Tuyến đường bà T. hay chị Hương đi làm mỗi sáng ngừng lưu thông suốt mấy tiếng khiến cả hai chật vật, ông Tuấn Đ. thì ám ảnh vì 2 giải chạy diễn ra chỉ trong một tháng ở nội đô Hà Nội.
Lo muộn làm, ế hàng vì giải chạy
Sáng sớm 3/11, như mọi ngày, bà Đ. T. T (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dậy sớm ra chợ đầu mối nhập thực phẩm cho quán ăn sáng của gia đình.
Tuy nhiên, khi trở về từ chợ đầu mối lúc 4h, bà buộc phải đứng chôn chân một chỗ vì tuyến đường Thái Phiên – Phố Huế hàng ngày bà di chuyển buộc dừng lưu thông hoàn toàn để phục vụ giải chạy.
Trước đó, bà đã phải luồn lách qua nhiều ngõ phố, tuy nhiên, đến đoạn ngã 3 gần nhà, đường bị chặn lại. Đứng một chỗ gần 20 phút, nhìn hàng nghìn vận động viên chạy qua trước mặt, bà T. sốt ruột, liên tục nhìn điện thoại.
“Về muộn là tôi không kịp làm hàng, khách đến không có đồ phục vụ là bỏ đi quán khác. Thịt, bún, lòng nhập về rồi biết bán cho ai?”, bà T. nói.
Sáng 3/11, hơn 18.000 vận động viên trong đó gần 1.300 vận động viên quốc tế đến từ 55 quốc gia tham gia một giải chạy marathon có điểm xuất phát và về đích gần Công viên Thống Nhất Hà Nội. Khoảng 1-2h, hàng nghìn vận động viên tham gia các cự ly dài đã có mặt tại đây.
Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông, người dân và vận động viên tham dự giải, ban tổ chức đã tiến hành phân luồng trên nhiều tuyến phố.
Dẫu vậy, việc 18.000 vận động viên lần lượt xuất phát và di chuyển qua các con đường thuộc quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng khiến giao thông các ngã ba, ngã tư nhiều thời điểm bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là những người đi làm, đi bán hàng vào sáng sớm.
Tại các điểm giao cắt, các tình nguyện viên và cảnh sát rất vất vả để giải thích cho người dân. Họ có trách nhiệm điều phối lưu thông, cho xe và người qua ngã ba, ngã tư khi không có vận động viên chạy qua.
“Có những người vì chờ lâu họ cố tình lao xe qua, như thế khá nguy hiểm vì có thể lao vào vận động viên, gây ra tai nạn. Nhiều thời điểm, vì thấy người dân quá bức xúc, chúng tôi buộc phải giảm nhịp di chuyển của vận động viên để cho xe di chuyển qua. Điều này lại khiến một số vận động viên không hài lòng vì ảnh hưởng đến mục tiêu họ đề ra”, Nguyễn Hà Nam, tình nguyện viên một giải chạy đêm ở Hà Nội chia sẻ.
Chị Vũ Thị Hương (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, chị phải vào làm ca sớm tại một bệnh viện. Tuy nhiên, vì tuyến phố hàng ngày chị di chuyển tạm ngừng lưu thông nên chị phải xin phép đến muộn.
Chị Hương cất xe máy ở nhà, chủ động đi bộ qua một số đoạn đường rồi bắt xe ôm công nghệ đến chỗ làm. Mặc dầu vậy, xe ôm công nghệ cũng phải vòng vèo một lúc lâu mới đón được chị.
Nhà ở con phố gần hồ Thiền Quang, ông Vũ Tuấn Đ., cho biết, trong khoảng một tháng qua, tại khu vực này diễn ra hai giải chạy. Hàng chục nghìn vận động viên đổ dồn về các con phố quanh hồ phá vỡ không gian yên tĩnh giữa đêm khuya.
“Các con tôi đi làm cả ngày, đến đêm lại bị đánh thức bởi sự ồn ào. Niềm vui của người này lại là nỗi buồn của người kia khi giấc ngủ bị phá vỡ”, ông Đ. nói.
Nhà ở gần hồ Hoàn Kiếm, mấy năm nay, cứ vào dịp cuối năm, bà Nguyễn Thị Bình (56 tuổi) lại chứng kiến các giải chạy diễn ra tại đây.
Có giải chọn xuất phát từ hồ Hoàn Kiếm, có giải thì đưa các con phố ven hồ vào tuyến đường thi đấu. “Giải chạy diễn ra liên tục trong thời gian ngắn, quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm ít nhiều đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”, bà Bình nói.
Dù là một người yêu thích thể thao nhưng anh Phạm Văn Tuấn (quận Long Biên) lại không ủng hộ việc tổ chức giải chạy và cấm nhiều tuyến phố.
