Tỷ lệ sở hữu BĐS của người Việt thuộc top cao nhất thế giới

4 lượt xem - Posted on

Dẫu giá bán bất động sản Việt Nam được đánh giá là tăng trưởng nhanh hơn nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, Việt Nam vẫn lọt top quốc gia có tỷ lệ sở hữu bất động sản cao nhất thế giới với 90%.

Giá bất động sản Việt Nam tăng vượt nhiều nước phát triển trên thế giới

Phát biểu tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2024 với chủ đề “Điểm nhìn”, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, giá bán bất động sản Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng so với thế giới.

Vị chuyên gia này dẫn số liệu từ Global Property Guide cho thấy, giá bất động sản Việt Nam tăng vượt nhiều nước phát triển trên thế giới.

Cụ thể, tăng trưởng giá 5 năm của Việt Nam đạt mức 59%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ (54%), Úc (49%), Nhật Bản (41%), Singapore (37%)…

Các đại gia bất động sản đua nhau mở rộng quỹ đất, thâu tóm dự án (hình minh họa)
Giá bất động sản Việt Nam tăng vượt nhiều nước phát triển trên thế giới.

Mức giá tăng cao khiến lợi suất cho thuê bất động sản ở Việt Nam chỉ ở mức 4%, trong khi nhiều quốc gia khác như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Anh, Úc, Mỹ đã có lợi suất cho thuê bất động sản dao động từ 5% – 7%.

Cũng theo vị Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, 3 yếu tố gồm: kinh tế, quản lý và xã hội là 3 yếu tố chính tác động đến giá bất động sản hiện nay.

“Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế đầu người, lạm phát mạnh mẽ. Đồng thời, môi trường lãi suất và hiệu quả đầu tư các kênh trong nước đều củng cố nhu cầu mua bất động sản của người tiêu dùng”, ông Quốc Anh đánh giá.

Hiện môi trường lãi suất ở Việt Nam đang dần trở về mức thuận lợi hơn và tỉ trọng tài sản tích trữ trong GDP của Việt Nam khá cao, khoảng 32,8%, đứng thứ 27 trên thế giới.

Với lượng tiền tích trữ, người Việt có một số kênh đầu tư chính như thị trường tài chính, bất động sản, vàng, ngoại tệ và gửi tiết kiệm.

Với kênh đầu tư vàng có nhiều biến động, rủi ro và chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới. Kênh ngoại tệ và gửi tiết kiệm có lợi suất ở mức khá thấp, trong khoảng 9 – 13% trong 2 năm.

Đáng chú ý, bất động sản được đánh giá là kênh đầu tư có lợi suất tốt nhất tại Việt Nam trong 10 năm qua​ với tỷ suất lợi nhuận của loại hình chung cư đạt 197% và đất nền đạt 137% vào quý IV/2024 so với quý I/2015.

Xét yếu tố thứ 2 là quản lý với thuế vừa là nguồn thu, vừa là công cụ quản lý thị trường thì dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, tỷ trọng thuế bất động sản trong GDP theo quốc gia của Việt Nam đang ở mức (0,03%) thấp hơn hẳn so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Singapore (1,5%), Nhật Bản (2,6%), Hàn Quốc (4%).

Theo ông Quốc Anh, tham khảo từ một số quốc gia nổi bật trên thế giới, có thể thấy thuế bất động sản được sử dụng làm chính sách quản lý thị trường và tối ưu nguồn thu. Tuy nhiên, trước khi áp dụng, nhiều thách thức về lý thuyết và vận hành cần được cân nhắc phù hợp. Điểm nhìn cho Việt Nam nằm ở việc tồn tại nhiều thách thức từ lý thuyết đến áp dụng thuế bất động sản phù hợp.

Với yếu tố xã hội, ông Quốc Anh cho biết, dân số và tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng nhu cầu bất động sản. Xu hướng gia đình nhỏ hơn cũng thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản cho thế hệ sau thừa kế và hành trình tự sở hữu nhà của người trẻ.

Ngoài ra, văn hóa của người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung vẫn kỳ vọng cao về việc sở hữu bất động sản trong đời​. Thậm chí, Việt Nam còn lọt top quốc gia có tỷ lệ sở hữu bất động sản cao nhất thế giới với tỷ lệ 90%, cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore (88%), Indonesia (84%) và cao hơn Mỹ (66%), Australia (66%)…

Dù ở thời buổi nào, người trẻ Việt cũng gặp khó khăn khi tự mua nhà

Xoay quanh câu chuyện sở hữu nhà, cũng theo ông Nguyễn Quốc Anh, khi so sánh lương trung bình và giá nhà của thời xưa và nay, có thể thấy không riêng Gen Z hiện nay mà người trẻ Việt, dù ở thời buổi nào cũng gặp không ít khó khăn trong việc tự mua nhà.

Phía Tây Hà Nội là khu vực có giao dịch bất động sản sôi động bậc nhất thị trường
Dù ở thời buổi nào, người trẻ Việt cũng gặp khó khăn khi tự mua nhà.

Cụ thể, ông Quốc Anh cho biết, thời điểm năm 2004, một cá nhân thuộc thế hệ 7x mất khoảng 31,3 năm thu nhập để có thể mua được một căn chung cư 60m2 với giá 0,6 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 7,4%.

10 năm sau (thời điểm năm 2014), với GDP bình quân đầu người khoảng 5,5 triệu đồng/người, một người trẻ thế hệ 8X cần làm việc, tích cóp 22,7 năm để có đủ tiền mua một căn hộ chung cư 60m2, giá bán khoảng 1,5 tỷ đồng/căn, lãi suất huy động khoảng 6%/năm.

Và đến thời điểm hiện tại – năm 2024, một cá nhân 9x cần 25,8 năm thu nhập để mua được căn hộ như trên với giá 3 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%.

“Tuy số năm thu nhập và lãi suất đã giảm dần theo thời gian nhưng nhìn chung, người trẻ thuộc các thế hệ vẫn cần nỗ lực trong thời gian dài mới có thể tự sở hữu nhà”, ông Quốc Anh nhận định.

Tuy khó mua là vậy, nhưng theo ông Quốc Anh, người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung vẫn kỳ vọng cao về việc sở hữu bất động sản trong đời​. Với những lý do phổ biến gồm lợi suất cao và ổn định, thị trường tài chính chưa phát triển và hơn nữa là sự công nhận từ xã hội và tài sản – nơi sinh sống cho gia đình.

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Tỷ lệ sở hữu BĐS của người Việt thuộc top cao nhất thế giớitrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *