hết”, chị Lê Thị Tuyết Phượng (vợ anh Tạc) nhắc lại.
Bao năm vợ chồng mần ruộng, anh Tạc có thêm nghề bắt cá đồng, đủ để vợ chồng nuôi con ăn học. Nhưng chỉ một mùa 2016 thì sạch tiền khi hơn 4ha ruộng thuê đất và mướn công, mua giống, bón phân không có nổi một bông lúa.
Tiếp đó, chị Phượng lại liên tục phải đi mổ thoát vị đĩa đệm – di chứng của những năm tháng mần ruộng sớm hôm không biết mỏi mệt. Bệnh ập đến, con lại đến tuổi học xong phổ thông, phải vay tiền. Hai vợ chồng quần quật từ sáng đến tối với mấy sào ruộng, con cá đồng dưới kênh mà cứ lần lún trong nợ nần, cái nghèo chồng chất.
Cũng may, họ được vay tiền chính sách nên lãi nhẹ, cuộc sống bây giờ đã dần thoáng hơn khi hai người con đã có việc ổn định ở TP.HCM nên không phải dắt díu bỏ quê mà đi như nhiều trường hợp khác xung quanh.
“Ấp này giờ kiếm thanh niên không có đâu. Mấy hôm rồi xã vét lại kênh, dọn đất để xây cái cầu mới bắc qua kênh Bà Môn, toàn mấy ông già trong xóm ra làm. Ruộng dưới này đâu có đủ việc cho tụi trẻ ở lại”, anh Tạc kể.
Giữa trưa nắng tháng 5 như đổ lửa, chúng tôi đến khu tái định cư Vàm Lung Ranh (xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) thì cũng chứng kiến cảnh thưa vắng người. Nơi đây ban đầu có gần 80 nóc nhà nhưng hiện tại chỉ khoảng 50 nhà có người ở.
Chị Danh Hồng Quý, một người dân ở đây, cho biết đã vào khu tái định cư Vàm Lung Ranh gần chục năm. Vào đây có nơi ở ổn định nhưng cuộc sống không khá hơn là mấy.
“Chồng đi biển khoảng 20 ngày về một lần, còn tôi thì ở nhà trông con. Ngoài việc cơm nước, đưa đón con đi học thì chẳng có việc gì khác để làm.
Vì vậy, một người làm nuôi ba miệng ăn nên gia đình rất khổ. Nhiều người ở đây cũng lâm vào cảnh như tôi nên họ kéo nhau đi Bình Dương để làm kiếm tiền ra tiền vô”, chị Quý nói.
Có học nghề cũng không có việc
Nhiều người dân ở khu tái định cư Vàm Lung Ranh (xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết những người được cấp 300m2 đất cất nhà trong khu tái định cư này đều không có đất sản xuất, sống bằng nghề biển ven bờ. Ban đầu ngành chức năng mở các lớp đào tạo nghề cho các phụ nữ tại đây. Tuy nhiên, khi học xong thì thất nghiệp.
“Ban đầu mở hai lớp đan giỏ và may mặc. Tuy nhiên, khi dạy xong thì cả hai lớp này đều không đi về đâu. Vì nghề may chỉ đào tạo 3 tháng nên một số người chưa lành nghề, hiện đa số người dân mua đồ may sẵn chứ ít ai thuê may.
Còn nghề đan giỏ thì học xong cũng thất nghiệp vì không có ai thuê đan, đan sẵn bán không được nên nhiều người trong xóm đã bỏ lên miền Đông tìm việc rồi”, một người dân ở khu tái định cư Vàm Lung Ranh cho hay.
Nguồn: https://tuoitre.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Liệu cổ phiếu công nghệ và tiền điện tử có khởi sắc mạnh mẽ như hai năm trước?
- Thành phố Tân Uyên điểm đến cho các doanh nghiệp
- Tháo gỡ khó khăn thị trường BĐS: Tăng thu ngân sách, hỗ trợ phục hồi kinh tế
- Gỡ khó địa ốc: Bất động sản là tâm điểm, chứng khoán vững trên ngưỡng tỷ USD
- Lãi suất huy động sẽ về 7%/năm, lãi suất cho vay chỉ còn quanh 10%/năm?