Anh Tuấn từng có lần suýt muộn giờ lên máy bay khi con phố anh di chuyển bị chặn lại phục vụ cho giải chạy, đường bị tắc cứng suốt cả tiếng đồng hồ dù vào ngày nghỉ.
Cái hay, cái dở của giải chạy
Những năm gần đây, cơn sốt marathon thúc đẩy thói quen vận động của người dân trên khắp cả nước. Tại Hà Nội, cuối năm là “thời điểm vàng” để các đơn vị tổ chức giải chạy marathon vì tiết trời mát mẻ, thích hợp chạy bộ.
Sau mỗi giải chạy, dư luận lại sôi nổi bàn tán về những cái hay, cái dở của mỗi giải chạy.
Ở phía ủng hộ, nhiều người cho rằng, các giải chạy giúp phát triển phong trào chạy bộ, rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực, tầm vóc của người Việt.
Giải chạy bộ ngày càng lôi kéo được nhiều người, giúp thay đổi lối sống ít vận động. Không ít người nhờ tham gia các giải chạy có thêm tinh thần luyện tập, duy trì chạy bộ hàng ngày, cải thiện sức khỏe đáng kể, từ bỏ các thói quen không tốt cho sức khỏe.
Tham gia giải chạy bộ sáng qua tại Hà Nội, một nữ du khách người Trung Quốc chia sẻ, cô đã tìm hiểu về các giải chạy bộ của Việt Nam và mua BIB (dãy số sử dụng để đánh dấu vận động viên) trực tuyến.
Cô quyết định tham gia giải chạy trong chuyến du lịch và cảm thấy vô cùng hào hứng khi được sải bước qua các con phố Hà Nội, ngắm nhìn các cảnh đẹp, di tích. Với cô đó là cách khám phá vùng đất mới thú vị nhất.
Các giải chạy thường quy tụ vận động viên từ khắp nơi trên cả nước và đông đảo du khách nước ngoài. Khi hàng chục nghìn vận động viên chạy qua các con phố, những di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Thủ đô, họ sẽ có cơ hội khám phá một thành phố vừa cổ kính, vừa hiện đại. Điều này giúp kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa.
Ở phía không đồng tình, nhiều ý kiến lại cho rằng, việc tổ chức giải chạy ở Thủ đô, nơi đất chật người đông, người xe như nêm, không thể chạy được ban ngày, phải chạy ban đêm mà vẫn tắc đường là không hợp lý.
Giải chạy làm đảo lộn cuộc sống của những người dân sinh sống ở các tuyến phố xuất phát, về đích hay có đường chạy đi qua. Với nhiều người, họ bị ảnh hưởng về kinh tế khi có thể bị muộn làm, muộn giờ mở cửa hàng…
“Việc ngăn cấm hàng loạt các tuyến đường lớn trong vài tiếng đồng hồ ảnh hưởng đến phương tiện tham gia giao thông, xe bus phải đổi đường, người dân đi làm sáng sớm liên tục quay xe, chật vật tìm các cung đường khác.
Có những tuyến đường cấm xe 4, 5 giờ liên tiếp đến tận giờ cao điểm, gây ra ùn tắc giao thông trên diện rộng”, anh Trương Quang Trung (35 tuổi, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ.
Là một người đam mê chạy bộ, song năm nay, anh Trung không dám đăng ký tham gia giải nào vì sợ “bị chửi”.
“Năm 2023, tôi đăng ký 2-3 giải nhưng nhiều lần trên đường chạy bị nghe người ta chửi. Về nhà, lên mạng cũng thấy hết diễn đàn này đến diễn đàn kia lên án khiến bản thân cảm thấy không thoải mái. Vì vậy, năm nay tôi không đăng ký giải chạy mà chỉ duy trì tập luyện ở các tuyến đường gần nhà”, anh Trung nói.
Anh Trung cho rằng, giải chạy phong trào, nếu được tổ chức và tham gia một cách khoa học sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và góp phần lan tỏa tinh thần thể thao, phát triển du lịch.
Tuy nhiên, trước những phản ứng của dư luận, ban tổ chức các giải chạy cũng nên xem xét, lắng nghe, điều chỉnh để không gây ra hiệu ứng xấu làm giảm đi ý nghĩa của các giải chạy.
Nguồn: dantri.com.vn
- Sài Gòn Center và Ngân Hàng Vietinbank TP.HCM ký thoả thuận hợp tác cho khách hàng vay mua nhà dự án Green Valley City
- Một năm kinh tế nằm ngoài dự liệu của Fed
- Ngành Ngân hàng chỉ hạn chế tín dụng bất động sản đầu cơ
- Lãi suất ngân hàng thấp chưa từng có, thị trường bất động sản được “hâm nóng”?
- Giá vàng hôm nay 23/5: Chênh lệch giá vàng trong nước, quốc tế vẫn lớn
- Rà soát, chuẩn bị phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng
- Không thiếu vốn cho vay mua nhà ở xã hội