Lãnh đạo Chính phủ đồng ý vay 2,53 tỷ USD từ 6 đối tác nước ngoài cho 16 dự án phát triển bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ trương được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại buổi làm việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiều 8/7.
Theo lãnh đạo Chính phủ, Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng, linh hoạt hơn trong việc vay vốn ODA khi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao.
16 dự án này đã được hai bộ Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng 13 tỉnh, thành miền Tây thống nhất đề xuất. Trong đó, vốn vay nước ngoài hơn 2,8 tỷ USD (tương đương 66.282 tỷ đồng), vốn đối ứng hơn 28.000 tỷ đồng.
Một số dự án có mức đầu tư lớn như: hệ thống đường ven biển dài 415 km đi qua 7 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, với tổng mức đầu tư gần 43.000 tỷ đồng.
Hoàn thiện đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) vốn hơn 4.150 tỷ đồng (Vĩnh Long); nâng cấp mở rộng quốc lộ 61C dài hơn 37 km (3.888 tỷ đồng, Hậu Giang); hạ tầng đường bộ khu vực nam sông Tiền (4.260 tỷ đồng, Đồng Tháp); xây hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (hơn 2.660 tỷ đồng, An Giang).
Dự án Phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu tại TP Cần Thơ với tổng mức đầu tư gần 9.800 tỷ đồng, gồm các hợp phần: mở rộng 10,2 km quốc lộ 61C (đoạn qua địa bàn), đường kết nối Ô Môn – Thới Lai – Giồng Riềng dài 22,5 km, xây cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối Cần Thơ với Đồng Tháp; Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 53 (46 km), quốc lộ 62 (77 km) và đường Nam sông Hậu (142 km) tổng kinh phí gần 7.160 tỷ đồng…
Các dự án sẽ được áp dụng cơ chế cấp phát 90% và cho vay lại 10% đối với dự án của địa phương. 6 đối tác nước ngoài cho vay ODA gồm: Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Tái thiết Ðức, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới.
Theo Thủ tướng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò chiến lược. Việc phát triển hạ tầng giao thông đối với vùng có ý nghĩa rất quan trọng khi tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các điểm nghẽn của vùng.
Do đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan cùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tập trung tháo gỡ các khó khăn về mặt bằng, nguồn vật liệu thi công cao tốc… để các dự án hoàn thành kịp tiến độ đề ra.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 171 km cao tốc theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe). 8 dự án đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km (tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng). Đến năm 2026, miền Tây sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án giao thông tại khu vực này đang gặp một số khó khăn như: giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường, công tác quản lý dự án, năng lực của nhà thầu, tư vấn, thủ tục giải ngân, điều kiện thi công phức tạp…
Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn đầu tư công tại khu vực còn nhiều hạn chế, trong đó có vốn ODA, nhất là công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Từ đó làm giảm hiệu quả của đầu tư công và vốn ODA.
Nguồn: https://vnexpress.net
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Thị trường đã đi qua giai đoạn “hoang mang cục bộ”, giờ là “thời cơ” mua được bất động sản giá tốt?
- Chuyên gia tiết lộ thời điểm thị trường bất động sản khởi sắc
- Máy ATM “nuốt tiền” không nhả dù tài khoản đã trừ tiền, làm theo cách này để tránh mất tiền oan!
- Clip NÓNG 24h: Hành khách hoảng loạn khi xe khách gặp tai nạn trên quốc lộ 13 tại Bình Dương
- Việt Nam xác lập chiến thắng công nghệ, bứt phá ở thị trường 1.000 tỷ USD: Thế giới mới có 6 nước làm được