Tín dụng bất động sản dần “lên khỏi mặt đất”

95 lượt xem - Posted on

Tại một số ngân hàng tư nhân, tín dụng tiêu dùng bất động sản nhúc nhắc tăng trưởng trở lại, trong khi tại các ngân hàng TMCP nhà nước, phân khúc tín dụng này vẫn ghi nhận sự sụt giảm.

Tín dụng bất động sản là mảng hoạt động quan trọng bậc nhất của các ngân hàng. Ảnh: Đức Thanh

Cầu vay mua nhà phục hồi chậm

Tính đến hết tháng 1/2024, tín dụng toàn nền kinh tế giảm 0,6%, một trong những nguyên nhân là tín dụng tiêu dùng bất động sản chưa phục hồi. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này tính tới cuối tháng 1/2024 giảm 2,3%, tương ứng giảm 30.000 tỷ đồng. Một trong các nguyên nhân chính khiến tín dụng Vietcombank giảm tháng đầu năm là tín dụng tiêu dùng bất động sản tiếp tục đà suy giảm từ năm 2023.

“Tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, các dự án mới được cấp phép và lượng bất động sản cung ứng ra thị trường rất ít, các vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực đất đai làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư mới… là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này”, ông Tùng cho biết.

Tương tự, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho hay, dư nợ tín dụng bất động sản tại Agribank là hơn 200.000 tỷ đồng, dư nợ ở mức duy trì so với cuối năm 2023 (không tăng trưởng). “Đó là biểu hiện của việc người dân vẫn lựa chọn gửi vốn vào ngân hàng chứ không đầu tư”, ông Vượng nhận định.

Tuy vậy, tại một số ngân hàng TMCP có hệ sinh thái bất động sản đa dạng, tín dụng tiêu dùng bất động sản bắt đầu có sự phục hồi. Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết, thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay đã bớt đóng băng so với năm 2023, người dân bắt đầu có động thái đầu tư trở lại. Tín dụng mua nhà tại Techcombank đã tăng nhẹ 0,5% trong tháng 1/2024, trong khi tín dụng kinh doanh bất động sản duy trì ổn định so với cuối năm ngoái.

Theo Thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước – NHNN), tín dụng bất động sản chiếm gần 22% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và là mảng hoạt động quan trọng bậc nhất của các ngân hàng. Vì vậy, sự phục hồi của thị trường bất động sản, đặc biệt là cầu vay mua nhà tác động rất lớn tới tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.

Hiện nay, tín dụng tiêu dùng bất động sản chiếm hơn 62% tổng dư nợ tín dụng bất động sản toàn hệ thống. Tại nhóm các ngân hàng lớn, con số này lên tới 70-80%. Do đó, cầu vay mua nhà sụt giảm sẽ kéo tín dụng bất động sản nói riêng cũng như tín dụng nói chung của ngân hàng sụt giảm.

 Sản xuất gặp khó, ngân hàng càng “khát” đẩy mạnh cho vay mua nhà

Theo các ngân hàng thương mại cổ phần, tín dụng giảm trong tháng đầu năm không có gì bất thường, do yếu tố mùa vụ và do sức hấp thụ của nền kinh tế yếu. Tuy vậy, ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn, các ngân hàng vẫn không ngại cho vay bất động sản nếu có đầy đủ pháp lý.

Tiếp tục rà soát, phân loại các Dự án bất động sản.

– Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú

ngân hàng thương mại cần tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động.

Bên cạnh đó, cần chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn về nhà ở. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.

“Bất động sản nếu có đủ giấy tờ pháp lý, thì kể cả khủng hoảng kinh tế xảy ra, ngân hàng cũng không sợ mất vốn. Nếu cho vay sản xuất – kinh doanh, doanh nghiệp phá sản, ngân hàng có thể mất vốn vì “ôm” dây chuyền sản xuất cũng không biết làm gì. Đây là lý do ngân hàng thích cho vay bất động sản, bởi nếu nhận tài sản cầm cố là bất động sản, nếu năm nay không bán được thì 2-3 năm sau bán vẫn thu hồi được vốn”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank lý giải.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN chưa bao giờ chủ trương siết tín dụng bất động sản. Tuy vậy, quan điểm của NHNN là chỉ khuyến khích cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá cả phù hợp với nhu cầu ở thực, bất động sản khu công nghiệp… NHNN khuyến cáo các ngân hàng thương mại hạn chế giải ngân cho các dự án đầu cơ, vì sẽ khiến dòng vốn bị chôn chặt, không luân chuyển được.

Được biết, để kích cầu tín dụng bất động sản, nhóm ngân hàng Big 4 đang đẩy mạnh triển khai gói 120.000 tỷ đồng. Vietcombank cho hay, đang tiếp cận 20 dự án nhà ở xã hội với quy mô dư nợ khoảng 10.000 tỷ đồng, hiện các dự án này gặp khó khăn chủ yếu về thủ tục pháp lý. Trong khi đó, Agribank đã phê duyệt cấp tín dụng cho 5 dự án thuộc gói 120.000 tỷ đồng, cam kết cho vay 2.100 tỷ đồng và hiện giải ngân được 200 tỷ đồng.

“Nhiều dự án mới và dự án đang đầu tư gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Nhiều dự án đã tồn đọng 1-2 năm do vướng mắc tại chính quyền địa phương. Về việc này, NHNN cũng cần có ý kiến với các bộ, ngành để thống kê lại và có giải pháp tháo gỡ”, ông Phạm Toàn Vượng đề xuất.

Các ngân hàng thương mại kỳ vọng, tín dụng bất động sản bắt đầu phục hồi từ quý II/2024. Năm 2023, tín dụng bất động sản tăng 11,81%, chiếm 21,28% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 35,38%, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,08%.

Nguồn: https://baodautu.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Bạn đang xem Tín dụng bất động sản dần “lên khỏi mặt đất”trên Express 24h chuyên trang tin tức uy tín hàng đầu việt nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *