TPHCM kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý đất đai

323 lượt xem - Posted on

Đây là một trong những nội dung được UBND TPHCM nêu kiến nghị với Đoàn công tác của Bộ TNMT do Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh dẫn đầu làm việc với lãnh đạo TPHCM vào chiều 28-7.

Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Hoàng Hùng

Nhiều vướng mắc trong quản lý đất đai

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng thay mặt UBND TPHCM nêu các vướng mắc và kiến nghị tháo gỡ đối với nhiều nội dung thuộc lĩnh vực đai và môi trường. Theo đó, TPHCM có 35 nội dung kiến nghị, trong đó có 29 nội dung kiến nghị về đất đai (với 13 nhóm vấn đề) và 06 nội dung kiến nghị về môi trường.

Tuy nhiên trước đó qua phối hợp với các cục, vụ thuộc Bộ TNMT cũng như kết quả tự rà soát các nội dung kiến nghị, UBND TPHCM đã lược bỏ một số kiến nghị đã được đưa vào dự thảo Luật Đất đai và các văn bản pháp luật vừa mới bản hành, một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP. Do đó tại buổi làm việc, TP nêu 19 nội dung kiến nghị trong đó có 16 nội dung kiến nghị về đất đai (với 9 nhóm vấn đề) và 3 nội dung kiến nghị về môi trường.

Về nhóm kiến nghị trong công tác quản lý đất đai, TPHCM kiến nghị bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Thay vào đó, chỉ quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt.

Theo UBND TPHCM, quy hoạch sử dụng đất đã đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, gắn với thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. TPHCM đã có quy hoạch xây dựng, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm và 10 năm được Thủ tướng duyệt, UBND TP có thể căn cứ trên các quy hoạch này để kiểm soát việc giao, thuê, chuyển mục đích sử dụng đất.

Đồng thời, từ bước chuẩn bị đến phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm mất rất nhiều thời gian và gần như không thể ban hành trước ngày 31-12 hàng năm. Ngoài ra việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân cũng có nhiều bất cập như người đăng ký rồi thì không có nhu cầu, người có nhu cầu thực sự thì đăng ký không kịp.

Về vấn đề sử dụng đất khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, theo UBND TPHCM, khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thì tài sản trên đất đã được xác định và đưa vào giá trị doanh nghiệp Nhà nước để cổ phần hóa và thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp cổ phần (có trường hợp đã xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp).

Quá trình hoạt động, doanh nghiệp cổ phần hóa đang sử dụng đất thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất để sử dụng phù hợp với quy hoạch, trong đó có trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất cơ sở sản xuất, kinh doanh sang đất ở để thực hiện dự án nhà ở. Pháp luật đất đai qua các thời kỳ quy định người sử dụng đất đang sử dụng đất hợp pháp được chuyển mục đích sử dụng đất nếu phù hợp quy hoạch và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

Thực tế tại TPHCM, hiện nay có nhiều dự án bất động sản chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc đất do Nhà nước giao hoặc cho thuê đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng công trình, đã được nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng, đã bán nhà ở và người dân đã vào ở, sinh sống ổn định nhưng chưa phê duyệt giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, chưa cấp được giấy chứng nhận về nhà, đất cho người dân.

Theo ông Thắng, số lượng nhà đất thuộc nhóm vướng mắc này lên đến hơn 20.000 căn hộ, nhà phố. Điều này dẫn tới chưa thu, nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước, tăng gánh nặng trả lãi vay ngân hàng của doanh nghiệp và khiếu nại, khiếu kiện của người dân do chưa được cấp giấy chứng nhận về nhà, đất.

Do vậy, TP kiến nghị Bộ TNMT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản chuyển mục đích sử dụng đất từ đất có nguồn gốc của doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa được tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo đúng giá thị trường để thu nộp ngân sách Nhà nước.

Theo ông Thắng, nếu giải quyết được khó khăn, vướng mắc này sẽ góp phần cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai hiệu quả; tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước; giải quyết vấn đề cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, tránh khiếu nại, khiếu kiện, tạo điều kiện cho người dân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra TPHCM cũng nêu một loạt kiến nghị khác về quản lý đất đai như vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quyền của cơ sở tôn giáo khi sử dụng đất; kiến nghị bổ sung quy định về quản lý, sử dụng đất lúa chỉ áp dụng đối với trường hợp đất đó thuộc vùng đã được địa phương duyệt quy hoạch là vùng trồng lúa chuyên canh.

Về quản lý, sử dụng đất của các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính. Qua thực tiễn công tác quản lý Nhà nước về đất đai, UBND TPHCM nhận thấy hầu như toàn bộ tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đều không có khả năng nộp tiền thuê đất. Trường hợp cơ cấu khoản chi tiền thuê đất vào chi thường xuyên thì tổ chức sự nghiệp công lập sẽ không còn đủ điều kiện là tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính.

Do đó, TPHCM kiến nghị Bộ TNMT có ý kiến về hướng xử lý, đảm bảo quy định pháp luật được áp dụng phù hợp với thực tế.

Sẽ phối hợp chặt chẽ với TPHCM để tháo gỡ

Theo ông Vũ Sĩ Kiên, Cục phó Cục Quy hoạch quản lý và Phát triển tài nguyên (Bộ TNMT), hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa không có phương án sử dụng đất; hiện nay xử lý vấn đề này đang vướng về quản lý tài sản công, vướng về pháp luật nhà ở. TP cũng có hẳn 1 ban để giải quyết về vấn đề này.

Do đó, ông Kiên đề nghị TP phân loại các vướng mắc để tiếp tục xử lý trong thời gian tới. Về kiến nghị xử lý tiền thuê đất đối với các đơn vị công lập có thu, ông Kiên cho biết Bộ Tài chính đã có hẳn một cơ quan để tham mưu Chính phủ. Do đó, Bộ TNMT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để tham mưu Chính phủ.

Về kiến nghị bỏ đăng ký kế hoạch sử dụng đất, đại diện Bộ TNMT cho biết, đối với hộ gia đình, cá nhân theo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ không còn đăng ký kế hoạch sử dụng đất, đó là hướng mở trong thời gian tới. Tuy nhiên, các dự án nhà ở, các dự án khác vẫn phải tuân thủ vì thực hiện một dự án phải tuân theo rất nhiều quy định, luật liên quan.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, những nội dung kiến nghị về đất đai, môi trường mà TP kiến nghị với Bộ TNMT có những nội dung liên quan đến Nghị quyết 98 vừa ban hành. Do đó, TP cần sự hướng dẫn, hỗ trợ từ Bộ TNMT.

“Có những nội dung vướng mắc thuộc Chính phủ và các bộ ngành TP sẽ kiến nghị trực tiếp. Còn những tồn tại vướng mắc cũ thì có những vấn đề đã được giải quyết, có những vấn đề cần sự phối hợp, đồng thuận giữa các bộ, ngành. Do đó, TPHCM rất mong Bộ TNMT cũng như các bộ, ngành sớm có kết luật để xử lý các khó khăn nói trên”, ông Mãi cho biết.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước. Hiện nay, có nhiều vướng mắc thuộc lĩnh vực đất đai cần được khơi thông để kinh tế TP tăng tốc trong thời gian tới. “Mục tiêu của Bộ TNMT tham mưu cho Chính phủ để những khó khăn đó được giải quyết một cách khách quan, minh bạch để cán bộ yên tâm thực hiện, TP lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian tới”- Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ thì sẽ phối hợp với TP giải quyết ngay. Những vấn đề nào thuộc các bộ ngành khác hay Chính phủ thì Bộ sẽ phối hợp, tham mưu để xử lý nhanh nhất.

Nguồn: https://baomoi.com/tphcm-kien-nghi-thao-go-cac-vuong-mac-trong-quan-ly-dat-dai/c/46483140.epi

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem TPHCM kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý đất đaitrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *