Tín hiệu tốt sau loạt dự án được gỡ vướng

114 lượt xem - Posted on
 Các doanh nghiệp mong muốn lãi suất vay mua nhà giảm để khách hàng có thể tiếp cận vay vốn, kích cầu tiêu dùng.

Chỉ trong tháng 4 vừa qua, hàng chục dự án tại TP.HCM và một số địa phương bắt đầu được gỡ vướng pháp lý và hỗ trợ cho phép dự án huy động vốn. Điều này tác động rất tích cực đến bức tranh toàn cảnh của ngành bất động sản (BĐS) trong năm nay.

Hàng loạt dự án lớn được gỡ vướng

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 13 dự án tại TP.HCM và bảy dự án tại Đồng Nai của nhiều doanh nghiệp (DN) như Novaland, Hưng Thịnh, Gotec Land, CapitaLand, Gamuda Land, Son Kim Land… được gỡ vướng pháp lý hoặc hỗ trợ cho phép dự án được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai.

Hiện nay hàng tồn kho rất nhiều, nhiều dự án đủ điều kiện bán hàng nhưng không bán được bởi người mua mất niềm tin. Phải làm sao để khách hàng tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, giúp thị trường vận động, nhất là kích cầu tiêu dùng. Cần có gói tín dụng tiếp cận cụ thể đến khách hàng mới khơi thông được thị trường. Ngoài ra phải có chính sách để các DN BĐS hiện đang tồn tại phát triển bền vững, bởi đây là những DN có năng lực.

Ông PHẠM LÂM,Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam

Chỉ tính riêng trong tháng 4, UBND TP.HCM đã xem xét gỡ vướng thủ tục pháp lý đầu tư, cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) và cho phép các dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị mới được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai.

Trong đó có sáu dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh được tháo gỡ các khó khăn. Hai dự án được gỡ nút thắt về thủ tục đầu tư sau cuộc họp với lãnh đạo Sở TN&MT TP.

Ngoài ra, tập đoàn này còn được tháo gỡ bốn dự án khác về việc cấp sổ hồng cho khách hàng. Trong quý II-2023 sẽ có hơn 2.000 căn hộ, diện tích thương mại tại một số dự án được cấp sổ.

Tập đoàn Novaland cũng cho biết dự án The Grand Manhattan (quận 1) là một trong bảy dự án đầu tiên tại TP.HCM đang được tập trung gỡ vướng pháp lý. Một dự án khác có quy mô hơn 300 ha tại Đồng Nai cũng đón tin vui khi Tổ công tác của Chính phủ tháo gỡ pháp lý.

Theo ông Ngô Hồng Hải, Tổng giám đốc Công ty Đất Việt, việc dự án được cấp vốn để triển khai xây dựng vượt trên cả ý nghĩa của việc tái khởi động một dự án BĐS. Đây được xem là tín hiệu tích cực đến từ sự nỗ lực của toàn hệ thống vận hành và những quyết sách quyết liệt của Chính phủ.

Nó cho thấy sự chung tay, đồng hành của các cơ quan, ban ngành địa phương, DN tài chính, DN xây dựng và vật liệu xây dựng cũng như sự nỗ lực của chính các DN BĐS vì mục tiêu hồi phục và thúc đẩy thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nhận định việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án BĐS giúp tăng nguồn cung nhà ở, tạo được dòng tiền cho các DN và tăng tính thanh khoản cho thị trường, tăng nguồn thu ngân sách.

Hiện Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác tháo gỡ cho thị trường BĐS, đến nay giải quyết cho năm dự án được huy động vốn, trong đó bốn dự án chỉ huy động được 50% và một dự án 100%. Tổng số căn hộ của năm dự án này là gần 5.432 căn trong đợt 1. Nếu tiếp tục hoàn chỉnh pháp lý, từ nay đến cuối năm sẽ có hơn 5.000 căn hộ được đưa ra thị trường.

Cần hạ lãi suất để kích cầu

Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, chia sẻ rất vui khi Chính phủ có nhiều giải pháp gỡ vướng pháp lý, hỗ trợ ngành BĐS về chính sách tín dụng như khoanh nợ, giãn nợ… Đã có nhiều tổ chức tín dụng bắt đầu làm việc với tập đoàn và các chủ đầu tư khác để thảo luận hoạt động tái cấp vốn, tái khởi động dự án.

Ông Dũng kiến nghị những chính sách này cần nhanh chóng được thực thi; các cơ quan quản lý và ngân hàng vào cuộc ngay để kích thích nhu cầu, xây niềm tin cho nhà đầu tư. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần sớm giảm lãi suất để thúc đẩy nhu cầu mua bán BĐS. Đây là thời điểm thích hợp để người dân sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Trước hết cần khuyến khích những dự án nhỏ, từ sự chuyển đổi cấp vi mô đến chuyển biến ở các dự án lớn hơn, từng bước phục hồi lĩnh vực xây dựng, mua bán BĐS.

Tín hiệu tốt sau loạt dự án được gỡ vướng ảnh 1

Một chung cư tại quận Bình Tân được gỡ vướng về thủ tục cấp giấy chứng nhận. Ảnh: Q.HUY

“Để vực dậy ngành BĐS, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ có giải pháp kiểm soát các kênh đầu tư thứ cấp, đầu cơ thổi giá, kiểm soát cả việc mua bán chuyển nhượng đất nông nghiệp” – ông Dũng nói.

Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là củng cố niềm tin cho người mua. Trước đây có gói 30.000 tỉ đồng đã ngay lập tức rõ ràng, rất đơn giản và mức lãi suất thấp nên khi đó đã kích hoạt phân khúc nhà ở xã hội, lan tỏa giúp thị trường hồi phục nhanh chóng.

Còn với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hiện vẫn chưa “ăn thua” vì lãi suất còn cao so với thu nhập của người dân đang giảm sút thê thảm. Chính vì vậy, cần giảm lãi suất về mức 5%-6% như trước để người mua nhà ở thực có thể tiếp cận và thu hút khách hàng, nhà đầu tư sớm tham gia thị trường.

50 dự án sẽ được TP.HCM gỡ vướng pháp lý trong năm 2023

Mới đây, trong buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được 50 dự án BĐS bị vướng mắc pháp lý.

Ngoài các dự án được gỡ vướng vừa qua, HoREA đang tiếp tục kiến nghị các sở, ngành khẩn trương rà soát trình UBND TP xem xét, giải quyết cho các dự án bị vướng tương tự để từng bước khơi thông thị trường, bảo đảm tính công bằng cho các DN.

Nguồn: https://plo.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Tín hiệu tốt sau loạt dự án được gỡ vướngtrên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *