TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Giết bạn tình rồi lao ô tô xuống vực; xét xử vụ cháy quán karaoke, 32 người chết

25 lượt xem - Posted on

Người phụ nữ giết bạn tình rồi lao ô tô xuống vực; xét xử vụ cháy quán karaoke, 32 người chết; mâu thuẫn tiền bạc, gã đàn ông bắt giữ con của 1 phụ nữ… là những tin nóng 24 giờ qua.

Người phụ nữ giết bạn tình rồi lao ô tô xuống vực

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 24/10, thông tin mà phóng viên có được, Công an tỉnh Lâm Đồng đã thi hành lệnh bắt giữa khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Thu Trang để điều tra hành vi giết người.

Quyết định này được đưa ra trong quá trình thu thập các tài liệu, chứng cứ trong vụ xe ô tô con lao xuống vực sâu trên đèo Bảo Lộc mà Dân Việt đã thông tin qua bài viết: Xe ô tô lao xuống vực đèo, 2 người thương vong.

Vụ ô tô lao xuống vực đèo Bảo Lộc: Phi tang thi thể một vụ giết người - Ảnh 1.

Trần Nguyễn Thu Trang được lực lượng chức năng đưa từ vực sâu lên sau vụ tai nạn.

Cụ thể, theo điều tra ban đầu, Công an tỉnh Lâm Đồng xác định, do mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, chiều 20/10, trên đường từ tỉnh Đồng Tháp về TP.HCM bằng xe ô tô con, Trang đã đầu độc ông M.H.V (39 tuổi, ngụ TP.HCM) bằng chất độc xyanua.

Sau đó, Trang đã chở thi thể ông V về một nhà trọ tại quận 7 (TP.HCM). Đến sáng 21/10, Trang sử dụng xe ô tô con chở ông M.H.V lên tỉnh Lâm Đồng tìm cách phi tang. Tại đèo Bảo Lộc, Trang đã đi xe qua lại nhiều lần để tìm vị trí cũng như chọn thời điểm phi tang thi thể nạn nhân.

Vụ ô tô lao xuống vực đèo Bảo Lộc: Phi tang thi thể một vụ giết người - Ảnh 2.

Nghi phạm Trần Nguyễn Thu Trang chỉ bị thương nhẹ sau vụ tai nạn.

Đến 12 giờ cùng ngày, Trang chở thi thể ông V. đến Km 104 +440 thuộc Quốc lộ 20 trên đèo Bảo Lộc thuộc địa phận xã Đại Lào (TP.Bảo Lộc) rồi lái ô tô có cả thi thể nạn nhân lao thẳng xuống vực sâu với ý định tự tử. Tuy nhiên, khi xe lao xuống vực, các túi khí trong xe ô tô bung ra bảo vệ nên Trang chỉ bị thương nhẹ.

Vụ ô tô lao xuống vực đèo Bảo Lộc: Phi tang thi thể một vụ giết người - Ảnh 3.

Hiện trường vụ việc được ghi nhận vào chiều 21/10.

Nhận được tin báo, Trạm Cảnh sát giao thông Mađaguôi, Phòng Cảnh sát giao thông và Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy – cứu nạn cứu hộ Khu vực 3, Công an tỉnh Lâm Đồng cùng Công an TP.Bảo Lộc đã có mặt tại hiện trường điều tiết giao thông và triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn.

Vụ ô tô lao xuống vực đèo Bảo Lộc: Phi tang thi thể một vụ giết người - Ảnh 4.

Chiếc xe ô tô mà Trần Nguyễn Thu Trang điều khiển lao xuống đèo Bảo Lộc.

Tuy nhiên, quá trình tiếp cận hiện trường vụ tai nạn, lực lượng công an xác định có dấu hiệu bất thường, nhận định không phải là vụ tai nạn giao thông thông thường nên báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh vụ việc và triển khai các bước khám nghiệm để điều tra.

Hiện, vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Xét xử vụ cháy quán karaoke, 32 người chết ở Bình Dương

Ngày 24/10, TAND tỉnh Bình Dương xét xử Lê Anh Xuân, 43 tuổi, chủ quán karaoke An Phú; Phạm Quốc Hùng; Phạm Thị Hồng, Vũ Trường Sơn (cùng là cựu cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Bình Dương); Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Bình về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Vụ cháy karaoke An Phú khiến 32 người chết: Lời khai của chủ quán- Ảnh 1.

Các bị cáo liên quan đến vụ cháy karaoke An Phú khiến 32 người chết trong phiên tòa ngày 24/10. Ảnh: NV

Tại tòa, Lê Anh Xuân khai: “Bị cáo không nắm rõ việc kinh doanh karaoke phải có điều kiện gì, vì trước đó ba bị cáo làm hết”. Tuy nhiên, khi tòa chất vấn về trách nhiệm của mình, bị cáo thừa nhận bản thân có thiếu sót, không kiểm tra lại các vấn đề khi hoạt động.

Là người đầu tiên bị thẩm vấn, Lê Anh Xuân cho biết, hôm xảy ra hỏa hoạn, bị cáo đang ở nhà xem tivi thì vợ chạy về khóc, nói quán bị cháy. Khi đến hiện trường, ông này thấy nhân viên đang chữa cháy và đã trình báo cơ quan chức năng. Công tác cứu hộ diễn ra liên tục đến 5h sáng hôm sau thì lửa tiếp tục bùng lên. Sau một ngày chữa cháy, cảnh sát phát hiện 32 người chết và 3 người bị thương.

Theo Xuân, cha bị cáo (đã chết) là người liên hệ với đơn vị thi công và người có chức trách làm hồ sơ giấy phép hoạt động. Bị cáo chỉ ký vào các giấy tờ hồ sơ do ông đưa lại, không liên quan hay quen biết Phạm Thị Hồng. “Bị cáo chỉ gặp chị Hồng một lần vào buổi trưa, khi cha gọi nói mang 50 triệu đồng lên trả tiền cho người này”, Xuân khai.

Đến năm 2019, cha phải điều trị bệnh, ông nói bị cáo nghỉ việc công ty để quản lý quán nên nghe lời. Lúc Xuân tiếp quản công việc thì cơ sở này đã hoạt động. Bị cáo có làm việc với quản lý và yêu cầu người này liên hệ với các cơ quan chức năng xem việc PCCC còn thiếu sót gì thì bổ sung.

Vụ cháy karaoke An Phú khiến 32 người chết: Lời khai của chủ quán- Ảnh 2.

Đại diện bị hại cũng có mặt tại phiên toà. Ảnh: N.V

Trả lời HĐXX sau đó, cựu cảnh sát Vũ Trường Sơn nói không có ý kiến gì về bản cáo trạng. Năm 2017, khi được phân công nhiệm vụ và tiếp nhận hồ sơ thiết kế của cơ sở karaoke An Phú do bộ phận tiếp dân đưa qua, bị cáo nhận thấy hồ sơ có một số vấn đề chưa đảm bảo quy chuẩn và đã tham mưu lãnh đạo yêu cầu chủ cơ sở bổ sung. Sau khi nhận lại hồ sơ, thấy đã đủ các điều kiện theo quy chuẩn về PCCC nên Sơn trình lên cấp trên duyệt.

“Bị cáo chỉ thẩm duyệt hồ sơ trên giấy tờ và đã làm đúng theo trách nhiệm của mình, còn về thực tế thế nào thì bị cáo không phụ trách”, cựu cảnh sát nói và cho biết đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nên nhận thấy mình có một phần trách nhiệm.

Bị cáo Nguyễn Văn Võ (cựu đại úy, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC Công an TP.Thuận An) bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Liên quan vụ án, ông Nguyễn Duy Linh (nguyên trung tá, Đội trưởng Cảnh sát PCCC Công an TP.Thuận An) cũng bị khởi tố về cùng tội danh nhưng đã chết nên được đình chỉ điều tra.

Trong số các bị cáo, Hồng, Sơn và Luân được tại ngoại. An ninh phiên xử được thắt chặt, chỉ những người có giấy triệu tập của tòa mới được vào trong.

Theo nội dung vụ án, tối 6/9/2022, lửa bất ngờ bùng lên tại lầu 2 karaoke An Phú rồi nhanh chóng lan nhanh toàn bộ quán. Lúc này, có khoảng 60 người gồm khách và nhân viên ở trong. Khoảng một phút sau, ngọn lửa bùng lên dữ dội, một số khách và nhân viên chạy lên sân thượng, số còn lại chờ cứu nạn.

Sau gần một ngày chữa cháy, cảnh sát tìm thấy 32 thi thể. Những người còn lại may mắn chạy thoát hoặc được cứu, trong đó có 17 nạn nhân bị thương.

Kết quả giám định kết luận vụ cháy xảy ra do dây dẫn điện lắp đặt trên trần la phông tầng 2 bị chập, lửa cháy lan ra các vật liệu xung quanh. Hệ thống điện, PCCC của cơ sở không đảm bảo an toàn. Trong số 32 nạn nhân, có 31 người trong máu có nồng độ cồn, trong đó 18 nạn nhân có nồng độ cồn trong máu rất cao từ 86-299mg/100ml; một người dương tính với ma túy.

Vụ cháy karaoke An Phú khiến 32 người chết: Lời khai của chủ quán- Ảnh 3.

Chiều 24/10, phiên tòa tiếp tục với phần hỏi các bị cáo khác. Ảnh:N.V

Cơ quan công tố xác định, bị cáo Hùng và một số cán bộ cảnh sát PCCC cháy đã có nhiều sai phạm trong việc thẩm duyệt hồ sơ thiết kế; kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC; không thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra phát hiện các vi phạm trong PCCC của chủ quán karaoke.

Cụ thể, Lê Anh Xuân là người đứng đầu cơ sở kinh doanh karaoke An Phú, quá trình xây dựng và hoạt động không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, cứu hộ cứu nạn. Ông này đã thuê nữ cảnh sát Phạm Thị Hồng thi công và hoàn thiện hệ thống PCCC của quán. Do Hồng không đủ điều kiện về chuyên môn và cơ sở pháp lý để thi công và hoàn thiện hồ sơ xin nghiệm thu hệ thống PCCC nên đã thuê ông Nguyễn Duy Linh làm.

Sau khi ông Linh thi công xong, bà Hồng lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp với Phạm Quốc Hùng tác động nghiệm thu hệ thống PCCC của karaoke An Phú. Tuy nhiên, Hùng không kiểm tra, nghiệm thu theo quy định mà lập khống biên bản nghiệm thu nhằm hợp thức hóa hồ sơ.

Hồng sau đó đưa biên bản kiểm tra, nghiệm thu cho Nguyễn Thành Luân (do Công ty TNHH MTV Thái Bình Anh có đủ chức năng thiết kế, thi công các hạng mục liên quan đến PCCC) nhờ ký khống vào biên bản. Luân vì “nể nang Hồng là cán bộ cảnh sát PCCC” nên đã ký vào biên bản, dưới mục đơn vị thi công.

Tiếp đó, Hùng tham mưu cho cấp trên ký nháy vào công văn xác nhận nghiệm thu hệ thống PCCC cho quán karaoke An Phú để đề xuất Phó Giám đốc cảnh sát PCCC Bình Dương tạo điều kiện cho cơ sở này đi vào hoạt động. Đến ngày 18/7/2017, Cảnh sát PCCC Bình Dương ban hành văn bản về việc xác nhận nghiệm thu. Ngày 31/7/2017, Công an thị xã (nay là thành phố) Thuận An đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự cho cơ sở An Phú.

Quá trình điều tra, bị cáo Hồng không thừa nhận hành vi sai phạm.

Bị cáo Vũ Trường Sơn là người kiểm tra bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thiết kế về PCCC tại cơ sở An Phú và lập bảng đối chiếu quy chuẩn. Tuy nhiên, Sơn không phát hiện hồ sơ thiết kế của cơ sở có một số nội dung chưa đảm bảo, vẫn xây dựng báo cáo trình cấp trên.

Từ năm 2020 đến tháng 9/2022, Võ là cán bộ được phân công nhiệm vụ hướng dẫn kiểm tra công tác PCCC tại karaoke An Phú nhưng đã không thực hiện, không phát hiện vi phạm của chủ cơ sở, dẫn đến khi cháy đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Mâu thuẫn tiền bạc, gã đàn ông bắt giữ con của 1 phụ nữ

Ngày 24/10, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1991; trú phường Cẩm Phô, TP.Hội An, Quảng Nam) để điều tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

Khống chế con để gặp mẹ, đòi tiền- Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Mạnh Tuấn Ảnh: Công an Quảng Nam. Nguồn: NLĐO

Theo kết quả điều tra, năm 2020, Tuấn góp vốn làm ăn với một phụ nữ tên N. ở phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ). Kể từ năm 2023, do làm ăn thua lỗ nên Tuấn nhiều lần liên hệ gặp chị N. để giải quyết chuyện tiền bạc nhưng không gặp được.

Nảy sinh ý định gây sức ép để chị N. phải gặp mình, ngày 7/10, Tuấn chuẩn bị một bình xịt hơi cay và 1 tuốc nơ vít đón xe từ Hội An vào Tam Kỳ, đến cửa hàng quần áo của chị N. trên đường Hùng Vương.

