Đã có hơn 55.000 cửa hàng rời sàn thương mại điện tử trong nửa đầu năm 2025; nếu so với cùng kỳ 2024 thì con số lên đến hơn 80.000 shop.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam nửa đầu năm 2025 chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng, nhưng đi kèm là số lượng nhà bán hàng lặng lẽ rời sàn cũng tăng cao chưa từng thấy.
Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến nửa đầu năm 2025 của Metric (nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn) cho thấy có đến hơn 55.000 shop không phát sinh đơn hàng trong nửa đầu năm nay. Nếu so với cùng kỳ 2024 đã có hơn 80.000 shop rời các sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, theo bà Nho Đinh, Giám đốc điều hành tại Metric, sự sụt giảm này không đồng nghĩa với việc kinh doanh đang kém hấp dẫn trên sàn mà phản ánh quá trình thanh lọc tự nhiên của thị trường.

Người Việt đã chi hơn 202.000 tỷ đồng mua sắm qua 4 sàn thương mại điện tử trong 6 tháng. (Nguồn: Metric)
“Khi tiếp xúc và trò chuyện với nhiều doanh nghiệp, những nhà bán hàng không đủ năng lực vận hành, thiếu chiến lược về sản phẩm và giá sẽ khó trụ lại. Trong khi đó, các nhà bán hàng có quy mô lớn, vốn mạnh và hiểu dữ liệu lại tận dụng tốt hơn giai đoạn này để tăng trưởng”, bà Nho Đinh cho biết.
Đây cũng là nhận định của nhiều doanh nghiệp lớn gần đây. Ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập cà phê Meet&More cho biết ngoài việc phải “đối phó” với quá nhiều hàng gian hàng giả, các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn còn chịu rất nhiều các loại phí, thuế, các chương trình khuyến mãi chung từ sàn.
Doanh nghiệp nào muốn kinh doanh bền vững cũng phải đa kênh, bằng cách bán trên sàn, xây kênh riêng và quan trọng vẫn là kênh bán hàng truyền thống.
Xu hướng rời sàn cũng tăng mạnh với việc ngành chức năng đang đẩy mạnh “quét” hàng gian hàng giả trên sàn thương mại điện tử. TP.HCM đã triển khai chương trình “tick xanh trách nhiệm” cho cả sàn thương mại điện tử, nhà bán hàng, các KOL/KOC và nhà sản xuất. Những nhà bán hàng không đảm bảo chất lượng sẽ bị sàn gỡ sản phẩm và công bố công khai.
Hiện trên sàn thương mại điện tử lớn là Shopee, Lazada, Tiki, Tik Tok Shop, chỉ còn 537.900 nhà bán hàng. Tuy nhiên, doanh thu lại tăng trưởng rất cao. Người tiêu dùng Việt Nam đã chi tổng cộng 202.300 tỷ đồng để mua sắm trên 4 sàn này chỉ nửa năm, tăng mạnh 41,52% so với cùng kỳ năm 2024.
Cùng với sự tăng trưởng về doanh thu, sản lượng hàng hóa tiêu thụ cũng tăng gần 26%, đạt khoảng 1.924 triệu sản phẩm.
2 sàn tiếp tục tăng trưởng mạnh và dẫn đầu thị trường là TikTok Shop và Shopee. Trong đó, TikTok Shop có mức tăng trưởng doanh số ấn tượng, tăng tới 69% so với cùng kỳ, nhờ kết hợp giải trí và mua sắm để thu hút người dùng trẻ.
Shopee dù giữ vững vị thế số 1 về thị phần với mức tăng trưởng doanh số 16% nhưng sàn này đã thể hiện áp lực cạnh tranh từ TikTok Shop, đặc biệt ở nhóm sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, đồ ăn vặt…
Metric dự báo trong quý III, doanh số sẽ tiếp tục tăng khoảng 21%, đạt khoảng 122,8 nghìn tỷ đồng với khoảng 1.236 triệu sản phẩm bán ra. Đà tăng này đến từ các chương trình khuyến mãi lớn mùa hè và các mua sắm mùa tựu trường. Nhóm hàng văn phòng phẩm, thời trang, sản phẩm làm đẹp tiếp tục là nhóm được mua nhiều nhất trên sàn thương mại điện tử.
Nguồn: vtcnews.vn
- Giá xăng dầu hôm nay 14/6: Căng thẳng Trung Đông đẩy giá dầu tăng mạnh
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Một tổ chức quốc tế tấn công hệ thống chứng khoán VNDirect, công an vào cuộc
- Sửa Luật Đất đai: Chủ đầu tư có phải tự thỏa thuận với dân khi thu hồi đất làm dự án?
- Lãi suất cho vay tại VietinBank chỉ từ 5,0%/năm
- Uống 3 lon bia, tài xế ở TPHCM bỏ xe khi biết bị CSGT phạt 7 triệu đồng
- Công nhân mất tiền khi xin việc ‘bao đậu’