Biết chị N. không có mặt ở cửa hàng mà chỉ có 1 nhân viên nữ và con trai chị N, Tuấn đã ngắt cầu dao điện, dùng bình xịt hơi cay dọa nhân viên nữ chạy ra ngoài rồi chốt cửa bên trong với mục đích khống chế con trai chị N, gây sức ép để mẹ cháu bé về gặp nói chuyện.

Tiếp nhận thông tin, Công an TP.Tam Kỳ đã triển khai lực lượng đến hiện trường. Thấy lực lượng công an, Tuấn khống chế cháu bé, uy hiếp nếu lực lượng chức năng xông vào.

Sau khoảng 20 phút được lực lượng công an thuyết phục, vận động, Tuấn nhận ra hành vi sai trái của mình nên đã thả cháu bé, mở cửa để lực lượng công an vào làm việc.

Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo án tử hình: Quy trình xem xét thế nào?

Trao đổi với phóng viên Dân Việt ngày 24/10, luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, bà Lan kháng cáo toàn bộ bản án của Toà án nhân dân TP.HCM, đồng nghĩa với việc bà không đồng ý toàn bộ các quyết định của bản án sơ thẩm.

Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo án tử hình: Quy trình xem xét thế nào? - Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan ở vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Ảnh: L.G

Theo quy trình, bà Lan gửi đơn kháng cáo đến tòa án đã xét xử sơ thẩm (Toà án nhân dân TP.HCM) hoặc tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền (Toà án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM). Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án.

Cũng theo luât sư Tuấn, sau khi nhận được đơn kháng cáo, tòa án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định. Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ thì tòa án cấp sơ thẩm thông báo về việc kháng cáo theo quy định.

Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ thì tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo để làm rõ. Trường hợp tòa án cấp phúc thẩm nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi đơn kháng cáo cho tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.

Việc kháng cáo phải được tòa án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát cùng cấp và những người liên quan đến kháng cáo trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo. Thông báo phải nêu rõ yêu cầu của người kháng cáo.

Luật sư Tuấn cho biết thêm, ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, chánh án tòa án cấp phúc thẩm phân công thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.

“Do bà Lan kháng cáo toàn bộ bản án nên tòa án cấp phúc thẩm phải xem xét toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Sau khi thụ lý vụ án, tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 20 ngày, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho tòa án. Trường hợp vụ án thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao”, luật sư Tuấn giải thích.

Liên quan đến vụ án, TAND Cấp cao TP.HCM cho biết sẽ xem xét kháng cáo bản án tử hình của bà Trương Mỹ Lan về tội tham ô gây thiệt hại 677.000 tỷ đồng cho SCB (giai đoạn một vụ án) từ ngày 4 đến 25/11.

Tòa phúc thẩm cũng xem xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 46 bị cáo khác về các sai phạm liên quan đến Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trong đó có ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), Trương Huệ Vân (cháu bà Lan), Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước)…

Riêng ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Capella xin giảm nhẹ hình phạt 8 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Lan.

Tòa cũng xem xét kháng cáo của bị hại trong vụ án là SCB cùng một số cá nhân, tổ chức có liên quan, trong đó có Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.

HĐXX gồm 3 thẩm phán cao cấp, do Chánh Tòa kinh tế TAND Cấp cao tại TP HCM Huỳnh Thanh Duyên làm chủ tọa.

Tham gia phiên tòa có gần 100 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại, người liên quan. Bà Lan có 5 luật sư tham gia bào chữa là Phan Trung Hoài, Giang Hồng Thanh, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Thị Huyền Trang.

Trước đó, tháng 4, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù cho tội Vi phạm quy định cho vay, 20 năm cho tội Đưa hối lộ, và tử hình cho tội Tham ô tài sản. Tổng hình phạt mà bà Lan phải chấp hành là tử hình. 85 đồng phạm khác bị phạt từ 3 năm tù treo đến tù chung thân.

Ở vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, ngày 17/10, TAND TP.HCM tuyên phạt bà Lan mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Bà Lan bị cáo buộc về hành vi vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD (khoảng 106.730 tỷ đồng) qua biên giới trong 10 năm; rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và lừa 35.824 bị hại qua hình thức phát hành trái phiếu khống, chiếm đoạt hơn 30.869 tỷ đồng.

Nguồn: https://danviet.vn/tin-nong-24h-qua-giet-ban-tinh-roi-lao-o-to-xuong-vuc-xet-xu-vu-chay-quan-karaoke-32-nguoi-chet-20241024204204424.htm

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Giết bạn tình rồi lao ô tô xuống vực; xét xử vụ cháy quán karaoke, 32 người chếttrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *